Mùa thi mới cận kề, nhưng sự than vãn của không ít trường ĐH ngoài công lập vẫn "âm vang mãi" vì thiếu nguồn tuyển. Bộ GD-ĐT thì khăng khăng nguồn tuyển dư thừa. Thực tế lại không diễn ra như mong đợi, có đến hàng trăm trường không tuyển đủ chỉ tiêu mùa tuyển sinh 2012.

Tại sao đại học tư luôn đói?

Một Thế Giới | 20/01/2014, 07:07

Mùa thi mới cận kề, nhưng sự than vãn của không ít trường ĐH ngoài công lập vẫn "âm vang mãi" vì thiếu nguồn tuyển. Bộ GD-ĐT thì khăng khăng nguồn tuyển dư thừa. Thực tế lại không diễn ra như mong đợi, có đến hàng trăm trường không tuyển đủ chỉ tiêu mùa tuyển sinh 2012.

Nghịch lí ai cũng hiểu nhà trường không tuyển sinh được thì đồng nghĩa với đóng cửa trường và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Bài viết của chúng tôi muốn phân tích kỹ hơn về những nguyên nhân khó khăn trong tuyển sinh của các trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL), hy vọng các trường tìm được đúng thuốc mà không phải chỉ bằng việc "tranh đấu" tự chủ tuyển sinh.

Lỗi từ chính sách

Chính cơ chế tuyển sinh theo Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT đã tự nhiên tạo ra sự ưu đãi đối với các trường công lập do chỉ tuyển sinh tính toán dựa theo 2 tiêu chí là diện tích sở hữu/sinh viên và giảng viên cơ hữu/sinh viên.

Thông tư 57 có hiệu lực, các trường NCL đối mặt với khó khăn trong tuyển sinh ngay. Nếu so sánh chỉ tiêu tuyển sinh do các trường công lập đăng ký qua các năm dễ dàng thấy rằng quy mô trường công lập có sự gia tăng đột biến (Ví dụ: Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm 2011 là 5.000; năm 2012 tăng lên 7.000 và năm 2013 tuyển mới 8.000).

Trường ĐH công vốn có lợi thế về diện tích đất đai, biên chế giảng viên, vốn, có tên tuổi từ lâu, có mức học phí thấp, lợi thế về địa lý, ngành đào tạo...nên đã làm cho những trường này càng có ưu thế so với trường ĐH NCL. Thêm vào đó, mấy năm qua nhiều địa phương lại không muốn tuyển người tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học, nhiều trường ĐH công hạn chế tuyển hoặc dừng tuyển hệ này và để chuyển sang tạo hệ chính quy đã làm cho quy mô đào tạo chính quy ở các trường ĐH công tăng lên.

Câu hỏi tại sao các trường ĐH công lập thay đổi "nồi cơm tại chức" sang cái "nồi cơm chính quy" to hơn, không nằm ngoài lý do của cơ chế tài chính hết sức lạc hậu của giáo dục ĐH.

Nguồn tuyển đang cạn dần

Nguyên nhân mà ít người biết đến đó là nguồn tuyển học sinh tốt nghiệp THPT đang có nguy cơ cạn dần do số học sinh bỏ học và không vào học THPT khá lớn.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi năm có đến trên dưới 300.000 học sinh không vào học trong các trường THPT. Trong số đó, học sinh bỏ học ở THCS lên đến trên 200.000 em và số đó hầu như sẽ không có để vào trường ĐH. Vài năm trở lại đây nguồn "cạn kiệt" dẫn đến sự cạnh tranh nguồn tuyển càng gay gắt.

Việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH thiếu khoa học, đôi khi duy ý chí chủ yếu tính toán đến sự phân bố các trường theo vị trí địa lý mà không tính đến các ngành nghề, quy mô đào tạo theo ngành đào tạo trong các cơ sở đó. Điều này dẫn đến sự "khủng hoảng" thừa cung dịch vụ GD ĐH trong cùng một vùng nào đó.

Sự cạnh tranh giữa trường công và trường tư càng gay gắt nếu các trường này đào tạo những ngành giống nhau. Việc để cho nhiều trường ĐH trên một địa bàn đào tạo những ngành nghề giống nhau cho thấy tư duy quy hoạch có vấn đề cũng như năng lực quản lý hệ thống quá yếu kém của ngành giáo dục.

