Khổ đau có thể được ví như trận cuồng phong, địa chấn, cơn sóng thần hay như biển lửa. Sức tàn phá bên trong của nó rất khủng khiếp. Nếu không thể quản lý khổ đau, chúng có thể phá hủy cả cuộc đời bạn và người thương của bạn.
Văn hóa

'Sát-na này là thiên thu' - Kỳ 2: 15 kỹ năng sinh tồn giúp bạn vượt qua đau khổ

Hạ Vĩ 18/04/2024 08:00

Khổ đau có thể được ví như trận cuồng phong, địa chấn, cơn sóng thần hay như biển lửa. Sức tàn phá bên trong của nó rất khủng khiếp. Nếu không thể quản lý khổ đau, chúng có thể phá hủy cả cuộc đời bạn và người thương của bạn.

Buông bỏ được thì hạnh phúc sẽ có mặt

sat-na-1-1tg.jpg
Sát-na này là thiên thu do First News phát hành

8. Im lặng hùng tráng

Khi bị bao phủ bởi khổ đau và oán hận, hãy thực tập im lặng. Đừng nói gì hết, dù là lời biện bạch, giải thích hay lời phản kháng, trả đũa người gây ra khổ đau cho mình. Im lặng giữa tâm bão khổ đau là hành động khôn ngoan giúp ta không liên tục mắc những sai lầm khiến mình hối tiếc. Trong đau khổ, trong oán hận, nói gì cũng là không cần thiết và thiếu sáng suốt. Im lặng để có thời gian nhìn lại mình, im lặng để tạo khoảng trống trong tâm, tạo cho mình một nơi trú ẩn an toàn. Đúng sai gì thời gian cũng tự phơi bày, thế nên, cổ nhân có câu “Oan ức không cần biện bạch!”.

9. Thở đi cho nhẹ kiếp người

Hơi thở ý thức có công năng vô cùng mầu nhiệm, có thể giúp ta bình tĩnh trong tâm bão và thiết lập vùng an toàn, bảo hộ chúng ta tránh khỏi những năng lượng tiêu cực và có tính phá hoại do khổ đau, giận hờn gây ra. Hơi thở được ví như cái neo giữ thuyền cố định, không bị trôi dạt theo sóng biển, hơi thở như chiếc phao cứu mạng người đang chìm nổi lênh đênh, hơi thở như gốc cây giúp tàng cây trụ vững giữa đất trời. Hơi thở là hồ nước trong mát có công năng dập tắt phiền giận, khổ đau của kiếp người. Hãy tập thở có chánh niệm mỗi ngày và thở cho những khổ đau được xoa dịu.

10. Quán niệm về cái chết

Quán niệm về cái chết cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu để ta có thể chuyển hóa khổ đau và oán giận. Ai rồi cũng chết, cũng rời khỏi thế giới này và buông bỏ tất cả lại sau lưng, vậy thì chấp thủ làm gì những điều không thể nắm giữ? Đã biết mai đây ta phải tạm biệt cõi đời này, thì còn dành thời gian để hờn giận và đau khổ làm chi nữa? Trước cái chết, tất cả những gì từng chấp thủ bỗng hóa thành vô nghĩa. Chỉ có sự buông bỏ và an lạc là thứ duy nhất làm hành trang cho ta trên chặng đường này. Hãy nhớ, một ngày ta sẽ chết, người kia cũng chết, ai cũng chết, vậy phải làm sao để chết cho đẹp, cho an lành!

11. Vô ngã tướng

Kỹ thuật này đòi hỏi trình độ tu tập cao hơn. Đó là quán tính vô ngã (anatta) trong mọi sự việc, hiện tượng. Không có cái ngã trong mình, không có cái ngã trong người và không có cái ngã trong khổ đau, hờn giận. Tất cả đều là vô ngã thì không thể tìm đâu ra cái khổ, người gây ra cái khổ và người đang chịu cái khổ này. Chủ thể và đối tượng đều không có thực thể, đều là không, vậy thì khổ đau không có đất để tồn tại.

