Phan Vũ, một cái tên quá đỗi quen thuộc trong làng nghệ thuật Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với ca khúc nổi tiếng “Em ơi ! Hà Nội phố” cùng những bộ phim, vở kịch, tác phẩm hội họa vang bóng một thời. Sau những vinh quang và cay đắng trong cuộc đời, bước sang tuổi 90 người nghệ sĩ lãng tử ấy vẫn không thôi dâng cho đời những bông hoa đẹp nhất từ tâm hồn của mình bằng những sáng tạo không ngừng nghỉ. Được nguyên một ngày gặp gỡ, hầu chuyện với ông quả là một điều may mắn.

Một ngày với tác giả: “Em ơi ! Hà Nội phố”

Một Thế Giới | 28/03/2015, 06:40

Phan Vũ, một cái tên quá đỗi quen thuộc trong làng nghệ thuật Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với ca khúc nổi tiếng “Em ơi ! Hà Nội phố” cùng những bộ phim, vở kịch, tác phẩm hội họa vang bóng một thời. Sau những vinh quang và cay đắng trong cuộc đời, bước sang tuổi 90 người nghệ sĩ lãng tử ấy vẫn không thôi dâng cho đời những bông hoa đẹp nhất từ tâm hồn của mình bằng những sáng tạo không ngừng nghỉ. Được nguyên một ngày gặp gỡ, hầu chuyện với ông quả là một điều may mắn.

Thời buổi công nghệ thông tin, chẳng khó khăn gì nếu như chúng ta lên Google gõ hai chữ “Phan Vũ”, trong vòng vài giây, hàng loạt kết quả, với hàng trăm bài báo khai thác mọi góc cạnh về cuộc đời, về những sáng tạo nghệ thuật của ông.

Đọc đi đọc lại tất cả những bài viết về ông vẫn còn có cái gì chưa giải tỏa hết sự tò mò về ông. Cái ước ao lớn nhất của tôi vẫn là được trực tiếp gặp ông để nghe chính ông kể về cuộc đời mình, được nghe ông đọc “Hà Nội phố” được thấy ông cầm cọ tô những mảng màu sáng tối lên những bức tranh mang đậm dấu ấn Phan Vũ…
Với tôi, mỗi khi nhắc đến tên ông cũng đồng nghĩa là lúc những vần thơ trong trường ca  Hà Nội phố tuyệt đẹp của ông lại vọng về:
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi.
Cuộc đời, có lẽ nào,
Là một thoáng
Bâng quơ...

Ngưỡng mộ là thế, nhưng để được gặp trực tiếp ông quả là điều tôi chưa nghĩ đến. Người viết thuộc thế hệ 7x như tôi và ông chênh lệch đến hàng mấy chục thập niên về tuổi tác. Viết về ông lại khó bởi lẽ ông thuộc hàng “cây đa, cây đề” đã có nhiều người viết cặn kẽ và quá sâu sắc rồi còn gì.

Bằng một sự tình cờ, một người bạn đồng nghiệp của tôi nhắn tin: “Mai đi quận 9 không ? Xuống gặp chú Phan Vũ”. Quá vui với thông tin của bạn, tối hôm đó thao thức mãi. Sáng dậy sớm chuẩn bị “đồ nghề tác nghiệp”. băng băng lên đường bằng một niềm háo hức chưa từng có để chạm mặt người làm nên một “Em ơi ! Hà Nội Phố”.

