Theo nhận định của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử; đây là loại rác thải cực độc hại, có nguy cơ hủy diệt môi trường (không khí, đất, nước…) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Rác thải điện tử, bao gồm bất kỳ sản phẩm nào có dùng pin và dây dẫn điện, thường chứa các vật liệu độc hại cho con người và môi trường. Khi hết thời hạn sử dụng, bị lỗi, chúng sẽ bị thải bỏ và trở thành rác điện tử. Với sự phát triển của ngành công nghệ chóng mặt như hiện nay thì rác điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.
Liên Hiệp Quốc dự báo rằng khối lượng rác thải điện tử hàng năm trên toàn cầu sẽ tăng 33% vào năm 2017. Cụ thể, khối lượng các sản phẩm điện tử thải ra mỗi năm trên toàn cầu sẽ tăng lên 65,4 triệu tấn mà phần lớn sự gia tăng lại xuất phát từ các quốc gia đang phát triển.
Theo các nhà khoa học, hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử nhưng chính nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Scotland, Hàn Quốc… cảnh báo.
Đặc biệt, công nhân làm việc trong ngành này thường phải tiếp xúc với các mối nguy hại từ axít trong quá trình ăn mòn, làm sạch thiết bị, chất khí dễ cháy nổ, hơi khí độc, tia cực tím, phóng xạ... Tổ chức Lao động thế giới (ILO) thống kê được mỗi năm có 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp, có khoảng 438.000 người bị chết do hóa chất nguy hiểm gây ra.
Ảnh: Nguồn Interner
Tại Việt Nam, theo nhận định của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử. Như vậy với dân số 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường.
Bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm nghiên cứu của CDI cho biết việc làm trước mắt, chúng ta cần đẩy mạnh các giải pháp thanh kiểm tra về thực thi pháp luật lao động như vấn đề thời giờ làm thêm, đo kiểm môi trường...Xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp thực thi tốt trách nhiệm xã hội, xây dựng mạng lưới hỗ trợ thông tin về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho lao động. Cập nhật chia sẻ các thông tin trong nước và quốc tế về các nghiên cứu liên quan đến sức khỏe người lao động làm việc trong ngành điện tử.
Với những mối nguy hiểm mà rác thải điện tử gây ra, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) đã tổ chức cuộc hội thảo cuối kỳ về Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam”.
Đây là dự án được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, trị giá 1,5 triệu USD và được Viện Khoa học Công nghệ Môi trường thực hiện từ năm 2013-2016 cùng Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Dự án đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước và các hội thảo quốc tế, đào tạo 6 thạc sĩ, tăng cường năng lực nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ Môi trường trong lĩnh vực phát triển công nghệ tái chế chất thải rắn nói chung và rác thải điện tử nói riêng.
Những kết quả này góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của Dự án ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua việc tái chế chất thải cũng như giảm thiểu và ngăn ngừa phát sinh ô nhiễm trong các quá trình tái chế chất thải. Dự án đã đề xuất một số giải pháp nhằm hình thành một hệ thống thu gom, tháo dỡ và tái chế rác thải điện tử trong bối cảnh hiện nay.
Thu Anh