Cùng một mâm cỗ ngày Tết nhưng ở mỗi vùng Bắc – Trung – Nam lại có những quan niệm và cách bài trí món ăn khác nhau.
Tết cổ truyền là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Chính vì thế, mâm cơm ngày tết bao giờ cũng đầy đủ và long trọng. Trong văn hóa người Việt Nam những việc làm trong dịp đầu năm luôn có sự tác động đến kết quả của cả năm đó. Chính vì vậy, mâm cỗ ngày Tết không chỉ thể hiện sự tri ân đến Ông Bà, Tổ tiên mà sự sắp xếp, bày biện đủ món còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới sung túc, ấm no.
Tuy nhiên, trong mâm cỗ Tết ở mỗi vùng miền Việt Nam có sự khác nhau, điều này phụ thuộc vài văn hóa, địa lý của từng vùng miền.
Miền Bắc
Theo truyền thống, mâm cỗ miền Bắc thường cầu kỳ, nếu trong gia đình ít người cũng phải có đủ 8 món đựng trong 4 bát và 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa và 4 phương.
Với gia đình lớn hơn thì mâm cỗ có thể lớn hơn, gồm có 12-16 món cũng được để trong bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa.
Số lượng các món ăn, đựng trong bát, đĩa xác lập nên một mâm cỗ, tức là tất cả món ngày xưa được bày lên một cái mâm tròn (mâm đồng hay mâm gỗ).
Khi số lượng món ăn, thức cúng gia tăng thì đĩa, bát phải được xếp chồng lên nhau nhiều tầng. Lời tục rằng “Mâm cao cỗ đầy” là chỉ việc này.
Về món ăn trong mâm cỗ của miền Bắc thường có gà luộc, xôi gấc, bánh chưng, dưa hành muối, nem (chả giò), giò thủ và thịt đông. Các món ăn này được chọn vì người miền Bắc đón xuân vào thời tiết lạnh. Trong đó, thịt đông là món đặc trưng của mùa đông xuân mà các vùng miền khác thường không có.
Mỗi gia đình thường gia giảm thêm một số món như bóng bì xào thập cẩm, gà luộc, canh măng, miến xào mề gà, nộm xào xu hào...
Nhiều gia đình tươm tất đầy đủ hơn sẽ thêm nhiều món ăn hiện đại hơn.
Với tráng miệng thì người miền Bắc có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho... Những món này cũng được đặt trong những chiếc đĩa và bát nhỏ.
Miền Trung
Mâm cỗ Tết miền Trung, từng địa phương có khác biệt, song đại thể mâm cỗ cúng đất phải là bộ Tam sinh: miến thịt heo, con cua và quả trứng luộc. Cỗ cúng ông bà được coi là “hào soạn” phải gồm đủ các loại thịt các loài ở cả ba cõi: thượng cầm, hạ thú và thủy tộc.
Riêng ở Huế các món ăn cho mâm cỗ cúng thường có tối thiểu 7 món. Người Huế vẫn nấu những món trong cuộc sống hằng ngày. Theo nghệ nhân ẩm thực Huế Mai Thị Trà, không tính gà luộc nguyên con, xôi, chè..., mâm cỗ thường gồm bánh chưng hoặc bánh tét, món hầm, thịt luộc tôm chua, tôm thịt rim, cá chiên, một món xào, dưa món. Bên cạnh đó, chả, nem chua, ram Huế, gỏi... cũng là một số món được ăn vào ngày Tết, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.
Mứt có mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, mứt khoai lang, mứt sen. Điều khác biệt là phần lớn bánh ngọt (trừ bánh tổ, bánh bó, bánh gừng...) đều được sấy khô; được gọi chung là “bánh khô” nên bảo quản rất lâu, có khi hết tháng giêng đầu tháng hai vẫn không hỏng.
Miền Nam
Những món trong ngày Tết ở phương Nam thường có bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt và thịt kho hột vịt. Bởi theo quan niệm của người miền Nam, ăn canh khổ qua để "cái khổ đi qua", xua tan điều không tốt trong năm cũ. Món thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất tròn vuông, năm mới trọn vẹn, đầy đủ. Còn bánh tét thì tương tự như bánh chưng ở miền Bắc, tuy nhiên, bánh tét miền Nam có nhiều loại nhân là đậu xanh và mỡ, có loại nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng vịt muối và nếp.
Ngoài ra, mỗi nhà lại biến tấu thêm các món ăn khác như gà xé phay, tôm khô củ kiệu, chả giò chay – mặn... Bên cạnh đó là các loại mứt trái như mứt dừa, me, gừng, mãng cầu, củ năng, chùm ruột… và hạt dưa.
Một điểm chung trong mâm cỗ tết của 3 miền là luôn có một con gà luộc được trình bày đẹp mắt.