Điểm hẹn gặp gỡ là một quán cà phê ở quận 9 TP.HCM. Khi chúng tôi đến ông đã ngồi đó từ trước. Đập vào mắt tôi là một Phan Vũ vạm vỡ quắc thước và đầy vẻ phong trần lãng tử ngậm ống điếu, tay cầm smartphone lướt Facebook. Dù biết trước ông đã bước sang tuổi 90 nhưng sao vẫn ngờ ngợ. Không thể tưởng tượng ông mạnh khỏe đến thế. Bộ quần áo jean còn dính đầy sơn, đôi tay lem luốc màu vẽ, nụ cười hiền và ánh mắt triều mến của ông đã làm tôi thấy ông quá gần gũi thương yêu. Càng tự tin hơn khi ông thừa nhận: “Tôi thường chơi với các bạn trẻ ở tuổi 20 đến 30, họ có rất nhiều điều hay và rất sáng tạo trong nhiều lĩnh vực”.
mot-ngay-voi-tac-gia-em-oi-ha-noi-pho-hinh-anh-1
Nhà thơ, họa sĩ, nhà biên kịch, đạo diễn Phan Vũ  

Ông là người rất ít nói, rất ít thể hiện mình trước đám đông. Mọi cái trong ông đều chậm rãi bình lặng. Ông tiếp chúng tôi thân thương như người ông và những đứa cháu. Bên ly cà phê thơm tho buổi sáng, ký ức của ông hình như vẫn nguyên vẹn chưa thể mất một đoạn nào trong phần đời vốn nhiều thăng trầm của ông.

Qua lời ông kể, tôi có thể hình dung được chàng trai Phan Vũ tuổi 20 oai hùng trong đoàn quân Nam tiến ở Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Có những câu chuyện ông đã từng chia sẻ với báo chí và cũng có câu chuyện lần đầu ông mới kể. Thuở ấy khi còn làm bên Ban chính sách tù binh của Việt Minh. Có một cô tù binh người Pháp phải lòng ông đến nổi sau khi được thả mỗi ngày cô đều gởi quà ra vùng kháng chiến cho ông. Điều trớ trêu là bố cô ấy là một sĩ quan Phòng Nhì của Pháp biết được việc làm của con gái và đã giăng một cái bẫy chờ ông nhập thành để bắt. Rất may là điều đó không xảy ra với ông.
mot-ngay-voi-tac-gia-em-oi-ha-noi-pho-hinh-anh-2
Chân dung tự họa của Phan Vũ 

Khi được hỏi về bài thơ “Hà Nội phố", ngoài những gì ông chia sẻ trên báo chí ông còn cho biết thêm: “Trong Hà Nội phố của tôi có bóng dáng rất nhiều người tình trong đó.Một người người bạn đã thống kê đến 36 người tình. Nhưng thú thật tôi không yêu ai cả, tất cả họ đều yêu tôi. Nếu tôi yêu một trong số đó có lẽ Hà Nội phố sẽ không ra đời”. Hà Nội phố của ông có một số phận khá kỳ lạ, được sáng tác năm 1972 nhưng nó chỉ là một bản thảo chưa hoàn chỉnh và được truyền miệng qua nhiều thập kỷ, mãi đến 1985 khi nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc một đoạn trong bài thơ của ông thì công chúng mới biết đến và được chính thức lưu hành thành văn bản. Có một điều ông thắc mắc là tại sao bài hát phổ từ thơ của ông người ta vẫn ghi là “phỏng thơ” Phan Vũ.

Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc lại hoàn cảnh ra đời của Hà Nội Phố bằng chính lời ông kể: “Thời gian tôi viết bài thơ này, cũng là lúc máy bay Mỹ đang ném bom B52 khắp Hà Nội. Nhà tôi ở phố Hàng Bún, ngay đối diện với nhà máy điện Yên Phụ. Chung quanh nơi tôi ở, nhà cửa đổ nát, quang cảnh chết chóc tang thương khắp nơi. Từ đầu phố đến cuối phố lúc nào cũng đầy mùi hương thắp cho người đã khuất. Những tứ thơ của tôi nảy ra trong thời điểm đó. Bài thơ tôi không viết về chiến tranh, mà viết về những hoài niệm sâu đậm trong lòng. Tôi đã đẩy thời điểm trong bài thơ lùi về quá khứ. Dấu vết của chiến tranh chỉ xuất hiện ở khổ thơ thứ 20, với “Một tháng Chạp - Trắng khăn sô - Khói hương dài theo phố…” Những sự kiện trong tháng 12 đó đã để lại một rãnh sâu đậm trong ký ức của tôi. Đó là một khối lượng hoài niệm. Ta còn em, cũng có nghĩa là ta mất em rồi.”

