Sản phẩm túi thơm BK mang hạt Zeolit (A, X) là vật liệu hấp phụ an toàn không hề gây độc hại hay dị ứng cho người sử dụng; đồng thời do tinh dầu thiên nhiên được giải phóng từ từ nên sẽ sử dụng được thời gian dài.

Sáng chế túi thơm sử dụng các hạt hấp phụ bảo vệ môi trường

19/08/2016, 05:52

Sản phẩm túi thơm BK mang hạt Zeolit (A, X) là vật liệu hấp phụ an toàn không hề gây độc hại hay dị ứng cho người sử dụng; đồng thời do tinh dầu thiên nhiên được giải phóng từ từ nên sẽ sử dụng được thời gian dài.

Sản phẩm túi thơm BK của nhóm sinh viên Bách Khoa

Được công bố trong tháng sinh viên nghiên cứu khoa học 2016, một nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã cho ra mắt sản phẩm túi thơm BK, được hoàn thiện và ứng dụng từ nghiên cứu “Chế tạo vật liệu chứa Zeolit (A, X) dạng hạt ứng dụng làm vật liệu hấp phụ và xử lý ô nhiễm môi trường”.

Kế thừa từ kết quả nghiên cứu của các thầy cô và các anh chị đi trước, các thành viên trong nhóm đã tổng hợp được vật liệu Zeolit A, X dạng bột và dạng hạt, sau đó tiến hành nghiên cứu ứng dụng ở các lĩnh vực khác nhau.

Nguồn nguyên liệu có sẵn và dồi dào ở Việt Nam

Trao đổi cùng báo điện tử Một Thế Giới, bạn Nguyễn Thị Xuân – một thành viên trong nhóm sáng chế có dịp chia sẻ về ý tưởng của sản phẩm: “Từ quá trình nghiên cứu và ứng dụng các vật liệu mao quản, đặc biệt là Zeolit, nhóm đã tích cực tìm kiếm mở rộng khả năng ứng dụng của vật liệu Zeolit ở Việt Nam. Qua nghiên cứu, chúng em nhận thấy hiện nay, các nhà máy điện hạt nhân làm phát tán một lượng lớn các hạt nhân phóng xạ ra môi trường xung quanh, trong đó Cs được coi là nhân phóng xạ phổ biến nhất thường tích tụ tại các mô mềm trong toàn cơ thể và tạo ra các nguy cơ về bệnh tật nghiêm trọng”.

Được biết, Zeolit là các silicat nhôm (aluminosilicat) tinh thể, cấu trúc vi mao quản đồng đều, bề mặt riêng lớn nên có khả năng hấp phụ tốt, dung lượng trao đổi ion dương, độ chọn lọc cao, bền nhiệt và bền thủy nhiệt nên trên thế giới đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hạt Zeolit (A, X) được tổng hợp từ các nguyên liệu tự nhiên

Theo phân tích của Xuân, vật liệu Zeolit (A, X) tổng hợp từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, rẻ tiền, sẵn có ở Việt Nam như cao lanh, tro trấu… Việc ứng dụng Zeolite làm chất hấp phụ, trao đổi ion còn có ưu điểm là dễ dàng thực hiện và có thể tái sử dụng nhiều lần giúp giảm giá thành, nhất là khi sử dụng dạng hạt, thuận tiện khi ứng dụng trong công nghiệp các chất hấp phụ, xử lý ô nhiễm môi trường.

Sau 2 năm tìm tòi, nghiên cứu, Xuân cho biết những hạt Zeolit để hấp phụ cũng như làm sạch ion Cs trong nước thải đã tạo tiền đề cho nghiên cứu hấp phụ các đồng vị Cs có tính phóng xạ. Và trong tương lai, nhóm vẫn đang tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những sản phầm đầu tiên được bán 25.000 đồng/túi

Trong suốt quãng thời gian nghiên cứu, Xuân cùng các bạn đã gặp phải những khó khăn rất “sinh viên”: từ việc phân bổ thời gian học tập hợp lý, việc phân chia công việc cho đến những khó khăn khi tạo hạt, xử lý phân tích nước thải với số lượng thí nghiệm lớn…

Từ việc nghiên cứu, chế tạo vật liệu chứa Zeolit, nhóm bạn yêu khoa học đã cùng nhau tìm cách đưa những hạt li ti vào sản phẩm ứng dụng túi thơm BK với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm thân thiện, an toàn do chính người Việt Nam sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên trong nước.

Những chiếc túi thơm sử dụng các hạt hấp phụ bảo vệ môi trường

Nói kỹ hơn về sản phẩm mang “thương hiệu Bách Khoa” này, Xuân hào hứng cho biết túi thơm BK có hương thơm được tạo ra từ tinh dầu tự nhiên, an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm này không gây độc hại hay dị ứng, đồng thời do tinh dầu thiên nhiên được giải phóng từ từ nên sẽ sử dụng được thời gian dài. Được biết, các mẫu túi thơm được các bạn tạo ra rất đa dạng về màu sắc, hình dáng, phụ kiện đính kèm... cũng như hương thơm bền lâu dễ mang lại cảm giác hứng thú cho người sử dụng.

Nhóm sinh viên nghiên cứu và sáng chế ra sản phẩm túi thơm BK

Theo Xuân, từ giữa năm thứ 3 đại học, cả nhóm đã bước đầu giới thiệu sản phẩm đến các bạn sinh viên Trường Bách khoa và nhận được sự ủng hộ cũng như ý kiến phản hồi tích cực từ người sử dụng.

“Những sản phầm đầu tiên được chúng em bán với giá trung bình 25.000 đồng/túi, giá bán sẽ thay đổi tùy theo loại tinh dầu, kích thước, mẫu mã sản phẩm. Sắp tới, chúng em có kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường lớn hơn và giới thiệu sản phẩm tới nhiều đối tượng sử dụng như nhân viên văn phòng hay các hộ gia đình… Ngoài ra, Zeolit còn tiềm năng ứng dụng rất lớn nên không chỉ sản phẩm túi thơm mà trong tương lai, nhóm có thể sẽ có nhiều sản phẩm khác nữa”, Xuân chia sẻ.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng chế túi thơm sử dụng các hạt hấp phụ bảo vệ môi trường