Việc hoàn thiện giá đất là tất yếu, cần làm ngay, tránh việc hiểu nhầm vì mỗi phương pháp xác định giá đất có ra kết quả khác nhau, cho nên đó là lỗ hổng gây thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Xác định giá đất tùy tiện gây thất thoát lớn

07/12/2018, 13:12

Việc hoàn thiện giá đất là tất yếu, cần làm ngay, tránh việc hiểu nhầm vì mỗi phương pháp xác định giá đất có ra kết quả khác nhau, cho nên đó là lỗ hổng gây thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Ảnh: KTNN

"Tư nhân hóa ngầm" đất công

Tại hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản môi trường và những vấn đề đặt ra” do Kiểm toán Nhà nước vừa tổ chức, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản... gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội.

Trong khi đó, ông Phớc cho rằng công tác kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa được thường xuyên, số lượng ít.

“Việc kiểm toán mới dừng lại ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với ngân sách mà chưa đánh giá toàn diện, tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, đánh giá kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước”, ông nói.

Tại hội thảo, nghiên cứu của TS. Nguyễn Minh Phong và ThS. Nguyễn Trần Minh Trí cho thấy thời gian qua đã phát hiện liên tiếp hàng loạt vụ vi phạm trong quản lý đất công. Điển hình là vụ “cho mượn” hơn 17.000 m2 đất công thuộc Công viên Hoàng Hoa Thám, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, làm sân tập golf, với thời hạn tới 48 năm.

“Ngoài hiện tượng cho mượn đất công là không phù hợp Ðiều 17 Luật Ðất đai năm 2013, tại Bắc Giang còn có việc cơ quan quản lý lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỉ đồng để cho thuê đất thay vì đấu thầu theo quy định, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước”, các chuyên gia nói.

Một ví dụ khác là hồi tháng 4.2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp khẩn và yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với giá chỉ 419 tỉ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng giá thị trường không dưới 2.000 tỉ đồng.

"Sự thất thoát tài sản công - đất đai không chỉ bởi giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, tư nhân hóa ngầm đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo quy trình tắt , không công khai và không qua đấu giá...", nhóm chuyên gia cho biết.

Xác định giá đất tùy tiện

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng trên là từ sự áp dụng tùy tiện phương pháp xác định giá đất. Do đó, cần phải xây dựng và hoàn thiện việc xác định giá đất, đảm bảo tính nhất quán, sát với biến động của thị trường và đây là cốt lõi, ngăn chặn, bịt lỗ hổng thất thoát ngân sách nhà nước.

“Việc hoàn thiện giá đất là tất yếu, cần làm ngay, tránh việc hiểu nhầm vì mỗi phương pháp xác định giá đất có ra kết quả khác nhau, cho nên đó là lỗ hổng gây thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Phớc nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, thực tế giá đất được quy định trong khung giá đất và giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định quá thấp, không phù hợp với giá thực tế trên thị trường và trái với nguyên tắc xác định giá đất theo Luật Đất đai 2013.

Ông dẫn chứng, giá đất tối thiểu theo khung giá đất tại Hà Nội và TP.HCM là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa 162 triệu đồng/m2. Trong khi thực tế giá giao dịch thị trường tại 2 thành phố này cao hơn gấp nhiều lần, có mảnh đất được rao giá 1 tỉ đồng/m2.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, vụ việc Vũ Nhôm, Út Trọc, Thủ Thiêm là những sai phạm điển hình. Sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng đất.

“Mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Do đó, cần phải nhận diện, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát tài sản cho nhà nước và xã hội”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

TS. Vũ Đình Ánh đánh giá việc sử dụng đất kinh doanh trái pháp luật, tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất, xác định giá chưa đúng là những sai phạm gây tổn thất nhiều nhất cho phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

“Khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị quyền sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, trước và sau khi thực hiện cổ phần hóa DNNN, trước và sau khi giao đất thực hiện dự án theo hình thức BT... gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước, biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng, hối lộ”, ông Ánh nói.

Ông cũng cho rằng, còn có sai phạm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai. “Hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tính tổ chức, theo nhóm có sự dung túng bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền", ông cho hay.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
38 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Xác định giá đất tùy tiện gây thất thoát lớn