Phong thủy là môn khoa học tổng hợp của các môn khoa học thực nghiệm và lý thuyết khác như vật lý địa cầu, thuỷ văn địa chất, vũ trụ tinh thể học, khí tượng học, môi trường học và kiến trúc.

Số 4 là số luôn mang lại điềm dữ?

Một Thế Giới | 28/05/2014, 07:40

Phong thủy là môn khoa học tổng hợp của các môn khoa học thực nghiệm và lý thuyết khác như vật lý địa cầu, thuỷ văn địa chất, vũ trụ tinh thể học, khí tượng học, môi trường học và kiến trúc.

>> Chữa bệnh bằng phương pháp ngoại cảm, cảm xạ học, nhân điện
Người vận dụng phải có kiến thức tổng hợp, biết xem xét thiên nhiên môi trường, cải tạo nó thành môi trường tối ưu cho con người sinh sống để phát triển tốt đẹp. Đích cuối cùng của Phong Thuỷ phải là Thiên – Nhân – Địa hợp nhất, con người đạt đến cái đích thấu hiểu những quy luật của trời đất và sống hoà hợp với những quy luật ấy. Từ trước đến nay những quy luật của thiên nhiên, của trời đất vũ trụ vẫn vô tư tồn tại, chỉ có con người duy ý chí mới cho rằng mình sống không cần phụ thuộc vào nó nên vô tình đã phạm phải những điều gây tai hoạ cho chính bản thân con người.
Để nói rõ hơn về phong và thủy gắn chặt với đời sống của con người cũng như thiên nhiên như thế nào, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA  sẽ trả lời và giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc về PHONG và THỦY trong đời sống - một vấn đề đang ngày càng được nhiều người quan tâm.
So 4 phong thuy
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng  - UIA 

Vũ Hưng - Thái Bình:  Cháu nghe nói số 4 là số luôn mang lại điềm dữ. Xin chú cho cháu biết trong phong thủy có khẳng định điều nay không, hay chỉ do truyền miệng?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh:Theo tôi, số đếm không thể  gọi là Phong Thủy bởi nó không mang tính chất vật lý. Con người ta cứ lạm dụng từ Phong Thủy. Với mọi thứ đều gắn cho Phong Thủy hết. Nhưng bản chất của Phong Thủy là Gió – nước, chứ không phải là con số.
Theo cách suy luận không khoa học, số bốn là số xấu do suy luận: sinh, lão, bệnh, tử, nên nói số bốn là nghĩ ngay đến cái chết “tử”. Cần hiểu số 4 là tín ngưỡng của nhiều dân tộc, được xem là số không may, thế thôi, chứ đừng nghĩ nó thực sự mang lại những chết chóc, tang thương, xui xẻo cho mình theo thuật phong thủy.

Nguyễn Thu Hương - Cần Thơ hỏi: Phong thủy cho người Việt có khác phong thủy của những dân tộc khác không?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Phong Thủy là yếu tố khách quan, giống như luật nhân quả. Nhưng thuật phong thủy lại thuộc vào trình độ văn minh, kỹ thuật chứ không phụ thuộc vào dân tộc nào. Hay nói cách khác, thuật phong thủy là một môn khoa học phụ thuộc vào trình độ nhận thức, nên tùy trình độ khoa học kỹ thuật cao hay thấp thì sẽ có những ứng dụng khác nhau.

Việt Anh - TP.HCM hỏi:  Tôi đi du lịch qua các nước  châu Á, tôi thấy người dân bày bán rất nhiều chuông gió. Họ nói nếu đem về treo trước cửa thì mọi tai ương, ưu phiền sẽ qua. Vậy tiến sĩ cho tôi hỏi chuông gió có phải là một thành phần trong Phong thủy?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Chuông gió không phải là phong thủy mà nó là vật khí được dùng trong thuật phong thủy. Dưới tác động của gió sẽ làm chuông gió phát ra âm thanh, tất cả tác động vào tâm lý của con người, nên cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ.

Văn Đức - Đông Vệ, Thanh Hóa hỏi: Thưa bác, bác cho cháu hỏi phong thủy có liên quan đến đạo Phật hay đạo Khổng?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Nếu chỉ nói phong thủy chung chung thì đó là 2 trong 4 đại lượng quan trọng của bốn thành phần thiên nhiên: Đất, nước, gió, lửa. Hai thành phần này vốn khách quan, không phụ thuộc vào yếu tố chính trị, xã hội, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Còn việc vận dụng nó, hiểu về nó để khai thác, ứng dụng tính năng của phong thủy sẽ phụ thuộc vào nhân sinh quan, giác quan của mỗi con người của mỗi đất nước, mỗi tôn giáo. Mọi quốc gia, tôn giáo, dân tộc, giai cấp, tín ngưỡng hiểu về thuật phong thủy không giống nhau nên mục đích khai thác cũng khác nhau. Đạo Phật nói riêng và các đạo khác nói chung cũng là tổ chức xã hội cũng đã sử dụng và khai thác các năng lượng của thiên nhiên. Dễ thấy nhất là các công trình của họ cũng có liên quan đến Thuật phong thủy. Cần nhớ thêm, phong thủy tồn tại khách quan cũng như quy luật nhân quả chứ không phải “tài sản” của quốc gia, dân tộc, tôn giáo nào.

Bạn Mai Hoa - Q.3, TP. HCM hỏi: Cây trong nhà khô héo và chết. Đây có phải là Phong thủy xấu?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Điều này chưa thể kết luận được ngay do còn phụ thuộc vào yếu tố chăm sóc, chăm bón, nước, phân, cần, giống…. Đương nhiên, khi các điều kiện khác đã hoàn chỉnh, không gặp sai sót gì mà cây vẫn chết thì chúng ta mới khảo cưú đến ảnh hưởng của yếu tố môi trường. Khi cây đang tươi xanh mà bị chết thì chứng tỏ năng lượng các sóng bức xạ nơi cây đang được đặt đó có chứa các yếu tố phong thủy không có lợi cho cơ thể sinh học nói riêng và cây cối nói chung. Cần hiểu đơn giản rằng, chỗ nào làm cho cơ thể không phát triển thì nơi đó có chứa năng lượng xấu. Người và vật sống trong môi trường đó chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Như các bạn cũng hiểu, trong dân gian, khi người ta nhìn cây cối xung quanh tươi tốt màu mỡ thì tức là nơi đó có lợi cho cơ thể sinh học.Ngược lại, cây khô cằn và không phát triển thì nơi đó thổ nhưỡng và yếu tố phong thủy không thuận lợi cho sự phát triển của các tế bào sống.

