Ngày 23.9.2016, một cô giáo đang dạy luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge tại nhà thì bị buộc phải hủy lớp dạy, làm kiểm điểm, nhận kỷ luật, trả lại học phí cho học sinh. Vụ việc được phổ biến cho các giáo viên khác trong Trường tiểu học Bành Văn Trân để làm gương.

Suy nghĩ từ một vụ kỷ luật trong môi trường giáo dục

29/09/2016, 14:00

Ngày 23.9.2016, một cô giáo đang dạy luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge tại nhà thì bị buộc phải hủy lớp dạy, làm kiểm điểm, nhận kỷ luật, trả lại học phí cho học sinh. Vụ việc được phổ biến cho các giáo viên khác trong Trường tiểu học Bành Văn Trân để làm gương.

Ảnh minh họa.

Tôi bần thần mỗi khi nghĩ tới hoàn cảnh của cô giáo nhận kỷ luật, hoàn cảnh cô giáo từ nay mỗi khi tới trường gặp các giáo viên đồng nghiệp, gặp học trò… Khó mà diễn tả được rõ rệt tâm trạng này của tôi, chỉ xin chia sẻ chút thắc mắc và tâm tình…

1) Về việc vi phạm. Xin được hỏi kỹ, việc cô giáo tổ chức dạy thêm một môn học không phải là môn học trường đang dạy, thì việc đó có vi phạm lệnh cấm hay không?

Nếu tôi biết nghề làm bánh kem, nghề hớt tóc, tôi truyền nghề cho các bạn trẻ muốn học để có nghề mưu sinh, tôi lấy chút học phí với sự đồng ý của học viên, vậy việc tôi làm có vi phạm luật pháp không?

Nếu không vi phạm thì có nghĩa là tôi có quyền làm. Vậy tại sao cô giáo không có quyền làm?

Lệnh cấm dạy thêm, theo một logic nào đó, có thể hiểu được nếu nội dung việc dạy thêm trùng lắp với chương trình chính khóa. Lúc đó việc dạy thêm của thầy cô có thể xem là vi phạm 2 nguyên tắc: nguyên tắc xung đột lợi ích (thay vì dạy hết lòng trong trường lại đem về nhà dạy vì lợi ích riêng), và nguyên tắc nhũng lạm quyền hành do vị trí (ép học trò học thêm môn học mà mình có quyền nhận xét và cho điểm môn học đó).

Tuy nhiên, cô giáo đang dạy luyện thi chứng chỉ Cambridge cho học sinh. Việc luyện thi này có trùng với chương trình chính khóa không?

2) Giả sử cô giáo vi phạm lệnh cấm thì cách hành xử như vậy có nên không? Các công ty đa quốc gia phương Tây có thông lệ (normal practices) cư xử khi một nhân viên dưới quyền vi phạm nội quy:

A) Trước hết là phải bảo đảm rằng đã thông báo và giải thích kỹ càng nội quy tới từng nhân viên. Nhân viên mới tuyển dụng sau khi nội quy đã ban hành thì cũng được giới thiệu cặn kẽ nội quy đó.

B) Khi có nhân viên vi phạm, mời nhân viên đó vào phòng riêng, người cấp trên sẽ thảo luận và phân tích tính chất cùng độ lớn của thiệt hại do vi phạm gây ra. Nếu nhân viên vẫn còn tiếp tục làm việc, thì nhân viên sẽ ký một cam kết không tái phạm. Nếu sự vi phạm trầm trọng tới mức nhân viên phải nghỉ việc, thì sự thôi việc cũng được thu xếp êm thắm để người ra đi không bị mất thể diện. Nói chung là sự việc được giữ riêng giữa nhân viên đó, cấp trên trực tiếp và người trách nhiệm nhân sự.

Cách hành xử như vậy không có tính giấu diếm, lén lút vì lợi riêng cá nhân nào, mà vì tinh thần tôn trọng con người với nhau. Tôn trọng con người là một giá trị lớn trong xã hội văn minh hiện nay.

