Một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP (Nhà hát TP) có cần cho TP.HCM không? Không ít người, cả chuyên gia trong ngành âm nhạc lẫn ngoài ngành, cho rằng cần. Vậy tại sao việc thông qua dự án xây dựng Nhà hát TP chịu nhiều chống đối như chúng ta thấy trong những ngày qua?
Thu thập các ý kiến trên truyền thông, chúng ta dễ nhận thấy nguyên nhân tức thời của sự phản đối là dự án đặt tại Thủ Thiêm, nơi đang chất chứa rất nhiều oan khiên của dân lành và sai trái quan chức mà chưa có điều tra tận nơi, tận cùng, chưa có xử lý hợp tình hợp lẽ... Lại có nguyên nhân là xã hội đang cần nhiều dự án về dân sinh cấp bách liên quan tới các nhu cầu ở mức căn bản hơn của bậc thang nhu cầu như đường sá, bệnh viện, trường học...
Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất gây ra sự phản đối, nhân tố căn bản, theo tôi nghĩ, là lòng tin của người dân đã bị tác động sau những sự việc không đáng.
1) Hiện đang có nhiều cơ sở nhạc kịch của TP sống cầm chừng nhờ vào những hoạt động như giữ xe, tổ chức tiệc... Lại có bao nhà văn hóa quận, huyện, ngành sử dụng chỉ một phần nhỏ chức năng hay trái chức năng! Dù đó là những cơ sở nhỏ hơn tầm vóc của dự án nhà hát, nhưng nếu chúng không được sử dụng hết chức năng thì ai tin được dự án ngàn rưỡi tỉ này sẽ không là dự án xây lên rồi bỏ hoang? Ngay cạnh bên khu đất dự định xây Nhà hát TP là công trình Trung tâm Triển lãm quy hoạch, dự án 35 triệu USD hiện hoang tàn bỏ trống bò gặm cỏ bên ngoài. Xài tiền dân như vậy mà không có biểu hiện đau lòng hay hối lỗi, nay lại thêm một dự án kế bên, trị giá gấp đôi!
Lòng tin của dân vào năng lực quản lý, phát triển, vào lương tâm trách vụ, vào sự hết lòng với nhiệm vụ của những người có trách nhiệm có bị tổn thương nặng nề không sau hàng chục năm dài?
2) Các dự án xây dựng liên tiếp đội vốn vài lần tới vài chục lần, lại có thất thoát quá lớn, tham nhũng quá nhiều. Cách xử lý sự việc thường là xuê xoa, cho qua. Ngoài các lời hứa đôi khi về xử lý nghiêm minh, hay vài lời nhận khuyết điểm, trách nhiệm qua loa, người dân chưa thấy chính quyền kịp thời có kế hoạch nghiêm túc và có thể tin được về tính hiệu quả nhằm làm trong sạch đội ngũ và nâng cao trình độ cán bộ công chức. Vẫn có kẻ gây tội, nếu ở nước khác bị sa thải, điều tra, ra tòa, bỏ tù, thì ở ta vẫn lên chức rồi nhận những công trình to hơn cho tới lúc gây thất thoát khủng hơn!
Điều dân chúng cần là tính minh bạch thì không thiếu trường hợp thông tin về tham nhũng rò rỉ ra bị bịt kín lại!
Điều dân chúng cần nhất là xét xử công minh và độc lập để khỏi hoài nghi về những bản án “rút từ trong túi” sau những thu xếp hậu trường!
Điều dân chúng cần là thấy một kế hoạch có mục tiêu rõ rệt trong việc giảm tham nhũng, cải tổ bộ máy và chính sách nhân sự, từ tuyển người, huấn luyện người, cho đến khen thưởng và xử phạt. Nhưng họ vẫn thấy sự nhấc lên, đặt xuống xoay chuyển lòng vòng một vài khuôn mặt quen nhẵn trong một phe nhóm nào đó! Có lòng tin nào là vô hạn và phải chăng lòng tin hôm nay đã bị phung phí quá nhiều?
3) Lòng tin của dân chúng vào những người bỏ phiếu thông qua dự án cũng có vấn đề. Xin được nêu một câu hỏi trực diện trong tâm thế xây dựng: có bao nhiêu phần trăm người dân tin rằng tập thể những người tham dự buổi họp Hội Đồng Nhân Dân vừa qua thể hiện đúng là người đại diện cho mình, do mình thực tâm bầu ra?
Điều nêu trên được minh họa rõ ràng trong cuộc biểu quyết xây dựng Nhà hát TP được thực hiện với 100% phiếu thuận. Sau cuộc biểu quyết, nhiều ý kiến phản đối bùng lên. Vậy thì cuộc biểu quyết đó có phần trăm nào đại diện cho ý dân, lòng dân. Không có vị đại biểu nào thấy được ý dân, hay không có vị đại biểu nào có thể biểu quyết theo như mình muốn? Đấy là điều rất đáng suy nghĩ!
Lê Học Lãnh Vân