Cá nuôi trong hồ kiểng chết, nhà của bạn đang bị tấn công của nguồn năng lượng xấu?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Tương tự như cây cối, khi cá đang nuôi trong nhà bạn bỗng dưng chết thì bạn cũng phải xem lại yếu tố chăm sóc có phù hợp không như  nước trong bể, thức ăn, nhiệt độ, chất dinh dưỡng. Sau đó mới đến yếu tố tổng thể chung của ngôi nhà, trong đó có yếu tố phong thủy. Cái gì cũng đổ hết phong thủy thì gọi là “Ngộ độc Phong Thủy” thì không nên.

Bạn Trần Việt - Hải Phòng hỏi: Hiện nay có nhiều người quan niệm lẫn lộn và không phân biệt được đâu là khoa học phong thủy, đâu là mê tín dị đoan. Ông có thể chỉ rõ danh giới giữa 2 khái niệm đó?

Thuật Phong Thủy là môn khoa học nghiên cứu về tương tác năng lương của 2 đại lượng cơ bản là Gió và Nước, tìm ra những tác dụng tích cực và tiêu cực của hiệu ứng này, nhằm phục vụ cho lợi ích của con người. Bản chất của Thuật Phong thủy là nghiên cứu về ảnh hưởng của địa lý môi trường đến cuộc sống của con người.Muốn phân biệt đâu là khoa học về Phong thủy thực sự và đâu là mê tín dị đoan thì cũng cần phải có những hiểu biết tối thiểu về khái niệm và phải gặp những người có chuyên môn thực sự về Thuật Phong Thủy, nếu chưa có khái niệm về thuật Phong Thủy thì kẻ xấu có trăm phương ngàn cách để lừa bịp những người cả tin. Tốt nhất là khi gặp ai tự xưng là "Thày phong thủy" thì cần kiểm tra xem anh ta được đào tạo từ đâu

Phan Lâm An - Hà Nội hỏi: Phong thủy có thể cứu được một cuộc hôn nhân đổ vỡ hay sự phá sản trong công việc?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Phong Thủy không làm được điều đó. Thuật Phong Thủy chỉ góp phần làm tăng việc thuận hòa, hay gây ra những xung khắc cho những sinh vật sống trong môi trường đó nói chung và những người thuộc quan hệ hôn nhân nói riêng. Tôi xin lưu ý đây là yếu tố góp phần chứ không quyết định. Để tạo nên một hôn nhân hạnh phúc, sự thịnh vượng trong kinh doanh không chỉ phụ thuộc vào yếu tố phong thủy mà phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Sâu xa nữa, là phụ thuộc vào luật tương tác nhân quả của hai vợ chồng.

Khánh Hồng - TP Vinh hỏi: Có cần chi nhiều tiền cho việc thực hiện những thay đổi trong văn phòng hay nhà ở?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Bạn cần hiểu rõ việc chi bao nhiêu tiền cho việc tu sửa (nếu cần thiết) thì phụ thuộc vào sự sai phạm của bạn trong cách sử dụng Thuật Phong Thủy. Nếu sai ít thì sửa ít. Ví dụ : “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam”, nếu vì lý do nào đó bạn chọn sai hướng làm nhà, giờ phải làm lại thì công sức và tiền của chắc chắn không ít.

Hà Sơn - Đà Nẵng:  Làm thế nào để tìm được nhà cố vấn phong thủy giỏi cho nhà bạn?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Trước hết, chưa nên nói thế nào là phong thủy giỏi hay chưa giỏi, Kiến trúc sư, cố vấn phong thủy  phải là người biết phối hợp kiến thức khoa học mang tính định lượng của phương Tây với một số khái niệm mang tính định tính, siêu thực của phương Đông. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật thể và phi vật thể thì sẽ đạt được sự toàn mỹ về tổng thể kiến trúc.

Hiện nay, nhiều nơi, nhiều chỗ đang diễn ra hoạt động tư vấn phong thủy. Càng ngày càng nhiều người tự xưng là nhà phong thủy. Bản thân tôi  có đọc qua những lý giải của họ. Đối với suy nghĩ của tôi, đa phần họ chỉ đọc những thuật ngữ trong các sách rồi xáo đi xáo lại, rồi tự phong. Muốn là nhà phong thủy, trước tiên phải có hiểu biết yếu tố địa lý, môi trường. Sau đó, cũng cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản của khí động học, thổ nhưỡng, Khí, luật nhân quả, y lý (Lý luận về ngành Y). như đã từng nghe trong dân gian lưu truyền: Nho, Y, Lý, Số. Chưa kể, người tư vấn phong thủy còn phải có hiểu biết về kiến trúc, công trình. Hiện có quá nhiều người tự xưng là nhà Phong Thủy nhưng không được trang bị những hiểu biết trên, nên dễ đưa ra những phán đoán hoang tưởng.

Vũ Hưng - Thái Bình:  Cháu nghe nói số 4 phong thủy là số luôn mang lại điềm dữ. Xin chú cho cháu biết trong phong thủy có khẳng định điều nay không, hay chỉ do truyền miệng?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Theo tôi, số đếm không thể  gọi là Phong Thủy bởi nó không mang tính chất vật lý. Con người ta cứ lạm dụng từ Phong Thủy. Với mọi thứ đều gắn cho Phong Thủy hết. Nhưng bản chất của Phong Thủy là Gió – nước, chứ không phải là con số.
Theo cách suy luận không khoa học, số bốn là số xấu do suy luận: sinh, lão, bệnh, tử, nên nói số bốn là nghĩ ngay đến cái chết “tử”. Cần hiểu số 4 phong thủy là tín ngưỡng của nhiều dân tộc, được xem là số không may, thế thôi, chứ đừng nghĩ nó thực sự mang lại những chết chóc, tang thương, xui xẻo cho mình theo thuật phong thủy.

