CNN dẫn lời giới chuyên gia nhận định nếu chiến dịch quân sự tại Gaza kéo dài thêm 7 tháng, khủng hoảng nhân đạo sẽ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Hamas có thể được hưởng lợi về chính trị.
Góc nhìn

Sẽ ra sao nếu chiến dịch quân sự tại Gaza kéo dài thêm 7 tháng?

Cẩm Bình 03/06/2024 17:10

CNN dẫn lời giới chuyên gia nhận định nếu chiến dịch quân sự tại Gaza kéo dài thêm 7 tháng, khủng hoảng nhân đạo sẽ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Hamas có thể được hưởng lợi về chính trị.

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Reshet ngày 29.5, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi tuyên bố chiến dịch quân sự mà nước này đang tiến hành tại Dải Gaza cần thêm 7 tháng nữa để đạt mục tiêu xóa sổ Hamas.

Theo giới chuyên gia, chiến dịch kéo dài có thể đem lại hậu quả thảm khốc cho cư dân Gaza, cho kinh tế, chính trị nội địa, vị thế quốc tế lẫn các mối quan hệ đối ngoại của Israel. Chính trị Mỹ mà đặc biệt là Tổng thống Joe Biden cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cựu quan chức quân đội Israel (IDF) Assaf Orion đánh giá: “Đây là chặng đường vô cùng mệt mỏi. Chúng ta ghi nhận số người thương vong từ ngày này sang ngày khác, kèm theo hàng loạt vấn đề chính trị, ngoại giao, thông tin, danh tiếng. Cái giá Israel phải trả ngày càng lớn”.

se.jpg

Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn

Tình hình Gaza xấu đi qua từng ngày và chiến dịch quân sự kéo dài chắc chắn làm tăng sự đau khổ mà người Palestine sinh sống tại vùng lãnh thổ này phải chịu.

Vào tháng 2, khi số người thiệt mạng đã lên đến con số 28.000, Trường Y học nhiệt đới & Vệ sinh Luân Đôn (LSHTM) cùng Trung tâm Y tế Nhân đạo Johns Hopkins đưa ra dự đoán nếu giao tranh leo thang thì đến tháng 8 con số thương vong sẽ vượt quá 72.000 người. Nếu tính cả dịch bệnh bùng phát vì giao tranh, con số thương vong có thể lên đến gần 86.000 người.

Các tổ chức viện trợ cũng cảnh báo nhiều cuộc không kích hơn cộng thêm động thái ép buộc sơ tán về phía nam Gaza sẽ khiến khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng. Hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo hiện tại đã rất khó khăn. Liên Hợp Quốc ghi nhận lượng viện trợ nhân đạo vào Gaza giảm đến 67% từ khi IDF mở đợt tấn công thị trấn Rafah. Giám đốc truyền thông Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) Juliette Touma một lần nữa kêu gọi ngừng bắn và thả con tin: “Giao tranh càng kéo dài thì dân thường Israel lẫn Palestine càng chịu nhiều đau khổ”.

Số phận của Thủ tướng Netanyahu

Giới chuyên gia cho rằng cả Hamas lẫn Thủ tướng Netanyahu đều nhìn thấy lợi ích khi chiến dịch quân sự kéo dài, vì số phận chính trị của cả hai đều phụ thuộc vào giao tranh. Kịch bản hậu chiến không hề dễ chịu: Israel cam kết xóa sổ Hamas, Thủ tướng Netanyahu phải giải trình lý do không ngăn chặn được Hamas thực hiện vụ tập kích ngày 7.10.2023. Ngoài ra, chiến dịch kết thúc tạo điều kiện cho Tel Aviv tổ chức bầu cử.

“Hầu hết người Israel ủng hộ bầu cử sớm, họ muốn bầu cử ngay khi giao tranh chấm dứt. Do đó, chiến dịch quân sự kéo dài khiến bầu cử bị trì hoãn, cũng như ngày Thủ tướng Netanyahu phải đối mặt với cử tri sẽ được giãn ra”, theo chủ tịch Viện nghiên cứu Dân chủ Israel Yohanan Plesner.

Trích dẫn dữ liệu một cuộc khảo sát từ ngày 31.3 đến ngày 3.4, ông Plesner cho biết đa số người Israel chấp nhận chiến dịch quân sự kéo dài thêm ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, họ muốn những người không ngăn được vụ tập kích ngày 7.10 phải từ chức. Đến nay, Thủ tướng Netanyahu vẫn từ chối chịu trách nhiệm, ông tuyên bố những vấn đề liên quan sẽ chỉ được giải quyết sau khi thành công xóa sổ Hamas và giải cứu toàn bộ con tin.

Trong nội bộ chính phủ Thủ tướng Netanyahu, một số người theo đường lối cứng rắn đe dọa từ chức nếu nhà lãnh đạo chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn (đem đến nguy cơ liên minh cầm quyền tan rã).

