“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế có thể dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu.

Tăng giờ làm thêm có thể khiến người lao động cạn kiệt sức lao động sớm

Bùi Trí Lâm | 20/09/2019, 12:05

“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế có thể dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu.

Sáng 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107), tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành).

Quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề Xã hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động”, bà Thúy Anh nêu.

Theo đó, bà Thúy Anh cho biết quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc làm thêm giờ liên quan đến năng suất lao động, không chỉ dựa vào sức người mà còn dựa vào sự đổi mới công nghệ.

“Làm thêm giờ thì người lao động cực kỳ khổ, nhất là phụ nữ không còn thời gian nào mà chăm sóc gia đình nữa. Quan điểm của tôi là không tăng, nếu không giảm được thì giữ nguyên như hiện hành”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và cho rằng, việc không cho phép tăng giờ làm thêm có một tác dụng tốt là tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải suy nghĩ đổi mới công nghệ, sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng không nên tăng giờ làm thêm. Việt Nam hiện nằm trong danh sách 46 nước quy định giờ làm việc lên tới 48 giờ/tuần, nhưng thu nhập đầu người đã cao hơn 66 quốc gia khác. Thời gian làm việc danh nghĩa đã cao so với thế giới, nhưng thực tế còn vào loại cao nhất thế giới. Trong khi đó, sau 20 năm, từ nước thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thì nên đảm bảo đối xử công bằng với người lao động ở mọi khu vực.

“Còn nói về năng suất thì Trung Quốc làm việc 40 giờ/tuần, nghỉ phép 21 ngày, mà họ có làm việc hiệu quả không; Myanmar thu nhập bình quân thấp hơn ta cũng làm việc 44 giờ/ tuần, nghỉ phép 21 ngày”, ông Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng.

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm nếu xét từ phía giới sử dụng lao động và người lao động, thì lợi ích mà giới sử dụng lao động thu được sẽ lớn hơn.

“Trong khi đó, người lao động là nhóm yếu thế hơn, quyền lợi và mong muốn của họ chưa được thể hiện đầy đủ, rõ ràng. Thông qua tổ chức công đoàn, họ thể hiện nguyện vọng của mình"- Trường ban Dân nguyện phân tích.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng trong lộ trình 5 năm tới phải xem xét giảm giờ làm thêm. Cần quan tâm đến đời sống của công nhân, họ phải có tinh thần tốt, thể lực tốt thì năng suất lao động mới cao, sản xuất mới hiệu quả.

Dẫn phim "Những cô gái trong thành phố", bà Hải cho rằng nếu công nhân đi làm liên tục, tăng ca thường xuyên thì họ sẽ không có thời gian để thụ hưởng những thành quả của xã hội mà do chính họ đóng góp làm nên, không có thời gian đến khu vui chơi giải trí, đời sống sẽ bị hạn chế. Ở góc độ xã hội, nhiều vụ bạo lực gia đình, đạo đức xuống cấp, hay chồng giết vợ, anh giết em là có một phần nguyên nhân từ việc lao động quá sức, áp lực, căng thăng do công việc.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng giờ làm thêm có thể khiến người lao động cạn kiệt sức lao động sớm