Hơn 3 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Sóc Trăng đạt được kết quả vượt mục tiêu đề ra. Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, nhiều sản phẩm có thị trường tiêu thụ được mở rộng, doanh số, lợi nhuận đều tăng.

Sản phẩm OCOP ở Sóc Trăng phát triển mạnh

Cao Xuân Lương | 14/12/2022, 15:47

Hơn 3 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Sóc Trăng đạt được kết quả vượt mục tiêu đề ra. Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, nhiều sản phẩm có thị trường tiêu thụ được mở rộng, doanh số, lợi nhuận đều tăng.

Chị Phạm Thị Mới - chủ cơ sở sản xuất phường 3, TP.Sóc Trăng luôn quan tâm xây dựng chất lượng sản phẩm, nhằm tạo uy tín riêng cho các sản phẩm OCOP của mình là tôm khô, dưa kiệu, ba khía muối. Bên cạnh đó, chị còn chủ động đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Postmart, Shopee, Agrimartket, nhờ đó nhiều người biết đến các sản phẩm mang tên “Cô Mới”, thị trường rộng hơn, người mua cũng đông hơn, đặc biệt giúp chị bán được sản phẩm ra các nước như Đức, Canada, Úc…

img_20221213_165817.jpg
Một gian hàng sản phẩm OCOP - Ảnh: Cao Xuân Lương

Anh Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều (phường 1, thị xã Ngã Năm) cho biết, công ty có các sản phẩm trà mãng cầu: Hương vị đậm đà, thuần túy và trà túi lọc đều đạt chuẩn OCOP 4 sao, được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ tốt hơn, doanh số cao hơn.

Tư Hồng là một trong những thương hiệu sản xuất bánh in nổi tiếng ở Sóc Trăng. Bánh được làm từ bột nếp, môn, sầu riêng, đậu xanh với bí quyết sản xuất gia truyền.

Ông Đỗ Anh Thư, chủ cơ sở sản xuất bánh in, bánh pía Tư Hồng ở huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: "Tôi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2019, cơ sở của tôi có 3 sản phẩm được công nhận đạt OCOP. Nhờ vậy, sản phẩm bánh của cơ sở tôi được người tiêu dùng biết đến và mua nhiều hơn". Thông qua những lần tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở ngày càng được mở rộng… 

Năm 2022 này, cơ sở của ông Đỗ Anh Thư tiếp tục có thêm 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, cơ sở đã có 7 sản phẩm đạt OCOP", ông Thư chia sẻ.

fb_img_1670926070006.jpg
Đặc sản OCOP Sóc Trăng - Ảnh: Cao Xuân Lương

Qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, có thể khẳng định, chương trình là một giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cho những sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập người dân thông qua việc phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở các địa phương.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, trong đó, chủ thể thực hiện là HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh.

Anh Lý Thanh Bình, chủ cơ sở sản xuất các loại mắm đặc sản Sóc Trăng ở huyện Trần Đề chia sẻ: "Khi sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP sẽ được nhiều khách hàng biết đến, việc kinh doanh thuận lợi hơn, góp phần tăng thu nhập cho cơ sở so với khi chưa được công nhận OCOP. Người tiêu dùng cũng yên tâm khi chọn mua các sản phẩm đạt các sao OCOP. Sản phẩm OCOP cũng dễ vào thị trường hơn bởi tạo được niềm tin cho khách hàng.

Chị Trần Thị Hải Liên, ấp Biển Trên A, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - chủ cơ sở nước mắm Thiên Thanh đạt chứng nhận OCOP bộc bạch: “Xuất phát từ việc tự tay mình chế biến nước mắm để cho người thân dùng trong gia đình hàng ngày, nhằm đảm bảo sức khỏe cho các thành viên gia đình nhưng khi được ngành chuyên môn hỗ trợ trong các khâu thủ tục cần thiết, tham gia vào Chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để đưa sản phẩm nước mắm do mình sản xuất đến tay người tiêu dùng. Đây là loại nước mắm làm hoàn toàn bằng hạt đậu nành nên người ăn chay, mặn đều dùng được. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao tạo động lực để tôi phát triển quy mô sản xuất".

fb_img_1670925991892.jpg
Sản phẩm OCOP Sóc Trăng ngon, đẹp - Ảnh: Cao Xuân Lương

Sau 3 năm Sóc Trăng có gần 200 sản phẩm được đánh giá đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao của 102 chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, vượt gần 3 lần so với kế hoạch đề ra. Các sản phẩm OCOP Sóc Trăng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện , quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các đơn vị phân phối, bán lẻ, sản giao dịch thương mại điện tử… ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.

Tuy vậy, chương trình OCOP của Sóc Trăng cũng còn một số hạn chế, nhất là năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, kiến thức kỹ năng về thị trường của chủ thể OCOP; nhiều chủ thể OCOP chưa tiếp cận được với nguồn hỗ trợ, vay vốn ưu đãi, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; Năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp còn yếu….

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhận định: "Sản phẩm OCOP tuy vượt kế hoạch đề ra với 189 sản phẩm nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Nhiều sản phẩm được công nhận nhưng quy mô còn nhỏ lẻ. Tính liên kết tiêu thụ chưa bền chặt, thị trường chưa được mở rộng. Một vài sản phẩm được công nhận nhưng chưa phù hợp, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và người làm ra sản phẩm OCOP".

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 6-7 sản phẩm đạt 5 sao. Tỉnh cũng sẽ củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP được đánh giá và xếp hạng. Ưu tiên phát triển sản phẩm các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống.

Để thực hiện được mục tiêu này, Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình OCOP, lồng ghép chặt chẽ chương trình với việc thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm…

img_20221213_165821.jpg
Doanh nghiệp đang giới thiệu sản phẩm OCOP Sóc Trăng -  Ảnh: Cao Xuân Lương

Ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Mỗi xã một sản phẩm giống như phân khúc của thị trường hàng hóa ở vùng nông thôn. Với các sản phẩm đặt thù truyền thống ở nông thôn chúng ta chưa khai thác nhiều, chúng ta tiếp tục phát triển. Sản phẩm này có thể phục vụ người tiêu dùng là sản phẩm sạch, an toàn. Chúng ta xây dựng được nhãn hiệu thương hiệu để cho người nông dân có sản phẩm, có thương hiệu trên thị trường để họ tăng lên giá trị, thu nhập.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình sản phẩm OCOP thực sự đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng mang tính đặc trưng. Qua đó, tăng thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm OCOP ở Sóc Trăng phát triển mạnh