Ngọc Hiệp - Vũng Tàu hỏi: Hiện tại, tôi thấy có rất nhiều cửa hàng bán vật phẩm như Tỳ Hưu Phong Thủy, Thiềm Thừ Phong Thủy, Linh Vật Phong Thủy, Trang Sức Phong Thủy, Đá Quý Phong Thủy, Vật Phẩm May Mắn. Vậy những vật phẩm ấy có thực sự là những khái niệm trong nghiên cứu phong thủy, hay là sản phẩm dùng để kích thích tiêu dùng, mua sắm như một món quà tặng, món kỷ niệm thôi?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Vật phẩm trong phong thủy là có nhưng hiện tại, đa phần là do các nhà sản xuất gắn vào yếu tố Phong Thủy để bán hàng. Bởi khi gắn vào các vật phẩm bình thường thì ngay lập tức giá bán ra đươc nâng lên trong khi giá thành ban đầu không cao như giá bán ra, nhằm thu về lợi nhuận đáng kể. ởi những vật phẩm ấy làm bằng vật liệu gì, hình thức ra sao, màu sắc thế nào còn phải được nghiên cứu, có hệ thống tiêu chuẩn riêng chứ không phải do chủ cửa hàng tự bán ra với mỗi nơi là một mẫu mã, đi kèm là hàng loạt hững tác dụng được nâng lên một cách quá đáng. Nhiều người đã dùng rất nhiều tiền để mua các vật dụng mà quên đi rằng sự thành đạt còn phụ thuộc nhiều yếu tố : IQ, EQ, tư cách, công đức  và các yếu tố khác. Do vậy, khi tham khảo vật phẩm phong thủy cần tìm hiển nhiều thông tin chứ không nên đặt hết niềm tin vào mà quên đi những yếu tố khác, tránh mất quá nhiều chi phí vào những việc không cần thiết, không xứng tầm
Hồng Kỳ - Lý Nhân, Hà Nam hỏi: Cây trong phòng ngủ là Phong thủy tốt hay xấu?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Trước hết, cây không phải Phong Thủy mà chỉ là phương tiện giúp ta nhận ra hiệu ứng năng lượng tại địa điểm cây đang sống. Đương nhiên, việc đo hiệu ứng còn là việc cần có sự hiểu biết về khoa học. Nhưng đáng ngại nhất là hiệu quả đâu không thấy, nhưng đã có nhiều trường hợp bị chết ngạt do mang quá nhiều cây, hoa vào phòng ngủ. Như các bạn biết, vào ban ngày, khi chúng ta có dịp ngồi nghỉ dưới gốc cây to thì thông thường chúng ta sẽ cảm thấy rất khoan khoái, vì khi ấy, cây hút khí CO2, đồng thời nhả ra khí O2. Tuy vậy, ban đêm mà chúng ta lại không biết, ngồi nghỉ cũng dưới gốc cây to ấy thì chúng ta lại rất mệt vì cây hút O2 và nhả ra CO2. Tóm lại, đặt cây trong phòng ngủ cũng là một phương pháp thuật phong thủy nhưng cũng cần hiểu rõ.

Thu Huyền - Đống Đa, Hà Nội hỏi: Thưa ông, sử dụng gương trong Phong thủy có khó không ạ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Gương là một vật khí quan quan trọng trong nghệ thuật phong thủy. Và thông thường, các kiến trúc sư dùng gương trong thiết kế nội thất, công trình, bởi gương có một đặc tính rất đặc biệt là phản xạ gần như 100% cường độ ánh sáng chiếu đến mặt gương. Gương còn được dùng tạo ra ảnh ảo trong nội thất công trình, để người ta có cảm giác không gian được nhân đôi. Cho nên, những nơi nào chật hẹp và méo mó người ta thường đặt gương để tạo cảm giác nhân đôi diện tích. Các nhà hàng, quán trưng bày sản phẩm đặc nhiều gương để tạo cảm giác gấp ba bốn lần số lượng thật để tạo cảm giác phong phú về các mặt hàng. Khi đặt gương vào phòng ngủ và phòng làm việc cần hết sức cẩn trọng. Nếu đặt gương không đúng cách sẽ gây ra phân tán tư tưởng khi làm việc. Nếu đặt gương không đúng chỗ trong phòng ngủ thì sẽ gây bất an lúc ngủ. Tốt nhất nên tham khảo các chuyên gia nội thất hay kiến trúc sư.

Chào chú. Cháu tên là Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1979, chồng cháu sinh năm 1974, con trai cháu sinh năm 2009. Con trai cháu đang học tiểu học. Nhân dịp sinh nhật cháu sắp tới, Cháu muốn tặng con trai một vật phong thủy để trên bàn học. Con mong chú chỉ giúp con nên để vật gì ạ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Theo tôi, đơn giản và thực tế là bạn có thể tặng con bạn bức tranh vinh quy bái tổ để khuyến khích con bạn ham học, cho bé hình dung ra nếu học tốt thì sau này, sẽ  thành danh rạng rỡ như niềm vui thể hiện trên gương mặt của các nhân vật trong tranh. Nhưng tốt hơn nữa, bạn hãy hỏi, gợi ý xem con bạn mong chờ món quà là gì thì hãy mua tặng, vì vật những món quà làm bé thích thì mới có ý nghĩa, góp phần động viên tinh thần cũng như ý chí ham học của bé. Khi ấy, ngoài việc hài lòng về món quà mình ao ước, bé còn vui mừng khi biết rằng cha mẹ luôn lắng nghe, nắm bắt và hiểu mình. Bé còn quá bé để đưa những vật phong thủy mà bạn đang quan tâm.
Thúy Anh - Quảng Ninh: Nghe mẹ tôi nói treo bức tranh có đôi uyên ương ở góc nào  của phòng ngủ sẽ giữ lửa hạnh phúc uyên ương?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Thường là bạn nên treo tranh hoặc gán biểu tượng với hình ảnh đôi chim bồ câu vì bồ câu là biểu tượng của sự sung túc, hòa bình, điềm lành, viên mãn... Có thể là tranh, gối thêu, rèm, các vật trang trí nội thất….

Duy Dũng - Tây Tựu, Hà Nội hỏi:  Gần đây, người hàng xóm đối diện nhà tôi treo một cái gương Bát Quái trước cửa chính của nhà họ.Trong phong thủy, điều này có ý nghĩa gì và có ảnh hưởng đến nhà chúng tôi không? Tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi bước ra khỏi nhà và có cảm giác như cái gương Bát Quái đó đang chiếu vào mắt mình. Tôi phải là  gì để cải thiện tình hình này?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Khi bạn hỏi câu này thì tôi biết có lẽ bạn đang hoang mang. Theo tôi, hàng xóm có treo thì cứ để họ treo, mà nếu vẫn chưa yên tâm thì bạn cứ treo y như thế. Bởi thực chất, việc treo bát quái trước cửa nhà là bạn đang tự ám thị mình đang được chở che, để bạn đạt được trạng thái tâm lý yên ổn, an toàn mà thôi. Bạn không nên để cảm xúc, tinh thần của mình phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố xung quanh thì đầu óc bạn không bao giờ minh mẫn được. Từ đó sẽ dẫn đến việc sa đà vào mê tín dị đoan, thậm chí tác động tiêu cực không tốt đến các thành viên khác trong gia đình.

