Một câu chuyện thật nhẹ nhàng về chàng ca sĩ khởi đầu bằng dòng nhạc cách mạng nhưng lại được yêu thích ở dòng nhạc trữ tình- quê hương.

Quốc Đại: 'Xíu nữa thôi tôi đã là anh thợ may'

Một Thế Giới | 28/03/2015, 21:50

Một câu chuyện thật nhẹ nhàng về chàng ca sĩ khởi đầu bằng dòng nhạc cách mạng nhưng lại được yêu thích ở dòng nhạc trữ tình- quê hương.

1. Nhà tôi ở khuất trong một con hẻm nhỏ của Sài Gòn. Nắng từ trời rớt xuống, xiên qua lổ thủng của những mái hiên, làm thành thứ hoa nắng sáng lòa trong kí ức. Sài Gòn ngày xưa chưa có “bê tông hóa” như bây giờ, con hẻm tôi ở, đường ra vô còn là đường đất. Đường đất thì mềm, soi lô bắn bi, đào lỗ đánh đáu … vô tư; nhỏ con gái nhảy dây lỡ té, thằng con trai chơi bắt cướp bị trượt chân, … cũng đỡ đau, đỡ khóc và đỡ bị ba mẹ la rầy. Con hẻm ngắn, rộng chừng hai sải tay, tôi len lén bỏ dép, nghe hơi đất ẩm sương thấm vào từng bước chân mát rượi. Tiếc rằng ngày xưa còn nhỏ quá, đâu có biết đất dưới chân cũng có một tâm hồn.
Ba sáng sớm đã cắp cặp đi làm, mùi hương gia đình còn ấm nồng trên áo. Mẹ tất tả lo cho 4 chị em, giặt đồ đầu này, nấu ăn chỗ kia, … những công việc không tên ngốn hết thời gian của mẹ. Nhà không khá giả gì, nên ngoài nội trợ, mẹ bàn với ba nhận thêm nhiều việc khác. Có thời, nhà tôi nhận giữ xe trên đường Lê Lợi. Tối đến, bên ánh đèn măng - sông tăng cường, ba mẹ, với mấy chị em cặm cụi ngồi cắt giấy, dán thẻ. Tôi mới bảy, tám tuổi đầu cũng lăng xăng ghi ghi, dán dán. Mẹ mua bột năng, một phần nấu thành hồ dán, một phần bỏ đường vô khuấy lên thành thứ đồ ăn chơi ngòn ngọt, mà anh em tôi rất thích. Thuở nhỏ xíu, nhà lại nghèo đâu có bánh trái gì cho cam, nên thứ bột dính dính, thơm thơm, ăn vào thấy là lạ, ngon ngon đeo đuổi tôi cho đến tận bây giờ. Món ăn tôi không biết gọi tên, chỉ có vị là nhớ mãi. Lại nhớ cái thuở mẹ nhận hàng jean về may gia công để kiếm thêm, chị em tôi đi học về là thay đồ chạy ra cắt chỉ, xếp hàng giúp mẹ. Ba đi làm về, cơm nước xong xuôi cũng tham gia cùng. Bụi vải xông kín mũi, mẹ vừa ho gạt bụi vừa... đuổi tôi đi vì… “để em nó hít bụi, bịnh bây giờ”. Tới giờ ngủ, mẹ sai chị lùa mấy đứa em lên giường. Khuya hanh hao, giấc ngủ không tròn, tôi trở mình ngó ra nhà trước thấy ba mẹ cặm cụi tay đung đưa cắt chỉ, cả hai như bất động, chỉ có tiếng thầm thì len lỏi vào đêm.
