Ngày 6.4, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 795/BCA-V11 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong Công an nhân dân.
Bên cạnh những thành tích đạt được, tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật, điều lệnh nội vụ trong Công an nhân dân thời gian gần đây vẫn còn xảy ra. Trong đó có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng như: Bao che, tiếp tay cho tội phạm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…; thậm chí, có trường hợp là cán bộ lãnh đạo chỉ huy, sĩ quan cao cấp.
Đáng chú ý, nhiều vụ việc tiêu cực được báo chí tập trung phản ánh hoặc bị đăng tải, chia sẻ, xuyên tạc, lợi dụng để “giật tít”, “câu view”, “câu like” trên các báo điện tử, mạng xã hội, gây bất lợi về chính trị, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bản chất Công an cách mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng Công an.
Để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động hơn nữa trong phòng ngừa sai phạm, suy thoái, nhằm nâng cao uy tín và tăng cường xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 2612/BCA-X11 ngày 28.10.2016 của Bộ Công an về siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác cán bộ.
Tăng cường công tác nắm tình hình, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân; chủ động phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa",nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân, lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của nhân dân hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, "lợi ích nhóm"… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp công an.
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, chú trọng các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Khi có các vụ việc phức tạp được dư luận, báo chí phản ánh, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải chủ động nắm tình hình, nếu cần thiết phải có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra để làm rõ thông tin, đề xuất giải quyết dứt điểm, không để phức tạp, kéo dài.
Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước và Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công an. Chủ động cung cấp cho cơ quan báo chí, tuyên truyền những thông tin về kết quả, thành tích công tác, những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, trong đó có kết quả điều tra, khám phá các chuyên án, vụ án lớn về đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý (không được làm lộ các biện pháp nghiệp vụ ngành Công an).
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền trong Công an nhân dân phải bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương, với các cơ quan báo chí ngoài ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền để phản ánh những khó khăn, phức tạp, hiểm nguy, sự cống hiến, hy sinh to lớn của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Công an trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự; phản ánh, cổ vũ phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, kỷ cương, kỷ luật, phong cách ứng xử văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Công an; tích cực, chủ động, nhạy bén hơn nữa trong phản bác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch và dư luận sai trái, thiếu tính xây dựng đối với lực lượng Công an nhân dân.