Tưởng tượng khả năng xảy ra một tình huống khẩn cấp vào một thời điểm nào đó trong tương lai là một khái niệm rất trừu tượng mà tâm trí chúng ta khó nắm bắt được.
Điều này sẽ đặc biệt khó hơn nếu bạn chưa bao giờ trải qua tình huống khẩn cấp mà bạn phải sống bằng tiền tiết kiệm trong một khoảng thời gian. Rất may, thế giới đã trải qua đại dịch COVID-19. Không cần phải nói, trải nghiệm này đã biến cái trừu tượng thành cái cụ thể cho toàn thế giới.
Khi xem xét những hoàn cảnh có thể hủy hoại khả năng trì hoãn sự thỏa mãn của bản thân, chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều không thể lựa chọn xuất thân của mình. Nhưng hãy nhớ rằng nắm giữ quyền lực của bản thân là một hành động nhỏ, căn bản và hoàn toàn nằm trong vòng tròn kiểm soát của bạn. Bên cạnh đó, bạn còn có thể thực hiện nhiều việc khác thuộc vòng tròn kiểm soát của mình như thường xuyên thực hành trì hoãn sự thỏa mãn, chấp nhận sự bất công của cuộc sống như một món quà giúp bạn trở nên kiên cường hơn, tận dụng lợi ích của công nghệ để bù đắp cho mặt trái của nó và lên kế hoạch tiết kiệm bất kể hoàn cảnh bạn phải đối mặt là gì. Vì đã biết điều gì có thể ngăn chúng ta tiết kiệm, nên bây giờ hãy cùng xem xét làm thế nào chúng ta có thể lập kế hoạch tiết kiệm.
Mức tiền tiết kiệm nào sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn?
Trước khi có COVID-19, định nghĩa mang tính lý thuyết về quỹ khẩn cấp là khoản tiền để trang trải các chi phí cố định hoặc thiết yếu trong từ ba đến chín tháng. Từ khi có đại dịch, rất nhiều chuyên gia tài chính đã sửa đổi lời khuyên của họ và khuyến nghị chúng ta nên tiết kiệm một năm chi phí cố định và thiết yếu.
Bạn có thể thắc mắc vì sao lời khuyên được đưa ra là chỉ tiết kiệm cho những thứ thiết yếu. Đó là vì nó dựa trên giả định rằng trong trường hợp khẩn cấp thật sự, bạn sẽ có thể cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu. Tuy nhiên, nếu muốn quỹ khẩn cấp của mình có bao gồm cả chi phí cho Giải trí & Hưởng thụ, bạn vẫn hoàn toàn làm được. Tiết kiệm từ ba đến chín tháng chi phí thiết yếu chỉ là điểm khởi đầu.
Một người bạn kể với tôi rằng cô và chồng của cô đã tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp một khoản tiền bằng với một năm chi tiêu, và cô ấy muốn biết liệu tôi có nghĩ như vậy là đủ không. Tôi nói với cô ấy rằng một năm là tương đối nhiều; thậm chí vào thời điểm cô ấy hỏi tôi, một số chuyên gia tài chính còn có chung nhận định rằng một năm có thể là quá nhiều. Bạn tôi nói bất cứ số tiền nào ít hơn đều sẽ khiến cô cảm thấy vô cùng lo lắng; nó sẽ khiến cô mất ngủ vào ban đêm. Song, tôi cũng đã gặp những người cảm thấy an tâm với khoản tiền tiết kiệm tương đương ba tháng chi phí thiết yếu; họ cảm thấy thoải mái với mức rủi ro đó.
Tôi không thể nói cho bạn biết mức tiền tiết kiệm nào sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm. Tôi chỉ có thể chia sẻ với bạn những gì các nhà hoạch định và chuyên gia tài chính thường khuyên, cũng như lý do vì sao họ khuyên như vậy. Suy cho cùng, chỉ có bạn mới xác định được mức độ rủi ro mà bạn cảm thấy mình có thể chịu đựng.
Hãy xem xét ví dụ sau. Jamie là một thợ mộc đang kiếm được 50.000 đô-la một năm sau thuế và chi khoảng 2.000 đô-la mỗi tháng cho các chi phí Hóa đơn và Cuộc sống. Với những con số này, Jamie sẽ cần tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp ít nhất là 6.000 đô-la (ba tháng chi phí Hóa đơn & Cuộc sống) hay nhiều nhất là 24.000 đô-la (mười hai tháng).
