Sáng 9.8, Sở Y tế thông tin các trường hợp dương tính với COVID-19 vừa mới được phát hiện trên địa bàn.

Số ca mắc mới tăng từng ngày, Hà Nội chuẩn bị 8.000 giường bệnh điều trị COVID-19

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 09/08/2021, 10:17

Sáng 9.8, Sở Y tế thông tin các trường hợp dương tính với COVID-19 vừa mới được phát hiện trên địa bàn.

Đáng chú ý nhất là có 1 ca phát hiện được khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Trường hợp này là anh T.Q.H, 37 tuổi, trú tại Trương Định, Q.Hai Bà Trưng. Anh H. lên cơn sốt, ho khan, mệt mỏi từ ngày 3.8. Đến ngày 8.8, anh khó thở nhiều, lơ mơ và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ngoài trường hợp trên, 8 người khác đều là F1, liên quan đến ca F0 được phát hiện qua sàng lọc trước đó. Họ có độ tuổi từ 8 đến 68, trú tại các khu vực: Phương Mai (Q.Đống Đa); Trung Hòa (Q.Cầu Giấy); Viên An (H.Ứng Hòa) và Ngọc Lâm (Q.Long Biên).

Khi Hà Nội đang phải đối mặt với các ca bệnh COVID-19 tăng lên từng ngày, thì UBND TP đã chuẩn bị sẵn phương án đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn. Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn đáp ứng 2.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 10.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).

vung-xanh-3.jpg
Các chốt trực trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội tại công văn 2562/UBND-KT ngày 7.8.2021

Trên cơ sở phân loại người bệnh theo mức độ bệnh sẽ phân chia các cơ sở thu dung, điều trị như sau: Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và nhẹ (có các phương án riêng).

Việc điều phối bệnh nhân COVID-19 đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc Hà Nội xuất hiện nhiều ca nhiễm vi rút trong cộng đồng thời gian qua chính là điều đáng lo ngại nhất vì các ca không rõ nguồn lây vẫn xuất hiện liên tục. Tuy nhiên, người khi bị nhiễm COVID-19 nhưng bản thân chưa có biểu hiện rõ rệt thì cần bình tĩnh.

"Người dân sẽ không biết mình bị lây bệnh khi nào nên đầu tiên phải thực hiện đúng các biện pháp 5K, đồng thời cần ăn uống điều độ, tăng cường vitamin bổ sung cho cơ thể. Kể cả khi người bệnh mất vị giác thì cũng cần bình tĩnh để chắc chắn mình có bị lây nhiễm không bởi việc mất vị giác, khứu giác trong COVID-19 cũng rất khác tình trạng nhạt miệng hoặc nhạy cảm với thời tiết khi giao mùa. Với người mắc, mất vị giác, khứu giác là mất hẳn luôn, ăn ớt liên tục cũng không thấy cay, vào nhà vệ sinh bẩn cũng không thấy mùi gì cả. Muốn tự thử, hãy nhắm mắt lại, nếu nhai mà cảm thấy hoàn toàn không biết mình ăn cái gì, thì mới là mất vị giác do COVID-19. Khi người bệnh đi khám, các y bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ lâm sàng, tình hình diễn biến lâm sàng của người bệnh COVID-19 và diễn biến các bệnh lý khác, các cơ sở sẽ có phương án chuyển tuyển phù hợp".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca mắc mới tăng từng ngày, Hà Nội chuẩn bị 8.000 giường bệnh điều trị COVID-19