Người dân TP.HCM đang rất quan tâm, hào hứng khi tại vùng đất này vừa có thêm tám văn nghệ sĩ được đặt tên đường. Bởi còn hiếm hoi những văn nghệ sĩ tên tuổi được chọn đặt tên đường tại Việt Nam. Tất cả các văn nghệ sĩ được chọn lần này đều xứng đáng; không ít người trong số họ đã trở thành một huyền thoại gắn với vùng đất Sài Gòn – phương Nam.
Có không ít những tên phố tên đường ở khắp đất nước Việt Nam mà số đông người dân không nhận biết đó là ai. Thật vui khi tám văn nghệ sĩ được chọn đặt tên ở TP.HCM lần này đều là những cái tên ở trong lòng công chúng.
Huyền thoại cải lương Sài Gòn – Nam bộ
Đáng chú ý với người Sài Gòn trong số văn nghệ sĩ được đặt tên đường lần này là hai huyền thoại của cải lương – một bộ môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Phương Nam, một đặc sản văn hóa thị dân lừng lẫy một thời của Sài Gòn: nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và nghệ sĩ cải lương Út Trà Ôn.
|
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga |
Đã có không biết bao nhiêu bài báo, cuốn sách đã viết về cuộc đời, những mối tình, tài năng sân khấu và cả cái chết trẻ đầy bất ngờ của nghệ sĩ Thanh Nga (1942-1978) suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi vợ chồng bà bị bắn chết trên đường phố vào năm 1978. Song, Thanh Nga trở thành huyền thoại của cải lương, luôn được công chúng nhiều thế hệ biết đến, ngưỡng mộ không phải vì những chuyện hậu trường hay chuyện đời tư nhiều tình tiết. Bà được ghi nhớ bởi bà là một cô đào cải lương tài – sắc vẹn toàn hiếm có được tôn xưng là “Nữ hoàng sân khấu”.
Bà sở hữu một vẻ đẹp vừa đài các quý phái, vừa nền nã đằm thắm, làm xiêu lòng bất cứ người nào. Bà có một giọng hát trầm buồn mà ngọt ngào, day dứt rất khó quên và đi kèm một tài năng hóa thân nhân vật sống động ít ai bằng. Người Sài Gòn nhớ mãi bà với những vở diễn Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Sơn nữ Phà Ca… Bởi thế, đám tang bà đã trở thành một sự kiện được nhớ mãi ở Sài Gòn với dòng người đưa tiễn kéo dài dằng dặc hàng mấy cây số. Bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984.
|
NSND Út Trà Ôn |
Cũng như Thanh Nga, nghệ sĩ Út Trà Ôn (1919-2001) đã trở thành một “Ông vua vọng cổ” đối với báo chí và người Sài Gòn – miền Nam từ bao nhiêu năm qua với một giọng ca không thể trộn lẫn. Ông đã trở thành huyền thoại sống mãi với người dân Nam bộ chỉ cần với một bài vọng cổ Tình anh bán chiếu gần như nói đến là ai ai cũng biết. Giọng ca vọng cổ của ông, tài năng sân khấu của ông, đời sống hào hoa phóng khoáng của ông với số catxe lãnh ra có thể sắm bao nhiêu cây vàng, bao nhiêu nhà lầu xe hơi, ông chơi biar giỏi ra sao, cá độ thế nào, là anh kép được săn đón, quyền lực với ông bà bầu ra sao… đã tạc vào những trang sử của một thời cải lương vàng son rực rỡ.
Năm 1997, ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân- đợt 4 và huân chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương.
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Một trường hợp khác là nhạc sĩ cũng đã trở thành huyền thoại bởi sự ngưỡng mộ rộng rãi của công chúng – đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001). Có thể nói không có mấy người người trưởng thành ở các đô thị của Việt Nam lại vô tình hay hữu ý không thuộc được một câu hát, một tên bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi những bài hát, những ca từ của ông nói lên cứ như một cảnh ngộ sống dễ xảy ra trong đời.