Tuyết Nga - Nam Định hỏi:  Tỳ Hưu có phải Con vật linh thiêng nhất khi mang lại may mắn về Tài lộc – Công danh?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Tôi đã trả lời câu này cho nhiều doanh nhân rồi. Theo tôi, ý nghĩa đó chỉ là tuyên truyền và quảng bá của những người sản xuất ra mà thôi. Tôi không cổ súy cho cách suy nghĩ "há miệng chờ sung" này. Muốn giàu phải tập hợp nhiều yếu tố khác: Trí tuệ, công đức, nhân quả.
Hoàng Dũng - Bình Định: Tôi có một bức tranh về ngựa rất đẹp do được tặng từ bạn bè khi khai trương nhà riêng cách đây 1 tuần. Theo ông, tôi nên đặt ở hướng nào thì hợp với tôi vì tôi cũng tuổi ngọ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chơi tranh là một nghệ thuật. Sở dĩ tranh về các chú tuấn mã được phổ biến rộng và được nhiều người đón nhận là do sự nhanh nhẹn của ngựa, rồi đặc tính trung thành, tận tụy. Ngựa cũng là động vật không đòi hỏi sự phục vụ quá phức tạp, năng suất làm việc lại cao, toàn thân toát lên năng lượng tích cực. Chính những ưu điểm đó có liên quan đến những tố chất của người doanh nhân thành đạt, cũng như yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trong kinh danh. Chúng ta đã quá quen hình ảnh của ngựa liên quan đến câu chúc "Mã đáo thành công" mà chúng ta hay chúc phúc cho nhau. Vậy khi treo tranh có hình ngựa thì nhất thiết phải quan tâm đến tính thẩm mỹ về hội họa. Vì nếu không chú ý sẽ thành "ngựa cùng đường" hoặc "ngựa què". Như vậy, treo tranh ngựa là thú chơi, cần có hiểu biết về hội họa, lịch sử chứ không nên quá câu nệ vào hướng treo

Duy Dương - Hà Đông, Hà Nội: Tôi chuẩn bị kết hôn nên đang có ý định tìm mua nhà. Ông có thể tư vấn một cách ngắn gọn rằng những kiêng kị tối thiểu khi mua nhà không ạ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Vậy bạn chú ý những nguyên tắc cơ bản sau đây nhé:
- Thứ 1: chuẩn bị đủ nguồn tiền để mua
- Thứ 2: nên cân nhắc nhà dự tính mua có thuận lợi cho công ăn việc làm của mình hay không, vì nếu nhà ở quá xa khu vực làm việc sẽ gây tốn kém, mất thời gian cho bạn, cũng như mang lại sự bất tiện cho các thành viên khác trong nhà.
- Thứ 3: đặc điểm địa lý môi trường cũng cần được xem xét kỹ. Nếu có điều kiện tốt, bạn tìm hiểu xem ngôi nhà đó có gần hay thuộc vùng dân cư thuận lợi với các cơ sở trường học, siêu thị, bệnh viện, chợ, khu thể thao, công viên cây xanh, hồ nước mát mẻ, sông ngòi trong lành… 
Sau khi xác định được khu nhà cụ thể, bạn nên tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà, thậm chí dãy nhà về những điều xảy ra trong vòng 20 năm trước đây. Xin lưu ý, nên chú ý những câu chuyện về tâm linh vì nếu không may mắn rơi vào vùng đất được nói qua nói lại là có vong, hung khí… thì bạn sẽ gặp khó khăn sau khi bạn sở hữu. Đơn giản và dễ nhận ra nhất là chưa biết thông tin đó đúng đúng hay sai nhưng chắc chắn sẽ không có lợi cho bạn nếu đã mua rồi mà muốn sang nhượng, bán cho người khác thì sẽ rất vất vả do tiếng xấu thường đồn nhanh và xa… 
Tuy nhiên, tất cả những nội dung trên đều chỉ mang tính tương đối mà thôi. Cần phải hiểu rằng người Việt Nam hay tâm niệm câu: “sống có nhà, chết có mồ”, cho nên nhà không chỉ là  một tài sản có giá trị về mặt vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần rất thiêng liêng, quyết định nếp sống của một gia đìn. Vì vậy, bạn cần tập hợp thật nhiều thông tin về ngôi nhà bạn cần mua. Do thời gian giao lưu có hạn, bạn cũng có thể gửi các thông tin về ngôi nhà của bạn cần mua cho chương trình để chúng tôi tư vấn cho bạn tốt hơn.
Văn Nhơn - Quảng Ngãi: Xem phong thủy có giúp cải tổ được mệnh không ạ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Phong thủy là yếu tố về điều kiện tự nhiên và nó thật sự có ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc sống con người. Phong thủy có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc bất lợi cho sức khỏe hoặc sự nghiệp. Nhưng phong thủy không phải yếu tố duy nhất quyết định sự thành công hay thất bại. Sự thành- bại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Trong khuôn khổ buổi giao lưu này, tôi chỉ có thể trả lời rằng người ta thường cho rằng “Địa linh sinh nhân kiệt” nhưng theo tôi, nói vậy chưa đúng và đủ vì câu này chỉ đúng một phần nào thôi bởi trong cùng một vùng đất có nhiều người rất ưu tú, nhưng lại có những kẻ rất tầm thường. Cần nói thêm rằng nhân kiệt cũng sẽ làm cho đất trở nên linh thiếng. Tóm lại, không thể nói rằng phong thủy thay đổi toàn bộ vận mạng con người.

Khánh My - q. Tân Bình, TP.HCM: Khi giải phẫu thẩm mỹ trên mặt mình, vận mệnh con người mình có thay đổi không thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Nên đưa vào phạm trù nhân tướng học chứ không nên đưa vào thuật phong thủy . Tuy nhiên, người ta có câu “nhân hiền tại diện”. Nhân tướng học là ngành khoa học riêng. Ngành công an cũng lấy dấu vân tay làm nhận diện từng người. Có những thống kê đặc trưng cho những loại hình tướng khác nhau. Những nét đặc trưng chung, phạm trù này sẽ được bàn luận chi tiết vào những lỳ tiếp theo về nhân tướng học

Trung Dũng - Hà Nội:  Nhà cháu trong phố nên cũng muốn nuôi cá để có thể giúp đầu óc thư thái. Theo ông, nếu xét theo thuật phong thủy thì nên đặt hồ cá vàng ở đâu, số lượng cá chẵn hay lẻ sẽ đem lại may mắn?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Chào cháu, chú xin trả lời như sau. Cá vàng là thú vui, giải trí và không nên quá câu nệ vào số lượng cá, màu sắc bởi cái đó là do suy diễn mà ra. Cháu tránh sa đà vì nếu không được tư vấn đúng sẽ dễ gây hoang tưởng, hoang mang nếu không may cá bị chết. Việc đặt cá ở đâu phải căn cứ vào từng căn phòng cụ thể mới tư vấn được.

