Đó là một trong những yêu cầu của Thông tư 31/2019/TT-BYT “Quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường” vừa được Bộ Y tế ban hành. Thông tư 31 này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20.1.2020.
Hôm nay (5.12), Bộ Y tế đã chính thức ban Thông tư 31/2019/TT-BYT “Quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường”.Thông tư này, có 3 chương với 9 điều. Theo đó, thông tư quy định sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường phải được cơ sở sản xuất, kinh doanh công bố sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường; đồng thời thực hiện việc ghi nhãn theo quy định.
Đặc biệt, trong Thông tư 31, Bộ Y tế yêu cầu các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng cụ thể mà Bộ này quy định. Nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa trong Chương trình sữa học đường phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư 29 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho biết, các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường mà các địa phương đã đấu thầu (tính từ thời điểm mở thầu) cung cấp cho các trường mẫu giáo, trường tiểu học trước ngày thông tư này có hiệu lực thì vẫn được sử dụng cho đến hết số lượng theo hợp đồng đã ký kết.
Nhãn sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường đã sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trước ngày Thông tư 31 có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng nhãn cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa tươi trong Chương trình sữa học đường phải kê khai số lượng nhãn và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày Thông tư này có hiệu lực. Thông tư 31/ 2019/TT-BYT sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20.1.2020
Hồ Quang