Tôi hát hay từ nhỏ. Một mình tôi thường đi bộ ra rạp Quốc Thanh cũ, rạp Lao Động mà giờ đang bỏ hoang để coi cải lương. Coi đúng giờ ngủ là chạy về, biếng cả ăn chơi cùng bạn bè. Biết tôi mê, khi hết lớp năm, nghỉ hè ba mẹ đồng ý cho tôi theo học cải lương. Học kỳ 1 năm lớp 6 tôi từ một học sinh giỏi bị rớt xuống trung bình. Ba mẹ đoán rằng chắc tại tôi mê học cải lương quá mà bỏ bê học chính khóa, nên cho nghỉ. Ba mẹ kêu nghỉ thì tôi nghỉ, chứ nhỏ quá mà, biết gì đâu mà cãi. Cuối năm ấy, tôi lại được học sinh giỏi. Mẹ ngó tôi cười cười: “Hiểu hàng rồi ha”, tôi cũng cười “he he”, thầm nghĩ “tại mình mê học nhạc nên học dở”… mà đâu có biết sau này xướng ca nó trở thành cái nghiệp. Đã là nghiệp thì rũ mãi cũng khó mà buông…
2. Lớn lên xíu nữa, tôi ước làm thợ may. Bác ruột tôi là thợ may vest có tiếng cũng ở cùng con hẻm. Bác thương tôi lắm, hay kêu qua nhà để … “ăn chực”. Bác may vest vừa khéo, khách quen rất nhiều, nhìn bác nhíu mày, hai ngón tay thuôn thuôn dài cặp viên phấn vạch vạch, đo đo, tôi không khỏi ước ao sau này mình cũng kế thừa cái nghề của bác. Nhưng tiếc thay, vài năm sau gia đình bác ra nước ngoài định cư, tôi còn quá nhỏ, bác lại không có đệ tử nên tiệm may bỏ luôn từ đó. Tôi nung nấu ước mơ thơ dại ấy cho đến lớn. Mấy năm phổ thông, trường có cho học nghề vào chương trình học ngoại khóa. Tôi đăng kí học may, cả lớp không có đứa nào đăng ký chung nghề, kể cả tụi con gái. Mấy thằng bạn cứ ôm vai, bá cổ chọc quê. Mà tôi đâu thấy quê gì đâu, tôi học may vì tôi muốn thành thợ may thật mà, với lại nhà tôi cũng có máy may nữa. Nhưng có một mình lủi thủi đi học cũng không được, vậy là tôi đăng kí học cơ khí. Nhân chuyện này, tôi lại nhớ về mẹ tôi. Lần đó, tôi gom mớ nhựa thông vụn trong lớp học, định bụng nấu chảy ra rồi đông thành một khối để thử que hàn. Tôi đốt lửa trên bếp dầu, bỏ nhựa thông vô cái chén sứ để lên nấu. Bếp dầu có chỗ thông hơi ngay nơi phun lửa, mà tôi đặt cái chén bít luôn chỗ đó, nên mấy phút sau thì cái lò phát nổ, chén nhựa thông hắt hết vào tay tôi. Tôi hét lên trong vô thức: “Mẹ ơi, cứu con”… Mở mắt ra đã thấy tay mẹ mát rượi áp lên má. Kể từ đó, mỗi lúc khó khăn ập đến dồn dập tôi hay nhủ thầm: “Mẹ ơi…”
Xong phổ thông tôi lại mơ học ngoại ngữ. Tôi thi vào trường Đại học Tổng hợp cũ, mà nay tách ra thành Nhân văn và Tự nhiên. Tôi rớt ngon ơ à. Ba mẹ cũng không trách, gần một năm “chơi không” đó tôi đi học ôn. Đang buồn buồn nên tôi đăng kí học thanh nhạc ở Trung tâm văn hóa quận nhất, thầy dạy tôi là thầy Trung Khánh. Một hôm mưa tầm tã, tôi đội áo mưa đến trung tâm, không thấy ai, không thấy thầy. Tôi gọi điện về nhà thầy, nói: “Thầy ơi, con đến lớp rồi mà không có ai”, thầy dặn: “Đợi đó, thầy lên liền”. Từ đó, hễ mỗi khi trời mưa to, gió dữ là cả trung tâm chỉ có hai thầy trò luyện thanh giữa màn mưa đang thét gào ầm ĩ. Sau này tôi mới biết, lớp có lệ mỗi khi mưa to học trò và thầy sẽ tự nghỉ. Tôi hỏi thầy tại sao vẫn đội mưa chỉ để dạy một mình tôi, thầy cười bảo: “Con thích học thì thầy dạy thôi”. Thầy của tôi là vậy, cứ lẳng lặng làm mà không cần ai phải biết đến. Tính bền bỉ của tôi chắc cũng nhờ thầy mà ra.