Ca từ như một triết lý, một quan điểm sống mà người khác dễ dàng chia sẻ, đồng cảm. Hơn ai hết, người Sài Gòn rất vui và tự hào khi tên ông trở thành tên đường ở thành phố của mình bởi ông đã sống nhiều năm đến cuối đời và thành danh tại TP.HCM. Từ khi ông mất đến nay, cũng chưa bao giờ người Sài Gòn thôi nhớ về ông. Mỗi năm, vào ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều được tưởng niệm bởi một đêm nhạc đại chúng với hàng chục ngàn khán giả.
|
Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền |
Còn với nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền (1941-1997) trong danh sách đặt tên đường lần này, người Sài Gòn hẳn ai cũng thích bài hát Con đường có lá me bay rất đặc trưng Sài Gòn của ông. Với ông, công chúng luôn nhớ mãi những bài hát quen thuộc Mùa chim én bay, Hát mãi khúc quân hành, Giã từ cành phượng vỹ, Tình cờ…
|
Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu |
Rồi nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu (1935-1998) với bài hát Cho con ai cũng thuộc, hay bài tình ca lãng mạn Mùa thu không trở lại, Trường làng tôi…
Những gương mặt văn chương đất Bắc
Có ba văn sĩ đất Bắc lừng danh được chọn đặc tên đường tại TP.HCM ở lần này là Xuân Quỳnh, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi. Họ đã trở thành “người muôn năm” trong lòng công chúng có khi chỉ bằng một câu thơ.
|
Nhà văn Nguyễn Đình Thi |
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924–2003) với câu: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” trong bài thơ bài Đất nước. Còn lại, Nguyễn Đình Thi là một tài năng lớn trong cả ba lĩnh vực văn – thơ – nhạc – kịch. Với văn chương ông có những tiểu thuyết như Vỡ bờ, truyện Xung kích, Mặt trận trên cao…
Với thơ ông có: Đất nước, Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải, Dòng sông xanh… Với kịch, ông có những tác phẩm lớn: Con nai đen, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan…
Với nhạc, chỉ với một bài Người Hà Nội là Nguyễn Đình Thi đã chứng tỏ được tài năng của mình.
Nguyễn Đình Thi từng là Tổng Thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc sau Cách mạng tháng Tám; Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam từ 1958-1989 và là chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
|
Nhà thơ Huy Cận |
Với thi sĩ Huy Cận (1919 – 2005), một gương mặt nổi bật của phong trào Thơ mới – Tự lực Văn đoàn trước 1945, hẳn chẳng phải giới thiệu nhiều về ông, bởi công chúng quá quen thuộc với: “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong. Hôm xưa em đến mắt như lòng…” – Áo trắng; “Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu…” – Ngậm ngùi; “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế! Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường…” – Nhạc sầu; “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Con thuyền xuôi mái nước song song…” – Tràng Giang; “Người ở bên trời ta ở đây. Chờ mong phương nọ ngóng phương nầy. Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm. Vạn lý sầu lên núi tiếp mây…” – Vạn lý tình…
Huy Cận từng giữ nhiều chức vụ cao sau 1945 đến sau 1975 như: Bộ trưởng Bộ Canh nông, thứ trưởng Bộ Văn hóa, ủy viên Ban thanh tra đặc biệt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - năm 1996).
Riêng với nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988), bà cũng đã là một huyền thoại với công chúng về tài năng và cuộc đời. Với thơ, Xuân Quỳnh làm say đắm hằng bao thế hệ độc giả với những bài thơ tình, mượt mà, dịu dàng mà nồng cháy như Sóng, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Tự hát..; hay những bài thơ trẻ con trong veo như: Truyện cổ tích loài người, Truyện hai ông Lưu Nguyễn, Bầu trời trong quả trứng…
|
Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh |
Không chỉ yêu say đắm, cháy hết mình trong thơ, ngoài đời thực, Xuân Quỳnh cũng đã có một mối tình tuyệt đẹp với nhà viết kịch tài ba Lưu quang Vũ. Cái chết vì tai nạn của hai vợ chồng cùng người con gái 13 tuổi vì một tai nạn giao thông năm 1988 khi tài năng của cả hai đang độ tỏa sáng nhất đã mãi mãi đưa tên tuổi hai người vào huyền thoại. Năm 2001, Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Theo Hòa Bình/ PLO