Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX, nhiều đại biểu bức xúc về tình trạng nhiều dự án trên địa bàn bị “treo”, dự án quy hoạch công viên - cây xanh kéo dài hàng chục năm gây ảnh hưởng đến lợi ích của dân và lãng phí tài nguyên đất.

Quy hoạch yếu kém, người TP.HCM vẫn khổ vì dự án ‘treo’ kéo dài'

07/12/2018, 15:08

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX, nhiều đại biểu bức xúc về tình trạng nhiều dự án trên địa bàn bị “treo”, dự án quy hoạch công viên - cây xanh kéo dài hàng chục năm gây ảnh hưởng đến lợi ích của dân và lãng phí tài nguyên đất.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại kỳ họp - Ảnh: Phan Diệu

Quy hoạch “treo” kéo dài làm khổ dân

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết Thành phố đã rà soát khoảng 2.800 dự án. Về quản lý đất đai, Thành phố đang thực hiện 2 nghị quyết, trong đó đối với Nghị quyết 16 thì xác định có 547 dự án phải thu hồi chủ trương do chậm thực hiện. Đối với Nghị quyết 21, TP.HCM đã rà soát và xác định 188 dự án đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư.

Nói thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận quy hoạch của Thành phố vẫn là vấn đề yếu kém. Do đó, Thành phố đã thống nhất sẽ điều chỉnh quy hoạch chung cho phù hợp hơn và đang chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Trong khi chờ, Thành phố vẫn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của quy hoạch làm khổ dân.

“Quy hoạch phải khả thi vì không khả thi, kéo dài thì người dân rất khổ. Dù pháp luật không cấm mua bán nhưng không ai lại bỏ tiền đi mua nhà ở trong quy hoạch”, ông Tuyến nói.

Từ đó, ông Tuyến cho biết tới đây sẽ công bố việc thu hồi và công bố các dự án này để dùng vào các mục tiêu trọng điểm của Thành phố. Đối với các dự án kéo dài không triển khai nhưng không thể hủy bỏ như rạch Xuyên Tâm, Bình Quới - Thanh Đa, Safari, đường Vành đai 3…, TP.HCM sẽ thay đổi cách làm là tách ra thành dự án bồi thường giải phóng mặt bằng riêng, có biện pháp triển khai ngay để đảm bảo thu hồi đất đúng mục tiêu được duyệt và như đã công bố với dân.

Đối với các dự án đang thanh tra, TP.HCM đã có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ để rà soát, nếu không vướng sẽ tiếp tục cho triển khai. Riêng với quy hoạch hẻm, công viên cây xanh, trường học không phù hợp, Thành phố điều chỉnh để không ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Đối với các dự án gây ô nhiễm môi trường không phù hợp trong đô thị, Thành phố yêu cầu quận huyện làm việc với doanh nghiệp để chuyển đổi ngành nghề, nếu không sẽ thu hồi.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị UBND TP.HCM tăng cường công tác quản lý nhà nước chặt chẽ đối với lĩnh vực cần quan tâm như dự án “treo”, bởi nó gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Trong đó, các sở ngành cần phối hợp vừa giải phóng mặt bằng, vừa chọn được nhà đầu tư có năng lực, có tâm trong quá trình triển khai thực hiện, tránh tình trạng "xí" đất để đó.

Đối với quy hoạch đất có chức năng cho cây xanh, công viên, giáo dục, bà Tâm yêu cầu các sở ngành có liên quan, đặc biệt là các quận, huyện cần phối hợp để triển khai, bảo đảm tính khả thi; đồng thời rà soát lại quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch không khả thi hoặc quy hoạch rồi nhưng các ngành thiếu sự phối hợp đồng bộ dẫn đến đến quá trình triển khai không tốt.

Quang cảnh kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX - Ảnh: Phan Diệu

Thuê tư vấn đánh giá thép Trung Quốc ở dự án 10.000 tỉ đồng

Trả lời ý kiến của đại biểu về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói rằng đây là dự án thực hiện theo hình thức BT và được UBND TP.HCM ký hợp đồng với Công ty Trung Nam thực hiện.

Đến nay, dự án đã triển khai và đang vướng vấn đề về thủ tục giải ngân. Nguyên nhân là dự án BT này có sự hợp tác giải ngân giữa 3 đơn vị là Ngân hàng BIDV, UBND TP.HCM và Công ty Trung Nam.

“Vừa qua, trong quá trình giải ngân, khi Thành phố thuê đơn vị tư vấn giám sát thấy rằng một số hạng mục đúng theo quy định nhà nước thì xác định giải ngân với khoảng 4.000 tỉ đồng. Riêng một số hạng mục không phù hợp với quy định nhà nước như cống Mương Chuối do Công ty Trung Nam đã thay đổi thiết kế không đúng với thép xây dựng do Sở NN-PT-NT phê duyệt. Do vậy, Thành phố đang khẩn trương rà soát lại để có cơ chế xác nhận 3 bên cho phù hợp”, ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, với thép Trung Quốc đã được triển khai thuê, TP.HCM sẽ thuê đơn vị tư vấn dưới sự giám sát của Bộ NN-PT-NT (đơn vị được Chính phủ giao theo dõi dự án này) để có đánh giá thép này có đảm bảo an toàn không, nếu đảm bảo an toàn sẽ ghi nhận phần thay đổi này, sau đó tính toán giá trị vật liệu được đầu tư.

Liên quan đến tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng dự án, hiện các quận, huyện đã thông qua phương án đền bù nhưng việc giải ngân của Công ty Trung Nam cho công tác bồi thường chưa thực hiện được. Vì vậy, Thành phố đang ráo riết làm việc với Trung Nam, BIDV để giải ngân.

“Nói chung tiến độ dự án đang vướng cơ chế giải ngân giữa các bên do chưa có sự thống nhất đồng bộ. Chúng ta biết rằng giải quyết vấn đề chống ngập TP.HCM là toàn cục. Thế nhưng vấn đề đảm bảo pháp luật là yêu cầu hàng đầu nên Thành phố không thể nào giải quyết công việc không tuân thủ quy định của nhà nước”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch yếu kém, người TP.HCM vẫn khổ vì dự án ‘treo’ kéo dài'