TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội vi sinh lâm sàng TP.HCM đã nhấn mạnh như thế tại Hội thảo khoa học "Tiếp cận mới trong xử lý lâm sàng bệnh lý đường tiêu hóa" vào hôm nay (18.9).
Theo TS.BS Phạm Hùng Vân, loạn khuẩn ruột là tình trạng giảm các vi khuẩn có lợi trong hệ vi khuẩn ruột; gia tăng các vi khuẩn có hại trong hệ vi khuẩn; hoặc giảm toàn bộ số lượng của hệ vi khuẩn ruột.
Phân tích của bác sĩ Vân cho thấy, có 3 hậu quả của loạn khuẩn ruột gồm: loạn khuẩn ruột trên ruột; loạn khuẩn ruột trên cơ quan ngoài ruột và loạn khuẩn ruột trên thần kinh.
Đối với loạn khuẩn ruột trên ruột là tình trạng vi khuẩn lạc chỗ gây viêm kinh niên niêm mạc đường tiêu hóa và tái đi tái lại nhiều lần. Đây chính là viêm ruột. Viêm ruột gây ra 2 bệnh lý tiêu biểu là bệnh crohn và bệnh viêm loét đại tràng.
Ngoài ra khi tình trạng viêm kinh niên tái đi tái lại của đường tiêu hóa còn gây ra hội chứng ruột kích thích, bệnh Coeliac, ung thư đại trực tràng.
Loạn khuẩn ruột trên cơ quan ngoài ruột là tình trạng chất biến dưỡng có lợi không được tạo ra hay giảm sút, đặc biệt các axít béo chuỗi ngắn. Các axít béo chuỗi ngắn giao tiếp với các thực thể trên bề mặt tế bào của các cơ quan khác không ở đường tiêu hóa để giúp cho các tế bào hoạt động bình thường.
Bệnh lý ngoài tiêu hóa như tiểu đường tuýp 2, béo phì, mỡ máu, tim mạch, gan nhiễm mỡ và bệnh thận do tiểu đường. Đồng thời bệnh lý ngoài tiêu hóa còn gây ra hư hại tế bào beta của tụy tạng gây ra tiểu đường tuýp 1, và các bệnh lý liên quan đến tự miễn như: dị ứng, mề đay…
Đặc biệt, loạn khuẩn ruột trên thần kinh dẫn đến tình trạng tăng viêm, và các cytokine tiền viêm sẽ qua hàng rào máu màng não gây kích hoạt trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận làm thay đổi mức độ điều hòa cortisol sinh ra bởi tuyến thượng thận gây ảnh hưởng lên các tế bào miễn dịch và sự nguyên vẹn của các niêm mạch ruột gây thêm tình trạng rò rỉ ruột.
Kích hoạt trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA) cũng ảnh hưởng đến dây thần kinh phế vị dẫn truyền thần kinh và chất chuyển hóa của vi khuẩn. Những điều này có thể góp phần vào tín hiệu bất thường thông qua dây thần kinh phế vị làm thay đổi nhu động ruột, đồng thời rối loạn vi khuẩn ruột cũng làm thay đổi các chất biến dưỡng có liên quan đến dẫn truyền thần kinh và lại ảnh hưởng thêm đến hoạt động của thần kinh ruột-não.
“Rối loạn của hệ vi khuẩn đường ruột có liên quan đến các bệnh lý thần kinh như: tự kỷ, trầm cảm, nóng nảy, đau nhức thần kinh, parkinson và đột quỵ. Rối loạn hệ vi khuẩn ruột ở tuổi già cũng có thể là một yếu tố gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh và mạch máu não do mối liên hệ giữa chứng rối loạn sinh lý do tuổi tác, và sự suy giảm thần kinh do viêm là yếu tố phổ biến của nhiều bệnh lý liên quan đến tuổi tác”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Chủ tịch Hội Tiêu hóa TP.HCM, cho rằng rối loạn tiêu hóa chức năng và rối loạn tâm thần kinh có mối liên quan dịch tễ. Các nghiên cứu trên bệnh nhân khó tiêu chức năng cho thấy, chỉ có 58% bệnh nhân không bị lo âu, trầm cảm, còn lại 42% bệnh nhân đều bị lo âu, trầm cảm từ nhẹ đến nặng.
“Trầm cảm và lo âu rất thường gặp ở bệnh nhân tiêu hóa. Các nghiên cứu cho thấy trục não-ruột đóng vai trò chính yếu giúp giải thích các rối loạn tâm thần kinh và rối loạn tiêu hóa xảy ra trên cùng bệnh nhân. Nghiên cứu lâu nay cũng cho thấy, hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong các đường thần kinh, miễn dịch và chuyển hóa...”, bác sĩ Đức nói.