Hà Bình - Đồng Nai: Ba mẹ tôi vừa la mắng tôi khi tôi đã đặt cọc ngôi nhà khá xinh nhưng có 2 cửa ra vào đối nhau. Cả gia đình tôi nói nó sẽ khiến tôi tan gia bại sản, người thân ly tán. Tôi quá sợ hãi nhưng vì đã đặt cọc rồi, giờ rút lại thì không được. Tôi muốn ông lý giải và có hướng giải quyết cụ thể vì tôi đang rất hoang mang.

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Phải xem nội thất của ngôi nhà cụ thể như thế nào thì tôi mới có thể trả lời cho bạn chính xác điều bạn cần được. Nhưng có nguyên tắc cơ bản như thế này. Nếu đặt cửa đi không phù hợp thì sẽ tốn nhiều diện tích, bài trí nội thất rất khó khăn, cũng như tạo ra luồng gió hút rất mạnh. Do vậy, khi dựng cửa, tùy từng ngôi nhà cụ thể sẽ quyết định các cửa đặt đâu chứ không phải nhất thiết hai cửa đối nhau đều là không tốt. Ví dụ, cần xem khoảng cách của các cửa, tỉ lệ các phòng, vị trí cửa đó có đón luồng khí từ nhà vào hay không. Tốt nhất bạn cần gửi sơ đồ, mặt bằng ngôi nhà để chúng tôi tư vấn, tránh do thiếu hiểu biết mà mất tiền vô ích

Ngọc Anh - Bắc Ninh hỏi: Tôi nghe mấy đứa bạn chung cơ quan nói khi đặt tên cho con, nên đặt tên theo phong thủy sẽ tốt cho con và cho cả dòng họ. Xin hỏi quan niệm này có nên không ạ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Như trên đã nói, phong thủy là hai đại lượng gió và nước, còn tên người không liên quan phong thủy. Tên là theo tập quán văn hóa truyền thống của từng dòng họ, cho nên không đưa tên gọi con người vào phạm trù phong thủy
Hoàng Đức Thành - Sơn Tây, Hà Nội hỏi: Trước khi bước ra khỏi nhà, nhiều người có thói quen xem ngày, giờ, gọi là “ngày giờ phong thủy”. Không biết nghĩ vậy có đúng không ạ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Ngày giờ là đại lượng về thời gian. Ngày giờ cũng mang ý nghĩa tín ngưỡng. Việc xem ngày giờ tốt hay xấu không phải là phạm trù phong thủy. Vì vậy, cần chấm dứt tình trạng lạm dụng phong thủy mà gán vào ngày giờ sẽ khiến thuật phong thủy mất hết tính đặc trưng và trở nên tạp nhạp.
Bạn Huy Cảnh - Quảng Ninh hỏi:  Được biết ông là kiến trúc sư. Vậy thưa ông, các kiến trúc sư khi thiết kế, thi công công trình thì có liên quan đến phong thủy không ạ?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Những nhà kiến trúc sư phải rất giỏi về phong thủy bởi ngành khoa học tạo ra môi trường sống tối ưu, thuận lợi cho con ngươi. Thuật phong thủy cũng nhằm mục đóch tạo ra 1 môi trường sống như thế. Vậy trong ngành kiến trúc đã bao gồm cả thuật phong thủy. Hiện nay, các trường chuyên ngành kiến trúc chưa đưa môn thuật phong thủy vào đào tạo chính quy mà chỉ dừng lại ở hình thức ngoại khóa. Các kiến trúc sư khi ra trường tự mày mò, chế tác ra các hình thức riêng. Do vậy, không có sự nhất quán về khoa học, cũng như đang bị các hiện tượng ngoại đạo (không có kinh nghiệm, kiến thức) lại tự xưng là nhà phong thủy, làm vỡ nghệ thuật kiến trúc, phá vỡ mỹ quan công trình khi đưa ra những lý luận không khoa học. Thiết nghĩ, bộ xây dựng cũng nên ra quy chế nghiêm cấm những người không có chuyên môn mà tự xưng là nhà phong thủy để sửa đổi, can thiệp trực tiếp vào các công trình.

Cũng cần nói rằng, nhiều kiến trúc sư không chịu nghiên cứu về thuật phong thủy cho nên nhiều công trình đã vi phạm thuật phong thủy, gây ra những hậu quả rất đáng kể. Đơn cử, hàng loạt những công trình dân cư cao tầng gió rất mạnh, mà lan can, ban công ra bên ngoài được thiết kế bằng những thanh ngang khiến cho trẻ em trèo lên xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Hải Bằng - Trung Kính, Hà Nội hỏi: Được biết, phong thủy của một công trình được đánh giá là “vượng” sẽ thu hút ồ ạt nhiều người ra vào, mua may bán đắt. Nhưng nếu lời đồn về phong thủy xấu sẽ khiến chủ nhân của các công trình tan gia bại sản vì không ai muốn hợp tác hay mua bán. Ông nghĩ sao vế quan niệm này?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Tôi rất hay gặp những trường hợp tương tự như bạn nêu ra. Những thành phần mê tín dị đoan thường hay dùng thuật phong thủy để thêu dệt nên những câu chuyện nhằm trục lợi cho bản thân, hoặc hãm hại đối tác khi đưa ra những câu chuyện bất lợi. 
Do vậy, tôi thấy rất cần phải có sự kết hợp ngành kiến trúc với phong thủy học, khoa học tâm linh để chuẩn hóa dần những lý luận trong hệ thống cấu trúc, công trình. Việc nói công trình thì phải nói rõ công trình nào và phải có sự khảo nghiệm cụ thể, chứ không gán ghép. Tôi không đồng tình với những “tay ngang” mà lúc nào cũng “phán” những điều hoang đường, không có tính khoa học, không am hiểu về công trình mà nhất mực cứ đòi can thiệp vào công trình, ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu, thẩm mỹ và tính thực tiễn. Thường thì người kinh doanh hay nhà thầu họ cũng đã xem xét, khảo nghiệm rất chi tiết trước khi xảy nên hầu như một khi đã quyế định đầu tư triển khai các dự án lớn thì các địa điểm này ít xảy ra những rủi ro lớn về tâm linh, phong thủy….
Hồ Ngọc Anh - Ninh Bình hỏi:  Hàng xóm tôi là một nhà thầu. Chỗ hàng xóm, ông hay đến nhà tôi chơi và lần nào ông cũng khẳng địnhrằng nhà tôi phải di chuyển ngay cầu thang (nhà tôi vừa bước vào cửa chính thì nhìn thấy cầu thang) nên sẽ không có lợi cho tiền tài. Theo ông, người hàng xóm đó khuyên tôi có đúng không?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Cầu thang là 1 công trình giao thông theo trục thẳng đứng của ngôi nhà. Việc dùng cầu thang phải chú ý lưu lượng giao thông của trục ngang và trục dọc. Do vậy, thiết kế cầu thang của từng loại công trình cần phải că cứ vào diện tích, lưu lượng gioa thông để bố trí cho hợp lý sao cho cốt yếu giải quyết giao thông nhanh nhất, với diện tích ít nhất, tiếp theo là đến yếu tố thẩm mỹ, cá tính của chủ nhân công trình. Yếu tố tâm linh cũng được xem xét nhưng phải xét sau hết những yếu tố trên.

