Bản tin sáng 31/3 của Bộ Y tế cho biết tiếp tục không có ca mắc COVID-19. Đã có 48.256 người Việt Nam tại 19 tỉnh thành phố tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 30.3.2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 48.256 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Trong các ngày 29-30.3, Dự án TCMR đã tổ chức tập huấn triển khai vắc xin COVID-19 cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa tỉnh và đại diện khối quân y của 3 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Kinh nghiệm triển khai tại 19 địa phương vừa qua đã được chia sẻ kịp thời đến các địa phương. Đến nay toàn bộ 63 tỉnh/thành phố đã được tập huấn để chuẩn bị cho triển khai.
Từ 1.4, Hải Dương chuyển sang trạng thái bình thường mới
Ngày 30.3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ra thông báo về việc chuyển trạng thái mới trong phòng, chống dịch COVID-19 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 1.4, toàn tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ và chuyển sang trạng thái bình thường mới, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch COVID-19 vừa tích cực khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Từ ngày 1.4, học sinh các cấp học trong toàn tỉnh Hải Dương đi học trở lại; các trường phải thực hiện tự đánh giá theo bộ tiêu chí trường học an toàn phòng, chống COVID-19, nếu đảm bảo mới được tổ chức dạy học; tiếp tục dừng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, các cuộc thi, giao lưu cấp tỉnh… và lùi thời gian tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 một tuần so với kế hoạch.
Hải Dương cũng tiếp tục tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát, như: quán bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game internet, đến hết ngày 15.4; các quán ăn, uống ngoài trời, quán bia hơi phục vụ đông người tạm thời chưa cho phép hoạt động.
Các nhà hàng, quán ăn được phép phục vụ tại chỗ, nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và ký cam kết với chính quyền địa phương mới được phép hoạt động trở lại. Ba địa phương là thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và huyện Kim Thành có thể áp dụng thêm các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 30.3, Hải Dương có 7 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh và ra viện. Đến 17 giờ ngày 30.3, Hải Dương ghi nhận tổng cộng 726 trường hợp mắc COVID-19 và chỉ còn 89 ca bệnh đang được điều trị tại các cơ sở y tế và bệnh viện dã chiến. Hải Dương có tổng số 17.561 ca F1 và hiện chỉ còn 128 trường hợp đang được cách ly tập trung. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hải Dương đã lấy được 719.084 mẫu để xét nghiệm.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30.3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.341 ca mắc COVID-19 và 183 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 2.828.326 trường hợp và 58.589 ca tử vong. Toàn khối có 2.497.811 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 173 ca. Philippines ghi nhận 5 ca tử vong, Malaysia cũng thêm 5 ca.
Với 4.682 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.505.775 ca bệnh và 40.754 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Trong khi đó, Philippines bước sang ngày thứ năm liên tiếp ghi nhận trên 9.000 ca nhiễm mới. Tổng ca bệnh tại nước này đã lên tới 741.181 trường hợp, bao gồm 13.191 ca tử vong.
Tình hình tại Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp, với 105 ca nhiễm mới, bao gồm cả trẻ em.
Timor Leste cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh với 51 ca mới và hiện có tổng ca bệnh lên tới 563 trường hợp.
Campuchia: Số ca mắc mới lại tăng lên ba chữ số
Sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Bộ Y tế Campuchia sáng 30.3 thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ba chữ số trong một ngày, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất là ở thủ đô Phnom Penh. Bộ Y tế Campuchia cho biết trong 105 ca mới phát hiện có một ca nhập cảnh, còn lại 104 ca lây nhiễm cộng đồng từ “sự cố ngày 20.2”.
Các ca mới là người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam ở các tỉnh, thành gồm Phnom Penh (46 ca), Sihanoukville (34 ca), Svay Rieng (20 ca), Prey Veng (1 ca), Kampong Cham (2 ca) và Tbong Khmum (1 ca). Hôm nay có 4 người khỏi bệnh. Như vậy tính đến sáng 30/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.378 ca mắc COVID-19, trong đó 11 người đã tử vong.
Hôm 29.3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã công bố kế hoạch phân bổ một triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 500.000 người trong tháng tới. Mục tiêu mà Chính phủ Campuchia hướng tới là tiêm phòng COVID-19 cho một triệu người mỗi tháng và ông Hun Sen đề nghị các quan chức chính phủ tích cực làm việc để hoàn thành mục tiêu này.
Trong thông điệp chia sẻ trên trang Facebook chính thức, Thủ tướng Hun Sen cho biết lô vaccine của hãng Sinovac đã tới Campuchia và chính quyền trung ương sẽ cử các bác sĩ đến để hỗ trợ việc triển khai tiêm chủng tại nhiều khu vực của đất nước nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.
Kế hoạch đẩy nhanh tiêm phòng vaccine COVID-19 được đưa ra sau khi lô hàng 1,5 triệu liều vaccine của Sinovac đặt mua của Trung Quốc đã đến Sân bay quốc tế Phnom Penh ngày 26.3 vừa qua. Vào ngày 31.3 tới, Campuchia dự kiến nhận thêm 700.000 liều vaccine của Sinopharm là quà tặng của Chính phủ Trung Quốc cho Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế Campuchia.
Trong báo cáo công bố vào tháng 3.2021, Bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ghi nhận sáng kiến của Campuchia về đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo là những biện pháp ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19.
IMF cho rằng Campuchia, dù với xuất phát điểm là hầu như không có những cơ chế phúc lợi-bảo hiểm xã hội, nhưng đã áp dụng một hệ thống nhằm xác định những người thuộc diện nghèo để phân phối tiền mặt.