Nguy cơ

Ý kiến giải thích việc khó khăn tuyển sinh của các trường ĐH NCL chủ yếu do việc Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn tuyển sinh cao (ĐH 13 điểm), ít người giải thích nguyên nhân không tuyển được thí sinh do nhiều hạn chế của các trường ĐH NCL.

Điều dễ thấy là hầu hết các trường ĐH NCL mở những ngành đào tạo ít phải đầu tư vốn ban đầu lớn như những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Hầu hết các trường chỉ chú trọng khâu marketing đầu vào, cố gắng tuyển sinh đầu vào bằng nhiều cách mà lại thiếu đi sự quan tâm đến chất lượng dạy và học sinh viên trong quá trình đào tạo.

Khi chất lượng đào tạo thấp, việc làm trong xã hội thiếu sẽ hình thành ách tắc tại đầu ra của các trường này và đương nhiên đầu vào sẽ bị cản trở theo nguyên tắc dòng chảy trong đường ống.

Mặt khác, không ít trường coi liên thông và liên kết đào tạo như là một giải pháp để nâng cao thu nhập cho nhà trường, thiếu kiểm soát chất lượng, dẫn đến văn bằng ĐH không gắn với giá trị thực của nó và kết quả người sử dụng lao động có khuynh hướng từ chối sinh viên tốt nghiệp ở không ít trường ĐH NCL....

Một số trường ĐH NCL đã quên mất rằng ngày nay thí sinh đã có sự lựa chọn và phân biệt đâu thật đâu giả, đâu tốt đâu xấu để vào học. Nếu cứ giữ mãi các mô hình tuyển sinh, tổ chức đào tạo và quản trị ĐH truyền thống thì tình hình của không ít trường sẽ trở nên rất có nguy cơ.

Làm gì để cứu và tự cứu ĐH ngoài công lập

Những giải pháp gây tranh cãi về "5 bỏ" hay "ngưỡng tối thiểu" nếu thi riêng thực chất đang nhấn mạnh các yếu tố đầu vào là cách tiếp cận hết sức lạc hậu và phiến diện. Bộ GDĐT không nên có giải pháp "hà hơi tiếp sức" ở đầu vào không phải lối để kéo dài thời gian sống của một số trường ĐH NCL yếu kém mà cần có giải pháp căn cơ mang tính chiến lược hơn mà nhiều chuyên gia đã từng khuyến cáo.

Trước mắt cần ban hành các tiêu chí để phân tầng GD ĐH theo sứ mệnh, mục tiêu, quản trị, năng lực đào tạo...để có cơ chế tuyển sinh phù hợp. Khi ấy không thể mang cái điểm sàn của Bộ úp chung cho mọi trường. Cần điều chỉnh mạnh lưới cơ sở giáo dục ĐH gắn với quy hoạch ngành và quy mô đào tạo.

Sớm bỏ việc tổ chức thi 3 chung như những năm qua, chuẩn bị ngân hàng đề thi đủ lớn (để đảm bảo chuẩn mực chung) và cung cấp cho các trường. Khi ấy các trường ĐH có thể tự chủ tuyển sinh với những hình thức khác nhau, nội dung khác nhau, thời gian và số đợt thi khác nhau, điểm chuẩn khác nhau...

Về phía các trường ĐH NCL, cần tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới công tác quản trị ĐH, đổi mới và đa dạng hóa chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy...

Như vậy, giải pháp tuyển sinh sẽ không bó hẹp trong phạm trù thi tuyển sinh. Như ai đó nói "đổi mới thi kiểm tra đánh giá là khâu đột phá" có lẽ cần tư duy lại để có cái nhìn hệ thống, toàn diện hơn.

Giải pháp để tuyển sinh được hay không sẽ không nằm ngoài vấn đề phải trả lời là trường ĐH tồn tại là vì ai? Nếu đào tạo không chú trọng chất lượng, mải mê với số lượng, không quan tâm đến lợi ích người học, chỉ chú trọng lợi ích của nhà đầu tư và thiếu trách nhiệm giải trình xã hội tất yếu sẽ dẫn đến sự mất đoàn kết, giải thể và phá sản.

Theo Minh Tuấn (VietNamNet)

Ảnh: Nghĩa Phạm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao đại học tư luôn đói?