Tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau khi đưa vào khai thác tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phớt lờ không phối hợp với địa phương để giải quyết các tồn tại. Tỉnh này cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm nếu người dân cản trở giao thông.
Thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có 2 công văn trong tháng 3 và tháng 4.2018 đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi (đơn vị được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao làm đầu mối) để giải quyết các nội dung còn tồn tại, kiến nghị, đề xuất của địa phương về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vấn đề an sinh, ảnh hưởng trong quá trình thi công, việc hoàn trả lại đường thi công, vệ sinh môi trường… liên quan đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi thì BQL đã có nhiều văn bản đề nghị VEC giải quyết các nội dung tồn tại, vướng mắc, nhất là các kiến nghị của cử tri nhưng chưa nhận được kết quả giải quyết của VEC.
Đồng thời, kể từ ngày dự án được thông xe đến nay thì VEC cũng không phối hợp với BQL và các địa phương giải quyết các tồn tại liên quan đến dự án nữa.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo VEC khẩn trương phối hợp với BQL để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án.
UBND tỉnh Quảng Ngãi không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người dân cản trở giao thông trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên quan đến việc chậm phối hợp giải quyết của VEC.
Trong cảnh báo của giới chuyên môn, việc sửa nền đường chắp vá trên cao tốc gây lo lắng về mặt kỹ thuật
Tại Quảng Nam, trong cuộc họp báo ngày 2.10, lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết đang rốt ráo phối hợp với phía VEC để xử lý các tồn tại liên quan đến việc hoàn thành các hạng mục phụ, đường gom dân sinh, cống thoát nước trước mùa mưa bão đang tới, vấn đề đền bù cho người dân… Tuy nhiên, đến nay tiến độ vẫn rất chậm.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được khởi công ngày 19.5.2013 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1,64 tỉ USD, tương đương gần 34.520 tỉ đồng từ vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Sáng 2.9.2018, Bộ Giao thông vận tải tổ chức thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến.
Tuyến chính cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô 4 làn xe và 1 làn dừng xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/giờ với đầy đủ hệ thống biển báo.
Điểm đầu của tuyến là thuộc thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) điểm cuối thuộc xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi).
Toàn tuyến có 8 nút giao gồm: Túy Loan (Đà Nẵng); Phong Thử, Hà Lam, Tam Kỳ, Chu Lai (tỉnh Quảng Nam); Dung Quất, Bắc Quảng Ngãi và Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Được biết, mức phí tối thiểu là 1.500 đồng/km. Nếu đi hết toàn tuyến thì mức phí dịch vụ thấp nhất là 180.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và cao nhất là 790.000 đồng đối với xe container 40 feet. Thời gian thu phí 24 năm với điều kiện đảm bảo 28.000 lượt phương tiện/ngày.
Tính đến thời điểm thông xe, tuyến cao tốc này vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Nhiều hạng mục được cho là phụ như lưới chắn, hàng rào hai bên cao tốc…vẫn chưa hoàn thành. Đã có nhiều ý kiến cho rằng việc đưa một tuyến cao tốc vào khai thác khi chưa hoàn thiện các hạng mục bảo vệ an toàn là điều khó hiểu.
Lê Đình Dũng