Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đầu tư dở dang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) "đóng góp" đến 5 dự án gồm: Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX), dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất, dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước, dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

PVN công bố giải pháp xử lý 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ

01/10/2018, 16:38

Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đầu tư dở dang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) "đóng góp" đến 5 dự án gồm: Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX), dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất, dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước, dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) - một trong những dự án thua lỗ nghìn tỉ của PVN - Ảnh: Internet

PVN vừa công bố báo cáo tiết lộ tình trạng và giải pháp xử lý 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ của đơn vị này. Theo đó, thực hiện Đề án xử lý các doanh nghiệp, dự án kém hiệu quả của ngành công thương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Bộ Công Thương, đến nay PVN đã triển khai một loạt giải pháp để xử lý các dự án chưa hiệu quả như thành lập Ban Chỉ đạo thuộc Tập đoàn về xử lý các dự án kém hiệu quả; tổ chức kiện toàn nhân sự tại các đơn vị, hỗ trợ nhân lực có năng lực, kinh nghiệm từ các đơn vị thành viên Tập đoàn tham gia công tác bảo dưỡng sửa chữa, chuẩn bị các điều kiện để vận hành lại các mhà máy.

Cùng với đó, Tập đoàn cũng đang tìm kiếm các đối tác có tiềm lực tài chính hỗ trợ về vốn, có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và thị trường... Các cổ đông và chủ đầu tư đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và làm việc với các ngân hàng tài trợ để tái cơ cấu nợ vay cho dự án nhằm giúp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn đầu nhà máy vận hành lại. Tập đoàn cũng đã có kiến nghị Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép giãn khấu hao đối với các dự án.

Chi tiết từng dự án, PVN cho biết với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của PVTEX, sau gần 3 năm dừng hoạt động thì vào ngày 20.4 vừa qua, PVTEX đã chính thức vận hành thương mại trở lại phân xưởng sợi Filament. Đến nay sau gần 5 tháng, PVTEX đã xuất bán gần 1.000 tấn sản phẩm sợi DTY các loại với chất lượng được khách hàng tin tưởng và đưa vào sử dụng sản xuất ổn định. Trong 5 tháng sản xuất và kinh doanh, PVTEX đã có những hợp đồng trong nước và nước ngoài với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản...

Về 2 dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhiên liệu sinh học Bình Phước do các công ty con của PVN phối hợp với các cổ đông đầu tư thực hiện đã sẵn sàng vận hành lại. Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã ký được hợp đồng hợp tác gia công E100 với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) ngày 12.6 vừa qua.

Do giá sắn tăng cao nên đối tác của cả 2 dự án chưa ứng tiền kinh phí và cung cấp sắn nguyên liệu để vận hành lại. Các đơn vị đang xem xét giải pháp sử dụng nguyên liệu thay thế (ngô), và các nguyên liệu khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho việc vận hành lại.

Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) do Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) - đơn vị thành viên của PVN nắm giữ 39,76% vốn điều lệ, các cổ đông bên ngoài nắm cổ phần chi phối. PV OIL hiện thu xếp lịch với các cổ đông của PVB để tổ chức họp cổ đông, tìm ra các giải pháp xử lý tối ưu, trong đó bao gồm cả phương án phá sản doanh nghiệp.

Đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), đây là doanh nghiệp ở trong tình trạng trì trệ nhất, được bàn giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (trước đây là Vinashin và hiện là SBIC) về PVN từ tháng 6.2010.

Thời điểm tiếp nhận, DQS phải chịu gánh nặng tài chính do thua lỗ, công nợ lớn; đầu tư quá dàn trải, quá lớn nhưng trang thiết bị không đồng bộ, dở dang, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và chưa hoàn thành công tác quyết toán.

Hiệu suất sử dụng tài sản của DQS rất thấp, chi phí cố định phân bổ cho các sản phẩm lớn, không có đủ năng lực về tài chính để đi đấu thầu tạo việc làm. Những năm qua, PVN và các đơn vị thành viên đã tạo điều kiện hỗ trợ để DQS mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng đến nay hoạt động còn rất khó khăn.

Hiện tập đoàn đã thuê tổ chức định giá và sẽ nỗ lực tái cơ cấu DQS, bao gồm cả việc nghiên cứu để chào bán toàn bộ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các phương án này đã được HĐTV PVN trình Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét thông qua.

PVN nói rằng việc xử lý 5 dự án thua lỗ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bên cạnh các yếu tố khách quan như nền kinh tế còn khó khăn, giá dầu sụt giảm kéo dài, thị trường xơ sợi, nhiên liệu sinh học kém hấp dẫn nhà đầu tư... còn có không ít khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, đặc biệt là các vấn đề về cơ chế tài chính và thuế nhập khẩu.

PVN đã rót tổng cộng trên 23.000 tỉ đồng vốn vào 5 dự án trên. Vốn đầu tư các dự án từ 70-80 triệu USD đến 300-400 triệu USD. Trong đó có 1 dự án vận hành nhưng thua lỗ, 1 dự án dừng thi công và 3 dự án dừng hoạt động.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PVN công bố giải pháp xử lý 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