Tuyến đường sắt Maya Train dự kiến xây dựng gần một thành phố cổ của thời đại văn minh Maya đang khiến nhiều người Mexico lo ngại.

Siêu dự án đường sắt ở Mexico có thể tàn phá thành phố cổ của nền văn minh Maya

Bảo Vĩnh | 04/02/2023, 12:08

Tuyến đường sắt Maya Train dự kiến xây dựng gần một thành phố cổ của thời đại văn minh Maya đang khiến nhiều người Mexico lo ngại.

mexico-ap-1.jpeg
Du khách leo các bậc thang của một kim tự tháp trong Khu Bảo tồn sinh học Calakmul - Ảnh: AP

Thành phố cổ Calakmul ở vùng bán đảo Yucatan, phía nam Mexico, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là một Di sản thế giới. Đây cũng là một điểm đến du lịch từng thu hút 50.000 lượt khách tham quan hồi năm 2021.

Khu Bảo tồn sinh học Calakmul với những kim tự tháp nằm ẩn trong một vùng rừng rộng lớn có cả đầm cá sấu. Ngoài ra, khu bảo tồn cũng có hơn 350 loài chim, 100 loài động vật có vú cùng với những loài có nguy cơ tuyệt chủng như báo puma, heo vòi và gà tây mắt đơn.

Siêu dự án đường sắt để phát triển kinh tế bằng du lịch

Khu rừng đang bị san ủi để xây dựng tuyến đường sắt Maya Train, một dự án trị giá 20 tỉ USD do Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador khởi xướng. Dự án này chỉ cách Khu Bảo tồn Calakmul khoảng 20 km, nhằm phát triển kinh tế ở một khu vực nghèo nhất Mexico bằng cách thu hút 3 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Cục Du lịch Quốc gia Mexico (FONATUR) nói rằng Maya Train sẽ giải quyết việc thiếu cơ sở hạ tầng ở vùng đông nam Mexico. Dọc theo tuyến đường sắt dài 1.500 km này có 20 trạm, nơi sẽ mọc lên các khách sạn và chợ, cùng một tuyến đường chở nhiên liệu và nông sản.

Maya Train sẽ đi qua các hệ sinh thái độc đáo, gồm những hố đá vôi chứa nước ngọt dọc theo khu Mayan Riviera, một vùng biển đẹp của bán đảo Yutacan. Vì thế, dự án đã phải đối mặt với làn sóng phản đối và nhiều đơn kiện khiến chính quyền từng tạm ngưng xây dựng công trình.

Tổng thống Obrador muốn Maya Train bắt đầu chạy từ cuối năm 2023 - khi ông kết thúc nhiệm kỳ - nên gọi dự án này là “một vấn đề của an ninh quốc gia” nhằm tăng tốc các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và lấy ý kiến của người dân. Quân đội Mexico phụ trách xây dựng một số đoạn, gồm một đoạn băng ngang rừng Calakmul, một phần của rừng Maya vốn còn rộng lớn hơn và là rừng nhiệt đới lớn nhất ở châu Mỹ, chỉ sau Amazon.

Hội đồng Người bản địa Xpujil đã kiện việc chính phủ không lấy ý kiến của họ. Một thẩm phán đã đồng ý với đơn kiện và ra phán quyết ngưng xây dựng đối với Xpujil, thành phố gần khu rừng nhất.

mexico-ap-2.jpeg
Xe chạy trên đường có gắn biển báo Maya Train và cảnh báo đề phòng cá sấu - Ảnh: AP

“Chính quyền chỉ nói về những lợi ích của siêu dự án này, nhưng không đề cập đến các tác động hoặc tổn thất”, theo ông Jesus Leon Zapata, một thành viên Hội đồng, nói với AP.

Hãng tin Mỹ đã ghi nhận tiến độ xây dựng vẫn diễn ra ở Xpujil, do Tổng thống Obrador nói nhiều lần rằng “vấn đề an ninh quốc gia” cho phép tiếp tục công trình.

“Họ không tuân thủ phán quyết của tòa án. Đấy là một việc nghiêm trọng”, theo Gustavo Alanis, Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường Mexico.

Dự án Maya Train chạy qua khu đất của Norma Rosado, người cho biết chính phủ trả tiền đền bù 5.800 USD cho bà. Các quan chức cũng hứa hẹn cải tạo các con đường và sửa chữa tuyến ống dẫn nước vốn chỉ cấp nước vài giờ trong chỉ hai ngày của một tuần.