3) Sự việc đã xảy ra không chỉ làm tổn thương một cá nhân. Làm tổn thương một cá nhân đã là không nên và đáng tiếc, bởi vì nó gieo rắc tinh thần thiếu tôn trọng nhau giữa những cá nhân trong cộng đồng. Đáng tiếc hơn nữa là sự việc đã gieo rắc hình ảnh và thói hành xử xúc phạm tới tinh thần và tình cảm truyền thống Thầy-Trò của người Việt.

Xuất thân từ ngành giáo dục, tôi đã từng chứng kiến những người Thầy, Cô, khi học trò mang biếu món quà lớn, đã phân lẻ ra và chỉ nhận một phần tượng trưng thật nhỏ: “Thầy nhận bao nhiêu đây là nhận tấm lòng của em rồi. Em cho Thầy gởi em phần còn lại. Thầy có lương nhà giáo. Sau này già yếu về hưu, em có biếu thì Thầy xin nhận”.

Từng chứng kiến những Thầy, Cô dành một phần lương mỗi tháng để: “Em phải nhận của Thầy cho. Nhà em nghèo, ba má già, em phải học để nhà em thoát kiếp nghèo, để hướng dẫn các em của em đi lên như em và phụng dưỡng ba má em”. Người học trò quỳ trước mặt người Thầy với tất cả tấm lòng tuôn thành nước mắt…

Thầy đó, Trò đó, hình ảnh Thầy-Trò đẹp biết bao nhiêu. Tôi có thể nói những hình ảnh đó không là cá biệt trong lòng xã hội Việt Nam cách đây trên bốn mươi năm. Cả ngoài đô thị lẫn trong chiến khu. Xúc động biết bao cảnh sau hòa bình, những người từ chiến khu trở về thành phố, tóc bạc, tìm thăm các thầy cũ trong rưng rưng tình Thầy-Trò…

Những năm gần đây hình ảnh và tâm tình Thầy-Trò bị suy thoái nặng nề. Sự kiện được thông báo rộng rãi của “một giáo viên của Trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) bị khiển trách do tổ chức dạy, học thêm” có góp phần làm xấu thêm hình ảnh và tâm tình Thầy-Trò vốn đã không còn đẹp như xưa? Đau lòng hơn, vụ việc xảy ra lại bắt đầu từ “phản ánh của phụ huynh”! Còn đâu truyền thống xa xưa cha mẹ đội gạo, đội nếp tới xin Thầy nhận nuôi dạy con mình? Còn đâu hình ảnh tương kính và thân tình giữa cha mẹ với Thầy Cô!

Bài viết này không nhằm thảo luận việc nên hay không nên cấm dạy thêm. Giáo dục là một lãnh vực rất tế nhị vì có truyền thống lâu dài, có độ bao phủ rộng khắp và gốc rễ bền chặt trong tâm tình dân tộc nên một chính sách về giáo dục cần được cân nhắc nhiều mặt. Ngay cả khi cấm dạy thêm thì cũng xin nhớ rằng việc dạy thêm đã là nếp dạy và học cả mấy mươi năm nay rồi. Xã hội đã tạo ra những con người cụ thể, khi xã hội muốn thay đổi một nếp sống, xin nhớ tới thân phận của những người đã được chính xã hội tạo ra mà tránh những phương cách hành xử xúc phạm tới con người. Thông báo cấm dạy thêm ký ngày 26.8.2016, chưa tới một tháng sau, ngày 23.9.2016 thì sự việc xảy ra! Như vậy là có gấp quá không? Có khắc nghiệt quá không? Bài này không trả lời các câu hỏi đó, chỉ xin nói lên suy nghĩ, nỗi lòng của một người quan sát hình ảnh Thầy-Trò trong môi trường giáo dục hiện nay…

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy nghĩ từ một vụ kỷ luật trong môi trường giáo dục