“Nhiều người nhầm tưởng ca sĩ Mộc Lan, nguyên mẫu trong bài hát "Gửi người em gái miền Nam" của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là người Hà Nội. Sự thật bà là người gốc Hải Phòng, theo anh trai vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 13, 14 tuổi và nhanh chóng thành danh nhờ tiếng hát họa mi và nhan sắc rực rỡ”.

Sự thật về người phụ nữ trong bài hát nổi tiếng 'Gửi người em gái miền Nam'

bai cao | 15/10/2016, 19:12

“Nhiều người nhầm tưởng ca sĩ Mộc Lan, nguyên mẫu trong bài hát "Gửi người em gái miền Nam" của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là người Hà Nội. Sự thật bà là người gốc Hải Phòng, theo anh trai vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 13, 14 tuổi và nhanh chóng thành danh nhờ tiếng hát họa mi và nhan sắc rực rỡ”.

Nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho rằng, dù là người thừa hưởng nhiều năng khiếu nghệ thuật từ cha, và là người con gần gũi nhất với ông nhưng những bí mật trong âm nhạc Đoàn Chuẩn vẫn luôn là một ẩn số. Nhiều năm sau ngày nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất, qua bạn bè, đồng nghiệp, nghệ sĩ Đoàn Đính mới hiểu thêm về các sáng tác của cha mình.

Mỗi ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gắn liền với một giai thoại tình yêu thú vị.
Mỗi bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gắn liền với một giai thoại. Và đằng sau giai thoại đó là một bóng hồng trong mối tình riêng của ông. Vốn là người hào hoa, đa tình lại điển trai, giàu có, ông thường được nhiều người đẹp đáp lại tình yêu. Nhưng cũng có những mối tình rơi vào vô vọng. Và càng vô vọng thì dường như âm nhạc càng trở nên da diết, nhớ thương.

Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, lần tìm lại những giai nhân cũ trong âm nhạc của Đoàn Chuẩn là điều mà nhiều người viết muốn kiếm tìm. Khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất đi, nghệ sĩ Đoàn Đính là người lưu giữ và thu thập nhiều nhất các tài liệu về cha mình. Theo ông, có một bóng hồng nổi tiếng, là nguyên mẫu trong bài hát “Gửi người em gái miền Nam”, hiện nay vẫn còn sinh sống tại Sài Gòn. Người đàn bà đẹp này từng là một ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Mộc Lan. Những năm 1950, Mộc Lan là cái tên được giới trẻ lúc bấy giờ săn đón, thần tượng, không chỉ bởi giọng hát họa mi ngọt ngào mà còn bởi vẻ đẹp đài các, rực rỡ.

Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, có nhiều nhầm lẫn cho rằng Mộc Lan là người Hà Nội. Sự thực bà là người gốc Hải Phòng, tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, trong một gia đình đông anh em. Bố cô gái làm nghề hỏa xa nhưng mất rất sớm khi cô chưa đầy 1 tuổi. Năm 13, 14 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô theo anh trai vào Sài Gòn lập nghiệp. Vốn có giọng hát trời phú và ngoại hình xinh đẹp, cô bé Ngà sớm được phát hiện và nhanh chóng trở thành một ca sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ. Và để xướng tên cô trong những chương trình ca nhạc, nhạc sĩ Lê Thương đã đặt nghệ danh cho cô là Mộc Lan. Những năm 1950, Mộc Lan là cái tên quen thuộc của đài Pháp Á, Sài Gòn với ca khúc Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp do Trần Văn Khê phổ nhạc).

Nhan sắc rực rỡ của ca sĩ Mộc Lan khi còn trẻ

Tiết lộ về giai thoại Mộc Lan - Đoàn Chuẩn, nghệ sĩ Đoàn Đính cho biết, kỳ thực đây là một mối tình say đắm nhưng vô vọng mà cha ông dành cho người con gái đẹp ấy. Khi Đoàn Chuẩn đem lòng yêu Mộc Lan, nữ ca sĩ đã có chồng, và chồng cô cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cuộc gặp gỡ giữa tác giả “Gửi người em gái miền Nam” và nữ ca sĩ này diễn ra một cách tình cờ ở nhà Hát Lớn, trong một chương trình có sự tham gia của người đẹp và nhạc sĩ đến xem. Lần ấy Mộc Lan cũng thể hiện ca khúcEm đi chùa Hương.