12. Bỏ xuống được thì hạnh phúc liền tay

Ai học Phật cũng biết phương pháp đơn giản, dễ hiểu này. Buông bỏ được thì hạnh phúc sẽ có mặt. Càng nắm giữ bao nhiêu thì khổ đau và bất an, lo lắng bấy nhiêu. Đức Phật vẫn nhắc đi nhắc lại về hạnh buông bỏ, và hạnh phúc của bạn tỷ lệ thuận với khả năng buông bỏ của bạn. Thực tập buông bỏ mỗi ngày một chút cho đến lúc không còn gì để buông bỏ thì hạnh phúc tuyệt đối cũng đã sẵn có cho bạn tức thì.

13. Chúng ta xứng đáng được sống trong hạnh phúc và bình an thay vì trong khổ đau và hờn giận

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao ta cứ phải sống trong hờn giận, bị khổ đau giày vò trong khi lẽ ra ta phải được an lạc, hạnh phúc? Thật ra, ai cũng có thể sống một cuộc đời an lạc và hạnh phúc. Phật dạy chúng sanh đều có Phật tánh (khả năng giác ngộ thành Phật) kia mà! Chúng sanh đều bình đẳng về tiềm năng của trí tuệ giác ngộ, quan trọng là mình chọn đúng con đường để đi. Hạnh phúc hay khổ đau nằm trong tay mình, vận mạng cuộc đời mình cũng là do mình quyết định. Sống một đời đầy hạnh phúc, bình an hay chết chìm trong khổ đau, tuyệt vọng đều do ta lựa chọn cả. Phật hay Bồ Tát dầu thương ta đến mấy cũng chỉ có thể chỉ cho ta con đường chứ không đi thay ta được. Ta phải tự đi, tự làm và tự chịu trách nhiệm với những gì mình chọn.

14. Chúng ta không lẻ loi

Trên con đường thực tập, chuyển hóa khổ đau và giác ngộ này, ta không hề đơn độc. Khi buồn khổ, tuyệt vọng, ta luôn có bạn bè, người thương xung quanh lắng nghe và chỉ cho ta phương cách thoát khổ. Ai không may chẳng có ai thân thích trong đời thì vẫn luôn có hàng ngàn, hàng triệu các bậc Bồ Tát, Thánh chúng, bạn lữ luôn đồng hành, bảo hộ, che chở và giúp đỡ. Chỉ là, vì ngập ngụa trong khổ đau và phiền não nên ta chưa thấy được họ mà thôi.

15. Tình thương càng nhiều, khổ đau càng ít

Kẻ thù của khổ đau là tình thương, lòng vị tha và trắc ẩn. Nơi nào có tình thương và lòng vị tha, nơi ấy khổ đau chẳng thể xuất hiện. Như bóng đêm sợ ánh mặt trời, khổ đau không có chỗ tồn tại trong một tâm hồn đầy tình thương và vị tha. Thương nhiều hơn bạn có thể, khổ đau sẽ tự động lùi xa.

quotesatna2.jpg
Hạnh phúc và tình thương là 2 thứ không nên xin xỏ

Tôi mong những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thể sống sót qua khổ đau của mình. Đừng hủy hoại đời mình chỉ vì đau khổ và oán hờn. Mọi người đều xứng đáng sống một cuộc đời hạnh phúc! Cầu chúc bạn luôn an lành trong từng hơi thở và tìm thấy hạnh phúc ngay trong những đau khổ không tránh khỏi của cuộc đời.

Đại đức Thích Đồng Tâm

>>'Sát-na này là thiên thu' - Kỳ 1: 15 kỹ năng sinh tồn giúp sống sót, vượt qua đau khổ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Sát-na này là thiên thu' - Kỳ 2: 15 kỹ năng sinh tồn giúp bạn vượt qua đau khổ