Để đẩy mạnh đầu tư xây dựng và cải tạo lại hệ thống chợ trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã báo cáo HĐND, UBND thành phố xem xét khoản kinh phí khoảng 100 tỉ đồng/năm thuộc chương trình mục tiêu hàng năm đầu tư xây dựng, cải tạo chợ.
Hiện nay, thành phố đang triển khai đầu tư khoảng 57,045 tỉ đồng xây dựng các chợ: Phúc Lý (quận Bắc Từ Liêm), chợ Văn La (quận Hà Đông), chợ An Phú (huyện Mỹ Đức), chợ Sơn Đông, Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).
Trong khi đó, theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội có 13 chợ đầu mối phải xóa bỏ, di dời, và định hướng phát triển 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng và 4 chợ chuyên doanh, xây mới 183 chợ, nâng cấp 191 chợ.
Theo ý kiến của ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay các chợ đầu mối của Hà Nội hoạt động không hiệu quả, một số chợ còn không được sử dụng trong khi quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ, siêu thị ở Hà Nội đã có khá lâu.
Ông Phú cho rằng các chợ đầu mối có tác dụng rất lớn và các cửa ngõ vào thành phố đương nhiên phải có chợ đầu mối. Có chợ đầu mối sẽ quản lý được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông, các chợ lẻ đến lấy hàng đỡ phải qua khâu trung gian…
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Hà Nội chưa phát triển được hệ thống chợ đầu mối với quy mô đủ lớn để có thể thu hút, tập trung hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về đây. Bên cạnh đó, hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của nhân dân trong khu vực, nhiều chợ hoạt động không hiệu quả.
Hoàng Long