Thông tin trên được PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết Hội thảo "PrEP Việt Nam: Một năm nhìn lại và hướng tới tương lai” diễn ra tại TP.HCM hôm nay (27.11).
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV/ AIDS cao nhất hiện nay là những người quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM). Hiện những người quan hệ tình dục đồng tính nam ở Việt Nam có khoảng 170 nghìn người, trong đó có tỉnh có đến 40 nghìn người quan hệ tình dục đồng tính nam. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam hiện rất cao và có dấu hiệu gia tăng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành có tình hình dịch HIV cao.
Cụ thể cách đây 2 năm, những người quan hệ tình dục đồng tính nam ở độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi có tỷ lệ nhiễm HIV chiếm 9,5%; độ tuổi từ 25 đến 30 tuổi có tỷ lệ nhiễm HIV là 14,1% và độ tuổi trên 30 có tỷ lệ nhiễm HIV là 15,4% thì đến tháng 6.2019 vừa qua tỷ lệ này tăng lên lần lượt ở các độ tuổi là 13,1%, 16,6% và 17,8%.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết chương trình thí điểm dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) lần đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại TP.HCM và Hà Nội vào tháng 6.2017. Các mô hình đa dạng này đã được bắt đầu đưa vào triển khai trong chương trình mở rộng PrEP cấp Quốc gia từ tháng 11.2018 tại 11 tỉnh, thành.
Sau 1 năm triển khai thực hiện dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại 11 tỉnh, thành đến nay đã có hơn 6.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó có 3.946 người mới tham gia PrEP trong năm 2019. “Điều này cho thấy nhu cầu về PrEP tại Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi rất vui mừng về việc tiếp tục triển khai mở rộng chương trình PrEP thêm 15 tỉnh, thành phố mới. Như vậy trong giai đoạn tới sẽ có 26 tỉnh, thành triển khai thực hiện dự phòng trước phơi nhiễm HIV”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, trong giai đoạn 2019 -2020, Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Điều này cho phép những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP.
Bà Hương cho rằng dù việc sử dụng PrEP đang gia tăng ở Việt Nam, nhưng cần có nhiều người tiếp cận dịch vụ này hơn nữa để có thể đạt được tác động làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng.
"Trong thời gian tới USAID sẽ hỗ trợ cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác thúc đẩy hơn nữa việc tạo cầu và đảm bảo rằng khách hàng sử dụng PrEP nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì sử dụng PrEP”, bà Hương cho biết.
Hồ Quang