Ít ai nhớ đến Vương Vỹ - phi công thiệt mạng 18 năm về trước khi chiến đấu cơ do ông điều khiển va chạm với một máy bay do thám của Mỹ trong không phận gần đảo Hải Nam. Tuy nhiên vụ việc ấy đã khiến Trung Quốc đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa quân đội.
Ngày 1.4.2001, hai chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận máy bay do thám EP-3E xuất hiện gần Hải Nam. Chiếc J-8II của phi công Vương đâm vào máy bay Mỹ. Vì không thoát hiểm kịp thời nên ông ta thiệt mạng.
Một số nhà phân tích nhận định vụ va chạm không bị đánh giá thấp. Theo chuyên gia Chu Thần Minh: “Cái chết của ông ấy là tai nạn tạo ra nhiều thay đổi. Những gì xảy ra 18 năm trước thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, đặc biệt trong công tác phát triển máy bay cho không quân lẫn hải quân”.
Giới lãnh đạo quân đội cấp cao quyết định nâng cấp máy bay dùng cho hải quân, thay toàn bộ J-8 bằng hai loại tiêm kích J-10, J-11 thế hệ thứ 4 cùng với máy bay ném bom JH-7. Bên cạnh chế tạo mẫu mới thì họ còn đầu tư cải thiện các tính năng trên máy bay như thoát hiểm khẩn cấp.
“Kể từ đó, hải quân Trung Quốc thiết lập hệ thống tuần tra toàn diện tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Tiêm kích J-11 giữ vai trò then chốt trong những cuộc đối đầu với chiến đấu cơ nước ngoài”, chuyên gia Chu cho biết.
Cường quốc châu Á này vào năm 2007 bắt đầu phát triển tiêm kích tàng hình đầu tiên J-20, được xem là đối thủ của F-22 và F-35 Mỹ. Đến năm 2017, J-20 chính thức vào biên chế.
Cũng vì từng xảy ra tai nạn mà hải quân nhận nhiều nguồn lực, được ưu tiên hơn lục quân.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt đánh giá vì đi theo chiến lược chú trọng phòng thủ trên bờ nên Trung Quốc không có kinh nghiệm xử lý chuyên nghiệp và khéo léo tình huống xảy ra năm 2001. Vụ việc đã khiến quân đội nước này tập trung hơn vào phòng thủ ngoài khơi.
“Tai nạn dạy cho Trung Quốc một bài học: Quốc gia mạnh không thể chỉ dựa trên nền kinh tế mạnh mà phải có quân đội mạnh. Đây gọi là sức mạnh toàn diện”, theo chuyên gia Lý.
Va chạm 18 năm trước gây ra căng thẳng ngoại giao kéo dài. Mỗi bên đều đổ lỗi cho nhau.
Chính quyền Bắc Kinh vài năm gần đây cáo buộc Mỹ cử tàu và máy bay trinh sát vùng Hải Nam. Phía Washington tuyên bố họ chỉ đang làm nhiệm vụ thể hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Chuyên gia Lý cảnh báo nếu vụ việc năm 2001 lặp lại thì hậu quả sẽ khác, quân đội Trung Quốc lúc này sở hữu máy bay tân tiến cùng hệ thống xử lý khủng hoảng đầy đủ.
Khi đối đầu giữa hai cường quốc gia tăng, đụng độ quân sự cũng xảy ra nhiều. Năm 2017, chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc từng tiếp cận rất gần máy bay Mỹ - chỉ cách 45m - trên biển Hoa Đông.
Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình làm việc cho đài Phượng Hoàng (Trung Quốc) tin rằng sự cố như năm 2001 khó tái diễn mặc dù Mỹ chắc chắn không dừng hoạt động thể hiện tự do hàng hải, vì binh sĩ Trung Quốc đã được chuẩn bị tốt hơn.
Cẩm Bình (theo SCMP)