Ngỡ ngàng trước nhan sắc và tài năng của của cô gái, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã đem lòng thương nhớ. Cuộc gặp gỡ diễn ra ngắn ngủi vì nữ ca sĩ chỉ lưu lại Hà Nội một ngày, sau đó cô phải về Hải Phòng thăm gia đình rồi lại vào Sài Gòn. Những năm chiến tranh, phương tiện giao thông còn bị hạn chế, cho nên những cuộc gặp gỡ, hẹn hò càng trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với bản tính “công tử”, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn quyết tâm chinh phục người đẹp. Không lâu sau khi Mộc Lan vào Sài Gòn, Đoàn "công tử" đã đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua bạn bè, chàng mới biết rằng nàng đã có chồng, và chồng nàng cũng là một tài tử, nghệ sĩ nổi danh (chính là nhạc sĩ Châu Kỳ). Tiếc nuối với mối tình vô vọng, nhưng với bản tính thích chơi ngông, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã thuê một tiệm hoa lớn ở Sài Gòn để mỗi sáng thức dậy, người đẹp đều nhận được một bó hoa hồng thơm ngát. Tuy vậy, danh tính người tặng được giấu kín. Mộc Lan dù lúc đó đã là ca sĩ nổi danh nhưng chuyện được tặng hoa vào mỗi buổi sáng trong suốt nhiều tháng trời như thế chưa từng xảy ra. Người đẹp vô cùng xúc động lẫn tò mò về kẻ si tình bí ẩn. Nàng biên một lá thư cảm ơn, với những lời lẽ ẩn ý nhờ ông chủ tiệm hoa chuyển tới tay người tặng. Khi biết “kẻ tình si bí ẩn” chính là Đoàn "công tử", Mộc Lan đã vô cùng bất ngờ và xúc động.

Rồi một ngày, cùng với đóa hồng xinh, người đẹp còn nhận được một cánh thư từ phương Bắc, trong đó có bài hát với tựa đề được viết nắn nót dòng chữ “Gửi người em gái miền Nam”. Để tỏ lòng trân trọng người đẹp, vị nhạc sĩ tài hoa đã kẻ khuông nhạc bằng tay rất cẩn thận trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang.

Nghệ sĩ Đoàn Đính cho rằng, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn luôn giữ những bí mật trong đời tư và âm nhạc của mình với vợ và con cái nhưng lại tiết lộ nhiều với bạn bè, trong đó có Từ Linh, người sinh thời vẫn được xem là tri kỷ của ông hoàng nhạc tình. Sau này, khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất đi, Đoành Đính đã thu thập nhiều tài liệu về cha và lưu giữ như những kỷ niệm đáng trân trọng trong cuộc đời vị nhạc sĩ hào hoa.

Dù không may mắn nổi tiếng, tài năng cũng không nổi bật như bậc sinh thành nhưng nghệ sĩ Đoàn Đính cũng thừa hưởng từ cha tâm hồn và bản tính nghệ sĩ. Vì thế ông hiểu hơn ai hết những cảm xúc trong âm nhạc của Đoàn Chuẩn, kể cả chuyện tình yêu của “ông hoàng Slow”. Sự rung động mãnh liệt trước cái đẹp, sự nhạy cảm hay nỗi cô đơn thường trực của người nghệ sĩ đã khiến giai điệu, ca từ trong âm nhạc Đoàn Chuẩn càng trở nên da diết, tình tứ.

Nghệ sĩ Đoàn Đính trong một đêm nhạc về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông là một nghệ sĩ Guitar Hawai nổi tiếng.

Ca khúcGửi người em gái miền Namđược ông hoàng nhạc tình viết khi nhận ra mối tình với ca sĩ Mộc Lan đang trở nên vô vọng. Bên cạnh niềm tiếc nuối còn là nỗi đau xót vì sự xa cách không ngày hẹn. “Sau ngày vào Sài Gòn và bẽ bàng nhận tin nàng đã có chồng rồi quay ra Hà Nội, cha tôi vẫn mong đến ngày thống nhất để quay lại tìm Mộc Lan. Nhưng chờ mãi vẫn chưa đến ngày đó. Càng nhớ nhung, ông càng rơi vào vô vọng. Trong nỗi niềm ấy ông viết nhạc gửi người tình. NgoàiGửi người em gái miền Nam, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết thêm nhiều ca khúc nữa dành tặng Mộc Lan trong đó có bàiGửi gió cho mây ngàn bay", nghệ sĩ Đoàn Đính tiết lộ.

Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, sau này, những xa cách của địa lý, thời gian và tuổi tác, họ không có cơ hội gặp lại nhau. Nghe nói người đẹp sau này cũng gặp nhiều trắc trở trong tình duyên. Theo chia sẻ của một người bạn vong niên, ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng một thời, hiện vẫn sinh sống tại Sài Gòn.

Theo Đào Bích/ Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thật về người phụ nữ trong bài hát nổi tiếng 'Gửi người em gái miền Nam'