Có thể một số Jamie trên thế giới này đã có sẵn 6.000 đô-la hay 24.000 đô-la trong tài khoản thanh toán của họ. Một số Jamie có thể đã tiết kiệm được gần 24.000 đô-la mà không cần cố gắng. Những Jamie này có thể sẽ tìm thấy nhiều niềm vui khi theo đuổi những thứ không tốn kém. Họ có thể đã may mắn được thừa kế 50.000 đô-la từ công việc kinh doanh nhỏ của cha mẹ họ. Họ có thể đã bắt đầu có thói quen tiết kiệm từ rất sớm. Hoặc họ có thể đã được hưởng lợi từ cả ba điều vừa nêu. Và vì vậy, họ không phải tốn nhiều công sức cho việc dành dụm tiền hằng tháng.
Nhưng đối với một số Jamie khác trên thế giới, việc tiết kiệm từ 6.000 đô-la đến 24.000 đô-la là điều bất khả thi vì một số lý do. Những Jamie này có thể đã bị chẩn đoán mắc một căn bệnh mãn tính, nó không chỉ khiến họ không thể làm việc toàn thời gian mà còn phải điều trị tốn kém. Họ có thể đang có khoản vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng. Họ có thể có con nhỏ và cha mẹ già cần sự hỗ trợ tài chính từ họ. Và vì vậy, ý nghĩ phải tiết kiệm hàng ngàn hay thậm chí là hàng chục ngàn đô-la trong khi xoay xở với tất cả những khó khăn kia có thể khiến họ cảm thấy choáng ngợp. Nếu bạn là một trong những Jamie đó, đừng hoảng sợ. Và cũng đừng quá tập trung vào con số lớn. Bạn cần biết con số đó vì nó sẽ giúp bạn định hướng, nhưng bản chất của việc tiết kiệm vốn là những nỗ lực nhỏ và nhất quán được tích lũy theo thời gian, vậy nên hãy tập trung vào những cái nhỏ đó.
Hãy bắt đầu ngay và tiết kiệm nhiều nhất có thể
Đây là điều quan trọng nhất bạn cần làm: bắt đầu ngay lập tức với những gì bạn đang có. Hãy tiết kiệm ngay bây giờ. Thói quen mới là điều quan trọng. Một khi đã hình thành thói quen tiết kiệm, bạn có thể tăng số tiền tiết kiệm, nhưng đừng lo lắng quá nhiều về điều đó vào lúc này. Khi bạn cố gắng thay đổi quá nhiều, quá quyết liệt, nguy cơ bạn bị thất vọng hoặc có cảm giác như mình đã thất bại sẽ cao hơn.
Khi bạn bắt đầu từ những bước nhỏ, mức độ tiến độ của bạn cũng nhỏ; nhưng khi bạn bắt đầu thấy số dư trong khoản tiết kiệm của mình tăng từ hàng chục lên hàng trăm đô-la, cảm giác đã thực hiện đúng cam kết với bản thân sẽ giúp bạn củng cố các quyết định và thói quen tiết kiệm của mình. Bạn thậm chí sẽ có động lực tìm hiểu những cách khác nhau để tăng khoản tiết kiệm của mình. Tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ gặp phải trường hợp khẩn cấp về tài chính đầu tiên, và tiền sẽ có sẵn ở đó để bạn sử dụng. Khi đối mặt với những tình huống khẩn cấp như vậy, bạn sẽ thấy rõ những điều nhỏ bé thật sự quan trọng đến thế nào, cả về khía cạnh tiền bạc lẫn cuộc sống.
Điều hợp lý với người này có khi sẽ vô lý với người khác. Đối với những người đang có sự nghiệp ổn định, kiếm được mức thu nhập cao và sống ở nơi có chi phí sinh hoạt thấp, việc tiết kiệm 50% thu nhập có thể sẽ không có gì vô lý. Nhưng đối với những người mới bắt đầu gây dựng sự nghiệp, kiếm được mức lương thấp vì mới vào nghề và sống ở một thành phố đắt đỏ, việc tiết kiệm 50% thu nhập đơn giản là bất khả thi.
Khi bạn lập kế hoạch chi tiêu, tôi đề xuất là bạn nên đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 10% số tiền mình kiếm được. Hiện tôi không thấy số tiền đó vô lý, nhưng trước đây tôi từng thấy nó rất vô lý. Khi đó dù không thể tiết kiệm được 10%, nhưng tôi vẫn cố gắng tiết kiệm nhiều hết mức có thể, và ban đầu việc đó đã khiến tôi gặp không ít khó khăn. Nếu hiện tại bạn không thể tiết kiệm nhiều như vậy, hãy bắt đầu tùy theo khả năng của bạn. Bạn chỉ cần hiểu rằng đối với một số trường hợp, dù bắt đầu từ số tiền nào đi chăng nữa thì bạn cũng có thể thấy vô cùng khổ sổ với việc tiết kiệm, nhưng sự hối tiếc và hậu quả của việc không tiết kiệm có thể còn khiến bạn khổ sở hơn nhiều.
Kỳ tới: Tiết kiệm bao nhiêu là vừa?