Tại kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường: Xem xét miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ

Hoài Lam | 05/01/2023, 11:09

Tại kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Sáng nay (5.1), kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa 15 khai mạc tại Nhà Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội khóa 15 khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách.

Về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

qh-2.jpg
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa 15 khai mạc tại Nhà Quốc hội

Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước; Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề lớn như xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển; định hướng về phát triển không gian kinh tế-xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua dự án sang kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Điều này nhằm bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo sự phát triển ổn định, lâu dài ngành y tế, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quốc hội tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, căn cứ để phân cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển đổi, phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

qh.jpg
Kỳ họp Quốc hội "bất thường" là bình thường

Ngoài ra, các vấn đề tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; phương thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục; quy định về chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; lộ trình thực hiện và điều khoản thi hành Luật...

Trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù, đặc biệt cho phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay, Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và đã chính thức hết hiệu lực thi hành từ ngày 31.12.2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đại biểu tập trung phân tích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về bối cảnh ban hành, kết quả thực hiện Nghị quyết, bài học kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời, cho ý kiến làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tác động của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về vấn đề tài chính, ngân sách Nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

qh-3.jpg
Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu quốc hội

Nêu rõ đây là các nội dung cần trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, nhưng do các cơ quan chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, nên cần được xem xét, quyết định tại kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện từ đầu năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, góp ý kiến cụ thể về từng vấn đề; hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính chính xác, hợp lý, khả thi, rõ trách nhiệm…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Nêu rõ, kỳ họp bất thường diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023, xem xét, quyết định các nội dung hết sức quan trọng; rút kinh nghiệm từ thành công của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, kỳ họp bất thường lần này là hoạt động "bình thường" của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình
Sáng 24.11, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường: Xem xét miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