Mải mê với những câu chuyện của ông đến quá trưa. Chúng tôi xin phép được ghé qua thăm nhà để xem tranh do ông vẽ. Con đường quanh co qua mấy con hẻm đưa chúng tôi đến căn nhà cũng là xưởng vẽ của ông. Căn nhà nhỏ, bề bộn với  màu cọ, tranh treo trên tường, tranh ở dưới đất, những bức đã hoàn thành, những bức tranh còn dang dở. Ông là người lặng lẽ nên công ít tiếp khách, lý do ông đưa ra là xưởng vẽ và nhà ở của ông rất nhỏ, chỉ có thể tiếp từ một đến hai người. Hôm nay chúng tôi được ông ưu ái mời đến nhà.

Dù ở tuổi 90 nhưng ông vẫn dậy từ 3 giờ sáng để vẽ. Đa số tranh của đều theo trường phái trừu tượng. Nhìn tranh của ông thật sự chúng tôi không hiểu gì nếu như không có lời giải thích từ ông.

“Tranh của tôi vẽ đều lấy ý tưởng từ những câu thơ viết. Tôi rất yêu con bản thân mình nên thường phát họa khuôn mặt của mình nên tôi thường phát họa khuôn mặt của mình để ngắm nhìn mỗi ngày. Hội họa luôn tạo cho tôi cảm giác tự do phóng khoáng vì nó không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì". Những gam màu trong tranh Phan Vũ luôn có sự tương phản giữa sáng và tối và chứa nhiều thông điệp mà không dễ gì ai cũng nhận ra. Ông nói “Nếu ai cũng hiểu tranh của tôi thì tôi còn gì để vẽ nữa. Tôi chú trọng đến màu sắc tương phản của tranh hơn là hình khối”
mot-ngay-voi-tac-gia-em-oi-ha-noi-pho-hinh-anh-3
Tranh của Phan Vũ luôn có sự hiện diện của khuôn mặt ông 

Họa sĩ Phan Vũ chưa từng học vẽ ở bất cứ trường lớp nào. Kiến thức mà ông có được để chuyển qua vẽ tranh là được tích tụ bởi trong quá khứ ông là người cùng thời với các danh họa Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… ông thường đến xem họ vẽ và từ màu mò học nghề từ ngày ấy. Thời gian sau này khi có dịp xuất ngoại ông tìm mua những tài liệu về hội họa rồi tự học. 

Trước bối cảnh khá “bát nháo” của nhiều trường phái hội họa trong nước. Điều họa sĩ Phan Vũ mong đợi là một thế hệ vàng trong bộ môn nghệ thuật này ra đời.
mot-ngay-voi-tac-gia-em-oi-ha-noi-pho-hinh-anh-4
Một tác phẩm của họa sĩ Phan Vũ 
Trên bàn làm việc của ông, tôi chú ý đến hộp thuốc bốn ngăn được ghi cẩn thận “Sáng – Trưa – Chiều – Tối”. Đó là sự chu đáo của vợ sau này ông (nhà báo Diễm Chi). “Mọi việc của tôi đều do cô ấy sắp xếp, tôi có thói đãng trí hay quên nên cô ấy rất lo. Có được sự gọn gàng này là nhờ một tay cô ấy. Dù 90 rồi nhưng trong mắt cô ấy tôi luôn là một đứa trẻ con”.
mot-ngay-voi-tac-gia-em-oi-ha-noi-pho-hinh-anh-6
Nghệ sĩ Phan Vũ và vợ ông (Nhà báo Diễm Chi) 
Dù là người hào hoa lãng tử, nhưng với vợ con ông rất mực thủy chung son sắc. Trong hôn nhân ông quan niệm chữ “thương” đáng quý hơn chữ “yêu”, bởi thương sẽ gắn bó lâu bền hơn là yêu. Khi nhắc đến nghệ sĩ Phi Nga trong đôi mắt ông thăm thẳm những hoài niệm về người vợ đã quá cố. “Phi Nga ảnh hưởng rất nhiều trong trong quan niệm nghệ thuật và cuộc sống của tôi đến tận hôm nay. Những năm cô ấy bị bệnh tim tôi dành 30 năm để chăm sóc. Tôi rất sợ bất cứ tổn thương nào cho vợ dù chỉ là một vết nhỏ”. Kỷ niệm mà ông kể lại làm chúng tôi cảm động là thời ấy ở Hà Nội chưa có xe cứu thương như bây giờ, nhà ông xa bệnh viện, vợ ông nghệ sĩ Phi Nga lại không thể đi xe buýt được vì sợ sốc. Mỗi khi cô ấy lên cơn đau, ông phải cõng vợ trên vai đi bộ mấy cây số để đưa cô ấy đến bệnh viện. 
mot-ngay-voi-tac-gia-em-oi-ha-noi-pho-hinh-anh-5
 "