Lý Kiệt - Đà Nẵng hỏi: Kiến trúc phương Tây hiện đại tập trung nghiên cứu những giá trị phổ quát, hợp lý chung cho loài người, và kết quả của nó là những sản phẩm ngày một hoàn thiện. Trong khi đó, sự độc đáo của phong thủy thực ra bắt đầu từ những chỗ khó có thể giải trình một cách thuần túy khoa học, tuy nhiên vẫn có hiệu quả và cảm nhận được. Ông nghĩ sao về quan niệm này?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Các kiến trúc sư phương tây có những nguyên lý rất khoa học trong kiến trúc, có những nguyên lý rất sâu sắc về âm thanh, ánh sáng…. Đó là kiến thức cao cấp về kiến trúc và cũng có thể được nói là những ứng dụng của thuật phong thủy nhưng không được trình bày bằng những khái niệm phong thủy. Điều đó được chứng minh qua nhiều công trình kiến trúc của Pháp tại Việt Nam đã qua nhiều thế kỷ theo lối kiến trúc phương tây nhưng vẫn phù hợp với phong thủy phương Đông. Như vậy, nghệ thuật phương Tây- phương Đông có tiếng nói chung về nghệ thuật kiến trúc mặc dù được trình bày theo hệ thống lý luận, lý giải khác nhau. Người Phương Tây khi giải thích về các yếu tố kỹ thuật công trình sẽ dùng những thuật ngữ mang tính khách quan. Còn người  phương Đông có xu hướng giải thích bằng những thuật ngữ mang tính định tính

Hoài Linh - Trà Vinh : Xin hỏi một vấn đề liên quan đến học thuật một chút. Đối tượng quan tâm chủ yếu của phong thủy trong kiến trúc là phần khí vô hình, trong khi  kiến trúc phương tây tập trung nhiều hơn về giá trị phần cứng, từ bố cục, tỷ lệ, vật liệu, màu sắc, … Theo tôi, phương Đông hay Tây đều hữu dụng nên cứ thấy cái nào hay là dùng, thậm chí chủ động kết hợp. Còn ông, ông nghĩ sao về sự kết hợp này?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Phương Tây rất giỏi về vật lý kiến thức, giải quyết tốt hiệu ứng âm thanh ánh sáng, giao thông, khí hậu trong quá trình sáng tạo, triển khai và đã đạt thành tựu kỳ diệu. Ngoài ra, kiến trúc phương Đông cũng đạt được kết quả tương tự nên cho dù có giải thích bằng những thuật ngữ khác nhau thì cũng phải khẳng định rằng có những yếu tố trực tiếp tạo nên những thành tựu ưu. Vậy theo tôi, nên nhất thiết kết hợp và kết hợp theo từng loại công trình, thời điểm khác nhau.
Phạm Đăng Tuân - Thanh Xuân, Hà Nội: Kiến trúc phương Tây hiện đại tập trung nghiên cứu những giá trị phổ quát, hợp lý chung cho loài người, và kết quả của nó là những sản phẩm ngày một hoàn thiện. Trong khi đó, sự độc đáo của phong thủy thực ra bắt đầu từ những chỗ khó có thể giải trình một cách thuần túy khoa học, tuy nhiên vẫn có hiệu quả và cảm nhận được. Ông nghĩ sao về quan niệm này?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Các kiến trúc sư phương tây có những nguyên lý rất khoa học trong kiến trúc, có những nguyên lý rất sâu sắc về âm thanh, ánh sáng…. Đó là kiến thức cao cấp về kiến trúc và cũng có thể được nói là những ứng dụng của thuật phong thủy nhưng không được trình bày bằng những khái niệm phong thủy. Điều đó được chứng minh qua nhiều công trình kiến trúc của Pháp tại Việt Nam đã qua nhiều thế kỷ theo lối kiến trúc phương tây nhưng vẫn phù hợp với phong thủy phương Đông. Như vậy, nghệ thuật phương Tây- phương Đông có tiếng nói chung về nghệ thuật kiến trúc mặc dù được trình bày theo hệ thống lý luận, lý giải khác nhau. Người Phương Tây khi giải thích về các yếu tố kỹ thuật công trình sẽ dùng những thuật ngữ mang tính khách quan. Còn người  phương Đông có xu hướng giải thích bằng những thuật ngữ mang tính định tính

Nguyễn Hải Nam - Thừa Thiên Huế hỏi: Gia đình tôi gồm 3 thế hệ. Vậy khi sơn tường, cửa, may khăn rèm… tôi bị khó khăn trong việc lựa chọn màu sắc cho phù hợp phong thủy vì nhà tôi có đến 11 người mà mỗi người sinh vào từng năm khác nhau. Xin tiến sĩ hãy cho tôi lời khuyên. 

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh:Màu sắc thường được xét cho tiêu chí về độ tuổi, Vậy với trường hợp của bạn, do quá nhiều thế hệ sinh sống tại cùng một nhà bạn nên phân màu sắc theo không gia từng khu vực. Khu vực dành cho trẻ em thì có màu sắc tươi vui bừng sáng, khu vực cho người lớn thì màu sắc ấm cúng hạnh phúc, khu vực dành cho người già thì màu sắc vừa đủ, không có sặc sỡ tạo sự tĩnh lặng, yên bình nhưng tránh gợi lên sự u ám, bị động. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn cũng có thể thay đổi một phần vào các mùa trong năm bằng cách tạo độ nhấn về sắc thái của màu khi treo 1 tấm rèm cửa.