Quoc dai
  Say mê cải lương từ nhỏ nên Quốc Đại hát dân ca cũng không kém mượt mà. Ảnh: Dương Hoàng Sơn
3. Năm sau tôi thi đậu khoa Ngữ văn Anh trường đại học Tổng hợp. Học được mấy tháng, trường tổ chức cuộc thi “Tiếng hát sinh viên Tổng hợp”, tôi lơ ngơ đăng kí dự thi, ai dè được giải nhất. Vài tháng sau, tôi đăng kí thi Tiếng hát truyền hình, được giải khuyến khích. Rồi ham đi hát quá, nghỉ học luôn. Mẹ biết được, buồn so, nhưng mà ba nói: “Con lớn rồi, làm gì thì làm, miễn là phải theo cho tới cùng, và biết tự đứng dậy khi vấp ngã, biết tự chịu trách nhiệm cho bản thân”. Như được “hậu thuẫn” tôi theo nghề hát luôn, bụng bảo dạ: “Ngoại ngữ mà, tự học cũng được”. Nhưng rồi có học đâu, mê hát quá, chạy show liên miên cho đến tận bây giờ. Nghĩ lại cũng tiếc, phải chi mình ráng vừa hát vừa học để lấy cái bằng thì giờ coi như mọi sự đã vẹn tròn. Nhưng mà, cuộc sống, mấy ai được tròn vẹn bao giờ đâu. Có rất nhiều người trên thế gian này hao khuyết nhưng rất đẹp, họ đẹp vì hao khuyết…
Kể ra đời tôi cũng may mắn, vì tôi đã đến với dân ca. Thứ âm nhạc mộc mạc mà lay động lòng người. Tôi tự nhận mình không thể kiếm tiền được nhiều như đồng nghiệp, nhưng dân ca mang lại cho tôi thứ tình yêu bền bỉ. Sống với nghề, và không cảm thấy mệt mỏi với nó, chẳng phải là quá hạnh phúc hay sao. Mà đời tôi êm êm chắc bởi dân ca rất hiền. Người ta hay đùa, nhìn tôi khờ quá, “chắc tại vì thằng Đại nó hát dân ca”. Thấy vui vui, không phải vì người ta “khen” … khờ, mà bởi dân ca hiền thật. Dân ca như con mương, con rạch, chảy êm êm, quanh năm chỉ một mùa xanh mát; như chiếc lá, con chim se sẻ, sống chết gì cũng hiền queo. Nhạc dân ca có giận, có thương, mà giận thương gì cũng hiền khô, như chị Hai chịu cảnh “ru lại câu hò”, như anh thấy “tóc em bay bay trong chiều chiều gợi bao nỗi nhớ” … có nhiêu đó thôi mà thương nhau… Nghĩ lại, thấy đời tôi cũng như bản dân ca, nhẹ không…
Quoc dai
  Quốc Đại trong Chuyện tình lá diêu bông sắp được công diễn
Quốc Đại trong Chuyện tình lá diêu bông
Ngoài giọng hát ngọt ngào trời phú, Quốc Đại còn tiếp tục thử sức mình trên sân khấu kịch. Ngày 29.3 tới đây, tại sân khấu 5B, Quốc Đại vào vai chàng ca sĩ nghèo, em trai nghệ sĩ Tú Sương trong vở kịch Tình lá diêu bông do NSUT Hữu Quốc dàn dựng. Tình lá diêu bông nói về Thương – cô gái thôn quê sớm mất cha mẹ, phải tảo tần buôn bán, hy sinh gần nửa đời người để nuôi 3 đứa em ăn học. Diễn xuất trong trẻo, chân thật của Quốc Đại trong Tình lá diêu bông chiếm được nhiều thiện cảm của khán giả. Trong một vài lớp diễn, Quốc Đại đã khiến khán giả rơi nước mắt, và chính anh cũng khóc thật với cảm xúc của nhân vật. Hy vọng vai diễn lần này là bước rẽ mới cho chàng ca sĩ mê đắm dân ca. 
Hồ Ngọc Giàu (ANTG)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
37 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc Đại: 'Xíu nữa thôi tôi đã là anh thợ may'