Ngày ấy anh bẻ một nhánh tràm tặng em kể như hoa ngày cưới. 30 năm ra đi em đã hình thành lá ngọn một màu xanh xanh mát đời anh" - Lời họa sĩ Phan Vũ đề tranh tưởng nhớ đến người vợ quá cố, nghệ sĩ  Phi Nga

Buổi chiều hôm ấy, bên ly rượu cay. Phan Vũ đã đọc Hà Nội Phố, Sài Gòn phố và nhiều bài thơ của ông cho cho chúng tôi nghe. Lúc cao hứng ông lại hát vang lên những bài ca của một thời kháng chiến. Ông còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện khác về cuộc đời của ông. Ngoài những chi rời rạc được viết ra ở đây, còn có những chuyện mà người viết xin giữ lại cho riêng mình và giữ lại cho riêng ông. Cũng bình thường thôi, bởi lẽ có những cái chỉ có người nghe mới cảm nhận được khi nhìn vào mắt ông. Đôi khi ngôn ngữ cũng trở thành bất lực.

Một ngày ngắn ngủi bên ông, người viết không có tham vọng vẽ lên một chân dung đầy đủ về ông. Đây chỉ là vài nét chấm phá rất nhỏ, những cảm nhận rất chân thành của người viết trẻ khi nghĩ về một bậc tiền bối của nền nghệ thuật nước nhà bằng sự trân trọng nhất.

Chia tay ông ra về, vẫn không biết gọi ông là gì. Nhà thơ, họa sĩ, chiến sĩ, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà báo... tất cả đều hội tụ trong con người của Phan Vũ. Xin mượn câu thơ trong bài Hà Nội phố để gọi ông, ông chính là : “Người nghệ sĩ lang hoài trên phố”, dù bất cứ cuộc rong chơi nào, từ thơ, điện ảnh, hội họa ông đều để lại những dấu ấn khó phai. Tôi chắc chắn rằng dấu ấn Phan Vũ sẽ còn mãi mãi đọng lại trong tôi.
Nhà thơ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Quê gốc ở Đà Nẵng. Học hết bậc tiểu học ở Hải Phòng, lên Hà Nội học tiếp trung học. 20 tuổi theo đoàn quân Nam tiến vào hoạt động ở Khu 8, Khu 9 (miền Đông và miền Tây Nam Bộ). Sau đó được cử vào Ban Chấp hành Văn nghệ Nam Bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc, tham gia chỉ đạo Đoàn Văn công tổng hợp Nam Bộ tham gia Đại hội Văn công toàn quốc 1956. Sau đó về làm biên kịch cho Đội kịch Trung ương rồi cho Xưởng phim Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, vào Nam công tác tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Sân khấu Việt Nam và hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Hiện ông đang sinh sống tại Q.9, TP.HCM.
Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một ngày với tác giả: “Em ơi ! Hà Nội phố”