Trịnh Thị Tú - Cầu Giấy, Hà Nội: Tòa nhà số 300 đường Kim Mã rất to nhưng bao lâu nay vẫn để trống. Xin ông cho biết có phải do phong thủy xấu hay do lời đồn ngôi nhà bị ma ám?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Tòa nhà này lâu nay bỏ trống, trên thực tế cũng gây sự ngạc nhiên và tiếc của nhiều người. Nhưng nếu gán ghép với khái niệm về phong thủy thì cũng chưa rõ ràng. Theo tôi, ở đây sẽ có liên quan đôi phần đến thế giới tâm linh, siêu hình nhiều hơn. Nếu sử dụng thuần túy thuật phong thủ y để giải thích cũng không thấu đáo được.

Lâm An - Hải Phòng: Phong thủy có liên quan đến khái niệm “vong” không ông? Phong thủy xấu có thể là do nhà, công trình, khu vực đó có vong? Ông nghĩ sao thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau. Phong thủy là đại lượng vật lý, còn vong là phạm trù tâm thức con người. Đương nhiên hai lĩnh vực này sẽ không ảnh hưởng tương tác lẫn nhau Từ những hình thái phong thủy sẽ sinh ra những cảm hứng về mặt tâm thức. Do vậy người ta còn có môn: phong thủy âm trạch (đặt mồ mả). Sự liên quan giữa khái niệm thuật phong thủy và khái niệm tâm linh là một mối tương tác đặt biệt cần phải giải mã bằng những thống kê với tần suất đủ lớn và có những giải mã mang tính khoa học khách quan, nhằm tránh tù mù hóa, sẽ gây nên những ứng xử hoang tưởng trong văn hóa tâm linh.

Lê Huy Dương - Bình Dương hỏi: Người bình thường có thể tự xem phong thủy cho mình không nếu tham gia các lớp học căn bản về phong thủy?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Nếu các bạn học nguyên lý cơ bản về kiến trúc, sinh học, cơ học, khí tượng, thủy văn, hiểu luật nhân quả… thì cũng có thể tự xem cho mình trong 1 phạm vi nhỏ liên quan đến cá nhân. Nếu nhờ ai  xem dùm thì cần lưu ý người đó có những kiến thức mà tôi vừa nói hay không, vì nếu vững thuật phong thủy nhưng không có những kiến thức khoa học hỗ trợ thì không hiệu quả, thậm chí sa vào mê tín dị đoan.

KTS - Phạm Thành Chương - Lê Chân , Hải Phòng: Các nhà phong thủy thường coi Thước Lỗ Ban có chiều dài chuẩn xác là 429mmm, theo TS thước Lỗ Ban như vậy có phải là THƯỚC CHUẨN VỀ PHONG THỦY KHÔNG?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Tôi xin trả lời chi tiết như sau: Năm 1889: Hội nghị Đo lường Quốc tế đã quyết định: (trước đó, vào năm 1790, một ủy ban đo lường của Pháp cũng đã đưa ra quy định) lấy một phần mười triệu của đoạn kinh tuyến từ xích đạo qua Paris đến Bắc Cực làm một độ dài chuẩn, gọi là thước mét tiêu chẩn quốc tế. Thước này được làm từ 90% platin và 10% iridi, với mặt cắt hình học của thước có hình chữ X. Thước được cất giữ tại Viện Đo lường Quốc tế ở Paris trong điều kiện chân không.  Tuy nhiên, cần lưu ý rằng độ dài của thước có thể thay đổi nếu nhiệt độ và áp suất thay đổi.

Tháng 10 năm 1960: Hội nghị Đo lường Quốc tế khóa 11 quyết định: "Độ dài một mét bằng 1.650.763,73 lần độ dài bước sóng ánh sáng màu vàng cam của Kprypton-86 phát ra trong chân không".

Ngày 20 tháng 10 năm 1983: Hội nghị Đo lường Quốc tế khóa 17 một lần nữa lại tiến hành định nghĩa lại mét: "Một mét là khoảng cách mà ánh sáng truyền được trong chân không trong khoảng thời gian của 1 / 299 792 458 giây".

Vậy khi nhìn vào các định nghĩa về "mét", ta thấy đơn vị đo này đòi hỏi độ chính xác rất cao, phải được đặt trong điều kiện chuẩn của nhiệt độ, áp suất và loại vật liệu làm thước, thậm chí còn phải lấy bước song ánh sáng trong chân không để làm chuẩn, (vì các đại lượng này khi thay đổi thì đều có thể làm co dãn độ dài của thước). Thế nhưng thời đại xa xưa của Trung Quốc (thời Lỗ BAN) người ta lấy đơn vị chiều dài là thốn, xích, thước, tấc...các đơn vị đo này hoàn toàn không có kích cỡ chuẩn , không có vật liệu chuẩn. Thậm chí mỗi triều đại lại lấy một vật chuẩn khác nhau, mỗi công trình lại cũng lấy một thước riêng để làm chuẩn, thì làm sao THƯỚC LỖ BAN có được độ ổn định và độ chính xác đến từng mmm theo các tiêu chuẩn khắt khe như bây giờ được.
Lại Thị M (Từ Sơn, Bắc Ninh): Thưa TS, ông có phải là thày phong thủy không, xin ông xem cho ngôi nhà của gia đình tôi có phải là "chạm phong thủy không" vì gia đình tôi sống không hòa thuận. Chồng tôi tính khí bảo thủ, cục cằn, chồng tôi thường mắc những quan điểm sai lầm nhưng chẳng bao giờ chấp nhận lời góp ý của tôi, Tôi có người bạn làm thầy phong thủy, anh ấy nói rằng đất nhà tôi bị "âm khí" nên vợ chồng hay bị xích khẩu. Có cách nào cải tạo phong thủy cho ngôi nhà của tôi không?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi đã say sưa nghiên cứu những sách về các môn huyền vi và cũng biết về các môn Phong Thủy, Tử vi đẩu số, Kinh dịch, Âm dương ngũ hành, Thần toán, nhân tướng học vv...và cũng rất hãnh diện khi mọi người gọi mình là Thày Phong Thủy, thầy Tử vi, thậm chí là ... thày bói. Nhưng càng nghiên cứu chiêm nghiệm nhiều bao nhiêu thì thấy mình càng dốt bấy nhiêu, bởi triết học Phương Đông vô cùng kỳ bí, càng nghiên cứu sâu càng nhận ra rằng những hiểu biết trước kia của mình thật ngô nghê, mê muội và khôi hài.
Bây giờ, với các môn huyền vi của triết học Đông Phương kể trên, tôi không dám nhận là "thày", bởi muốn làm thày về các môn ấy thì phải CÓ NHÂN DUYÊN ĐẶC BIỆT.