Ngoại giao của Israel

Tình trạng bị cô lập ngoại giao mà Israel đang hứng chịu có thể gia tăng nếu chiến dịch quân sự kéo dài.

Ngày 28.5, ba nước châu Âu là Tây Ban Nha, Ireland, Na Uy chính thức công nhận nhà nước Palestine. Israel đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ. Ngoài ra, Tel Aviv còn bị vài nước Nam Mỹ và các quốc gia khác hạ cấp quan hệ.

Hành động pháp lý chống lại quốc gia Trung Đông cũng có thể leo thang. Thủ tướng Netanyahu đang đối mặt với nguy cơ bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ vì những gì IDF thực hiện tại Gaza. Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) thụ lý vụ án kiện Israel phạm tội ác diệt chủng và đã yêu cầu nước này ngừng mọi hoạt động quân sự ở Rafah.

Chiến dịch tại Gaza nếu không dừng lại thì triển vọng Israel - Ả Rập Saudi bình thường hóa quan hệ sẽ bị đe dọa, mặc dù Thủ tướng Netanyahu xem đây là ưu tiên hàng đầu. Giao tranh đang diễn ra khiến quan hệ giữa Tel Aviv với cộng đồng Ả Rập xấu đi nhanh chóng; Ả Rập Saudi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lên án gay gắt chiến dịch tại Gaza.

Kinh tế Israel

Chiến dịch quân sự gây thiệt hại cho kinh tế Israel ngay từ thời gian đầu. Sản lượng kinh tế quý 4/2023 sụt giảm 21,7% so với năm trước. Mặc dù quý 1/2024 ghi nhận khởi sắc, tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global vẫn dự báo quốc gia Trung Đông phục hồi chậm hơn các đợt suy thoái trước đây.

Đến tháng 4, S&P Global hạ xếp hạng của Israel đồng thời cảnh báo thâm hụt ngân sách của Tel Aviv sẽ tăng chủ yếu do tăng chi tiêu quốc phòng.

Moody’s cũng tiến hành hạ xếp hạng nước này. Tổ chức này nhận định chiến dịch quân sự sẽ trở thành gánh nặng kinh tế và chính trị đáng kể cho Israel về lâu dài.

Israel trải qua không ít cuộc chiến kể từ khi lập quốc năm 1948 cho đến nay. Chiến dịch quân sự tại Gaza đang diễn ra là cuộc chiến tốn kém nhất. Trang tin Yenet từng đưa tin tính đến tháng 1, mỗi ngày IDF phải chi 272 triệu USD, tổng chi phí (gồm chi tiêu quốc phòng, thiệt hại hạ tầng dân sự, bồi thường cho doanh nghiệp) lên đến 60 tỉ USD.

Ông Plesner đánh giá chính phủ Thủ tướng Netanyahu chẳng làm gì để giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Chuyên gia này cảnh báo nếu chiến dịch quân sự kéo dài, quá trình phục hồi sẽ trở nên khó khăn hơn.

Triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Biden

Chính trị Mỹ mà đặc biệt là triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Biden cũng đang gặp khó. Đương kim lãnh đạo đối mặt với phản ứng dữ dội từ cử tri trẻ lẫn cử tri gốc Ả Rập, đe dọa khả năng giành chiến thắng ở một loạt bang chiến lược.

Tổng thống Biden liên tục ủng hộ Israel, cung cấp sự bảo vệ ngoại giao và pháp lý gần như vô điều kiện, nhưng đồng thời, Nhà Trắng cũng không ngần ngại thực hiện các biện pháp chưa từng có như trừng phạt người định cư gây bạo lực ở Bờ Tây hay tạm ngừng chuyển vũ khí có thể bị sử dụng với dân thường ở Rafah. Bất chấp tất cả nỗ lực, thương vong dân sự không ngừng tăng còn nạn đói ngày càng trầm trọng. Hậu quả là Tổng thống Biden phải chịu sức ép lớn.

Một cuộc thăm dò vào tháng trước của CNN cho thấy 71% người được hỏi không tán thành cách xử lý của Tổng thống Biden. Tỷ lệ này ở nhóm dưới 35 tuổi lên đến 81%.

Ngày 31.5 vừa qua, Tổng thống Biden công bố đề xuất ngừng bắn mới gồm 3 giai đoạn mà Israel vừa gửi cho Hamas xem xét. Ông khẳng định Hamas hiện không còn khả năng tiến hành thêm hoạt động tập kích như vụ việc ngày 7.10 nữa nên đã đến lúc ngừng giao tranh, tạo điều kiện cho giải phóng con tin.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ ra sao nếu chiến dịch quân sự tại Gaza kéo dài thêm 7 tháng?