Chồng bà Rosado - ông Omar Hernandez nói khu vực luôn bị lãng quên “nên bất kỳ thứ gì họ cho chúng tôi cũng có ý nghĩa. Nhưng các lợi ích này quá nhỏ vì chúng tôi là nhà nông, chúng tôi không thể xây khách sạn và chỉ có các nhà đầu tư mới xây khách sạn”. Ông Hernandez hy vọng bán được mật ong hữu cơ cho du khách, nhưng đã phải dời trại nuôi ong đi xa vì sợ tiếng ồn của máy móc.

Nhà nghiên cứu động vật linh trưởng người Anh Kathy Slater đã làm việc ở Calakmul từ 10 năm nay cho tổ chức Operation Wallacea. Bà cho biết, từ nhiều năm qua, các quan chức môi trường và các tổ chức phi lợi nhuận đã nỗ lực thuyết phục nhà nông không nuôi gia súc, thay vào đó là nuôi ong để bảo tồn khu rừng. Nhưng bà nói “thật buồn là các nỗ lực này có thể bị cản trở”.

Bà Kathy Slater tuyên bố: “Tôi không phản đối tuyến đường sắt nhưng đối với một dự án khổng lồ thế này thì việc lên kế hoạch thường phải mất hơn 10 năm. Nhưng dự án này không được lên kế hoạch, thật điên rồ, họ không hề nghĩ đến những tác động xấu”.

mexico-ap-4.jpeg
Một người dân đã bán đất cho dự án Maya Train - Ảnh: AP

Maya Train “như một quả bom phá toang” khu bảo tồn

Chuyên gia sinh học Rodrigo Medellin ở UNAM (Đại học lớn nhất ở Mexico) nói lẽ ra Maya Train không được chạy qua Khu Bảo tồn sinh học Calakmul “vì nó sẽ phá vỡ một trong những khu vực đa dạng sinh học quan nhất của đất nước”.

Medellin là một chuyên gia về loài dơi nên được gọi là “Người dơi Mexico”, cho biết trong 126 đoạn băng qua khu rừng, một đoạn chỉ cách Volcan de los Murcielagos khoảng 700 mét. Đó là “nhà” của 3 triệu con dơi. Tất cả ngành nông nghiệp của vùng nam bán đảo Yutacan hưởng lợi từ số dơi này, vì chúng ăn 30 tấn côn trùng vào ban đêm, kiểm soát sâu rầy trên các ruộng ngô, đậu và ớt.

Tuy nhiên, báo cáo ĐTM hơn 2.100 trang về đoạn đường sắt này không hề đề cập đến hang dơi trên. Báo cáo nói việc xây dựng sẽ có những “tác động nghiêm trọng” đến các loài được bảo tồn, nhưng kết luận Maya Train “đạt độ tin cậy” về môi trường vì đã kéo giảm được các tác động đó.

mexico-ap-5.jpeg
Hai người chèo thuyền trên hồ ở Khu du lịch sinh thái Valentin Gomez Farias - Ảnh: AP

Kế hoạch này sẽ tái trồng 74 ha rừng, tức khoảng 10% so với 730 ha cây rừng sẽ bị đốn hạ. Khu vực đốn hạ sẽ gồm vùng nông nghiệp Valentin Gomez Farias vốn nằm sát Khu Bảo tồn sinh học Calakmul.

Cách đây 9 năm, người dân ở đây xây nên một khu du lịch sinh thái, với du khách qua đêm trong lều cọ, chèo thuyền độc mộc, đi bộ xuyên rừng và quan sát đời sống hoang dã. Nhưng với việc Maya Train chạy qua và có thêm những khu du lịch và khách sạn, rừng Calakmul sẽ không khác những thành phố du lịch Cancun hoặc Tulum.

“Chúng tôi đã luôn duy trì để điều đó sẽ không xảy ra. Nhưng bây giờ, dự án ấy cứ như một quả bom, sẽ nổ tung”, theo ông Jose Antonio Guzman Hernandez, một người của khu du lịch sinh thái nói trên.

Bài liên quan
‘Trứng cá tầm Mexico’ trước họa hạn hán, biến đổi khí hậu
Chả trứng Ahuautle là một món ăn từng được tiến vua trong nền văn minh Aztec cổ đại ở Mexico, và được mệnh danh là “Trứng cá tầm Mexico”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu dự án đường sắt ở Mexico có thể tàn phá thành phố cổ của nền văn minh Maya