Tuy nhiên, với sự cố của gia đình bạn, có phải là bị "âm khí" hoặc "Chạm phong thủy" hay không thì tôi chưa dám đoán mò nếu như chưa được khảo sát cụ thể. Nhưng qua khẩu khí" của bạn, tôi linh cảm rằng chưa chắc mảnh đất nhà bạn đã bị "chạm phong thủy", hoặc bị vướng "âm khí" như anh bạn "thày phong thủy" đã phán, mà có thể bạn đã vướng vào "sư tử khí", nên ngã mạn đã nổi lên và "chạm vào lòng tự trọng" của đức lang quân, dẫn đến cơm chẳng lành, canh chẳng ngon.

Bạn đừng có suy nghĩ chồng mình là người "bảo thủ". Biết đâu, thẳm sâu trong "mảnh vườn Tâm" của bạn chưa nể chồng, nên vô tình đã đào vào "long mạch lòng tự trọng của đức lang quân". 
Tôi nghĩ rằng bạn nên sửa lại cách ứng xử của mình, ví dụ như hãy nói với chồng mình rằng "anh đúng rồi, em bị nhầm" thì có thể PHONG sẽ bình, THỦY sẽ lặng, đó chính là cải tạo TÂM PHONG THỦY, bạn thử làm xem sao nhé. Chúc bạn thành công.
Bạn Nguyễn Hoàng - Hà Nội hỏi: Phong thủy là gì? Khái niệm phong thủy xuất phát từ đâu?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: “Phong thủy” là phát âm Hán Việt, bao gồm gió và nước. Nếu chỉ nói phong thủy không thì không chính xác, không liên quan gì đến nội dung Khoa học. Cách gọi này xuất phát chủ yếu từ 2 yếu tố: Phong là gió, thùy là nước. Cách gọi này không đầy đủ, mà phải nói là: THUẬT PHONG THỦY.

Khi ấy, thuật phong thủy mới trở thành một môn khoa học nghiên cứu về sự tương tác của khí động học, tức là môn khoa học nghiên cứu hiệu ứng của sự tương tác của các trường năng lượng đã được tạo nên bởi các yếu tố án ngữ dòng chảy, dòng đối lưu giữa gió và nước ấy. Nếu gió và nước tĩnh lặng thì nó cũng không gây ra các động năng, từ đó không gây ra cả thế năng.

Như vậy, Khoa Phong Thủy là một môn khoa học nghiên cứu về yếu tố địa lý và môi trường tự nhiên với hai thành phần là gió và nước, tạo nên hiệu ứng trong quá trình đối lưu, làm ảnh hưởng đến các công trình và người dùng công trình. Khi đã hiểu biết và điều khiển được qui luật tương tác đối lưu đó nhằm tạo ra hiệu ứng tích cực cho con người gọi là Thuật phong thủy.

Bạn Lê Minh Hợp -  Bắc Ninh hỏi: Tiến sĩ có thể cho biết những nguyên tắc cơ bản của Phong thủy?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Quan trọng nhất trong nghiên cứu và ứng dụng của Thuật phong thủy là nghiên cứu hiệu ứng chuyển từ thế năng sang động năng của dòng đối lưu. Dòng đối lưu này được hiểu: Gió – Nước đều có tính chất đối lưu, mà đối lưu có thể được hiểu rằng: có sự di chuyển từ vùng có áp suất cao xuống vùng có áp suất thấp, tức là thế năng đã chuyển thành động năng. Chính tác động này đã làm sản sinh dòng năng lượng tác động đến môi trường.
Vậy khi nghiên cứu sự chuyển động của gió và nước thì thường nghiên cứu các chướng ngại vật tạo ra các dòng xoáy năng lượng. Người ta hay mô phỏng các dòng xoáy này bằng các đồ hình, gọi là các đường sức, cũng giống như người ta chế tạo ra các tàu thủy thì người ta phải nghiên cứu hình dáng con tàu như thế nào đó để tạo thành dòng xoáy năng lượng phía sau. Chỉ có trong Phong Thủy thì các yếu tố trong tự nhiên: Đất – núi thì đứng yên còn Gió– Nước thì đối lưu qua các vật cản đó. Còn các con tàu đi dưới nước  thì là chuyển động trong môi trường Gió- Nước. Vậy tức là nên hiểu, các con tàu chuyển động tương đối so với môi trường. Còn trong Phong thủy thì Gió – nước chuyển động quanh các vật cản.Hình dáng, kích thước, cách bài trí của quần thể các yếu tố cơ bản tạo nên các thê năng cho dòng đối lưu của gió và nước. Như vậy, thành phẩn cơ bản của nó trong phong thủy: gió, nước, địa hình, địa vật, những qui hoạch của các hình thể đó cho một không gian mà chúng ta nghiên cứ. Không gian này bao gồm từ nhỏ đến lớn : phòng, nhà, dãy phố, quận huyện, quốc gia.

Trịnh Diêm - P.Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa hỏi: Phong thủy có phải chỉ áp dụng cho nhà cửa?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Phong Thủy là môn khoa học nghiên cứu về môi trường sinh sống ảnh hưởng đến con người. Nhà cửa chỉ là một phạm vi nhỏm có thể mở rộng ra thành dãy đất, hang động, địa thế, hoặc mồ mả, nghệ thuật quân sư (bày binh bố trận). Phong thủy còn ảnh hưởng đến điều kiện : khí hậu, hoa màu,…..Vì vậy, phong thủy và thuật phong thủy không chỉ dành cho nhà cửa.
>> Chữa bệnh bằng phương pháp ngoại cảm, cảm xạ học, nhân điện
>>Đoán tính cách và ngũ hành của bạn qua năm sinh
>>Phong thủy giúp Hoa Quốc Phong kế tục Mao Trạch Đông?
>>Những chuyện “trấn yểm” ly kỳ và khó lý giải ở Việt Nam
Nguồn: Thể Thao Việt Nam
>> Xem thêm sự kiện Phong Thủy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số 4 là số luôn mang lại điềm dữ?