Cứ mỗi phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ có gần 2 triệu tế bào não chết đi, tương đương khuôn mặt của bệnh nhân già hơn 3 tuần và mỗi bệnh nhân bị đột quỵ sẽ già đi 36 năm.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM chia sẻ như thế tại chương trình “Đào tạo y khoa liên tục cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ - từ lý thuyết đến thực hành” do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức sáng nay (15.9).
Theo bác sĩ Thắng, trước đây chúng ta nghĩ, đối với bệnh nhân đột quỵ, sau 6 đến 8 giờ thì vùng “tranh tối tranh sáng” không còn nữa, việc can thiệp sau thời gian này là không hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều bệnh nhân đột quỵ vùng “tranh tối tranh sáng” tồn tại đến 24 giờ, thậm chí sau 24 giờ.
Mặc dù vậy, việc phát hiện và xử lý sớm đối với bệnh nhân đột quỵ sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Can thiệp càng sớm thì hiệu quả phục hồi càng nhiều.
“Cứ mỗi phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ có gần 2 triệu tế bào não chết đi, tương đương khuôn mặt của bệnh nhân già hơn 3 tuần và mỗi bệnh nhân bị đột quỵ sẽ già đi 36 năm. Như vậy một cô gái ngoài 30 tuổi, xinh đẹp, khi bị đột quỵ có thể biến thành cụ bà 70 tuổi. Điều này là do lượng tế bào não mất đi tương đương với 36 năm”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Lý giải về điều này, bác sĩ Thắng cho biết, khi bệnh nhân bị đột quỵ, một số lượng lớn tế bào não chết đi và người ta ước lượng rằng tổng số tế bào não mất đi tương đương với thời gian sau 36 năm.
Với những bệnh nhân bị đột quỵ càng can thiệp chậm, theo bác sĩ Thắng cục huyết khối sẽ càng dày đặc. Do đó ngoài can thiệp sớm, chúng ta sử dụng sóng siêu âm để làm mỏng các cục huyết khối.
Điều đáng lo ngại, sau đại dịch COVID-19 dường như bệnh đột quỵ đã trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có sự gia tăng đáng kể bệnh nhân đột quỵ, nhất là các ca đông máu bất thường ở tĩnh mạch não, động mạch não, động mạch phổi, động mạch vành… Các ca đột quỵ ngày càng trẻ hóa, thậm chí có trẻ em chỉ mới 4 tuổi cũng bị đột quỵ do tắc tĩnh mạch nội sọ, điều mà trước đây vô cùng hiếm gặp.
Bác sĩ Thắng cũng khẳng định, bệnh COVID-19 là nguyên nhân gây ra đột quỵ do hình thành những cục máu đông. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân liên quan đến yếu tố cục máu đông, không chỉ bệnh đột quỵ mà còn gây ra các bệnh thuyên tắc khác có chiều hướng gia tăng sau đại dịch COVID-19.
“Mặc dù vậy, ảnh hưởng của COVID-19 đối với bệnh đột quỵ đến đâu hiện vẫn chưa biết chính xác. Bệnh nhân COVID-19 cũng không nên quá hoảng loạn để tầm soát nhiều thứ, gây tốn kém không cần thiết khi chưa có yếu tố nguy cơ”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.