Thông tin từ năm học 2022-2023 học phí các trường tại Hà Nội đều tăng lên gấp đôi đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Tăng học phí và giá SGK: Cần phải có lộ trình và minh bạch

Dạ Thảo | 29/05/2022, 07:10

Thông tin từ năm học 2022-2023 học phí các trường tại Hà Nội đều tăng lên gấp đôi đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Hiện nay ở Hà Nội, nếu so sánh mức học phí theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái. Mức học phí này được đánh giá sẽ tạo gánh nặng không hề nhỏ với các bậc phụ huynh, đặc biệt những gia đình thu nhập thấp. Ngoài học phí, phụ huynh còn phải dành ra khoản tiền lớn cho việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, các khoản thu phí đầu năm.

Học phí và giá SGK đều tăng: Gánh nặng không nhỏ

Sau đại dịch COVID-19, rất nhiều gia đình vẫn còn lo lắng bởi kinh tế suy giảm, nhiều khoản chi tiêu đã tăng thì nay đến học phí cũng dự kiến tăng gấp đôi so với năm 2021 và dự kiến tăng khoảng 20-40% mỗi năm sau đó. Chưa kể việc nhiều học sinh học chương trình đổi mới giáo dục, giá SGK cũng dự kiến tăng gấp đôi. Đây thật sự là một gánh nặng đối với các gia đình có từ 2-3 con đang theo học ở các cấp.

z3450291074010_bacd2bd63ae06d710ddce86a08831561.jpg
Không chỉ học phí tăng ở các cấp học mà ngay cả giá SGK cũng tăng theo 

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Thành Chung cho biết gia đình anh có 3 người con, đứa lớn nhất đang theo học tại một trường THPT, đứa thứ 2 học THCS và đứa út học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

"Thu nhập của 2 vợ chồng tôi ổn định từ 15-20 triệu đồng/tháng nhưng nếu năm học tới các trường đồng loạt tăng học phí thì sẽ gây áp lực, tạo gánh nặng rất lớn cho kinh tế của gia đình. Cháu thứ 2 năm nay thi vào lớp 10, nếu không đỗ trường công thì chi phí học ở các trường dân lập là rất lớn, mất gần nửa tiền lương của vợ hoặc chồng.

Cháu đầu cũng chuẩn bị thi đại học, cháu út thì năm nay học bộ SGK mới chứ không phải theo các bộ cũ nên không thể xin của người quen. Thật sự sau khi xảy ra đại dịch, chúng tôi đã thắt chặt chi tiêu nhưng tháng nào cũng rất chật vật, thậm chí phải vay mượn thêm để chi tiêu trong gia đình", anh Chung cho hay.

Ở góc độ quản lý của trường, hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận Ba Đình cho biết việc tăng học phí theo lộ trình của Bộ GD-ĐT ở các cấp học là điều cần thiết nhằm tăng thu nhập cho các giáo viên, giảm việc dạy thêm, học thêm; đồng thời giúp có thêm cơ sở vật chất cho học sinh theo học tại các trường.

"Riêng đối với những gia đình khó khăn thì Sở GD-ĐT hay nhà trường đã có những chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ con em gia đình chính sách theo chỉ thị của nhà nước. Còn đối với các gia đình thu nhập từ trung bình khá trở lên, họ đều cho biết việc tăng học phí hay giá SGK đều không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt gia đình", vị hiệu trưởng này cho hay.

z3319766958504_cd11e0685b92897e5fab6779209a7763.jpg
Mức học phí tăng cao khiến nhiều người phản đối

Không chỉ ở Hà Nội mà các bậc phụ huynh tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác cũng cho biết đã có dự thảo tăng học phí. Tuy nhiên, việc tăng học phí hay giá SGK luôn đặt ra một câu hỏi chưa có lời giải đó là "giá tăng liệu có đi kèm với chất lượng?". Cái phụ huynh cần chính là chất lượng đem lại và sự lựa chọn của phụ huynh phù hợp nhiều yếu tố chứ không chỉ là số tiền học phí hay là giá của những bộ SGK. Nếu tăng học phí mà học sinh được tận hưởng cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng dạy học cao hơn thì phụ huynh cũng sẵn lòng ủng hộ. Còn ngược lại, các học sinh vẫn phải chịu cảnh "một máy tính, chục người học" hay một bộ SGK đầy "sạn" sẽ khiến nhiều người khó chấp nhận.

Cần phải có lộ trình

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, việc tăng học phí và giá SGK cùng lúc sẽ khiến nhiều gia đình gặp khó khăn, đặc biệt đối với các gia đình ở nông thôn hay "vùng lõm" của đô thị. Đưa ra ý kiến về việc này, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng hiện nay nhà nước vẫn chưa quản lý được thị trường SGK và đang bị thương mại hóa quá nặng. Nên chăng cần một bộ SGK chính thống để quản lý chặt. Còn lại, phụ huynh học sinh có thể tham khảo tất cả các bộ SGK khác.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt hơn để sớm có giá thành hợp lý cho SGK mới, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Giá thành SGK hợp lý, cân đối hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội, sẽ làm giảm sức ép đáng kể lên gia đình và xã hội, nhất là trong điều kiện chúng ta đang phải khắc phục những hậu quả của đại dịch COVID-19.

hoc-online-hai-yen-3.jpg
Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng việc tăng học phí hay tăng giá SGK cũng cần có lộ trình và không cần quá "hào nhoáng"

Bên lề hành lang quốc hội, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng dịch bệnh COVID-19 vừa mới kết thúc đã và đang gây khó khăn cho nhiều gia đình. Chính vì thế việc tăng ngay lập tức từ học phí tới giá SGK là điều chưa hợp lý, hoặc cần phân loại đối tượng một cách phù hợp. Trong đó, với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo cần xem xét miễn, giảm học phí; còn những trường hợp đời sống cao hơn so với mặt bằng chung thì việc tăng học phí là có cơ sở. Việc tăng giá SGK cũng như tăng học phí cần phải có lộ trình và phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng dự kiến tăng học phí cao gấp đôi, thậm chí tới 4-5 lần so với mức thu nhập của người dân hiện nay là chưa ổn. Ông nói học phí thấp hay cao phải so với mức thu nhập bình quân của người dân và muốn tăng phải có lộ trình cụ thể, nếu không học sinh "không chịu được" sẽ bỏ học, khi đó rất nguy hại, phi nhân văn.

Còn việc giá SGK tăng cao thì cũng không thể nào lấy cớ là do chi phí sản xuất, bởi kinh doanh SGK không chỉ mang lợi nhuận trực tiếp từ sách mà đi kèm đó là vở bài tập, sách bài tập, sách tham khảo, đồ dùng học tập... Các nhà xuất bản sách nên minh bạch tất cả các khâu, trong đó có khâu đấu thầu, in ấn SGK. Người dân chỉ được biết chi phí đầu vào tăng khiến cho giá thành sách cao mà không có những thông tin khác. Bộ GD-ĐT cần có cách để có nhiều đơn vị khác nhau tham gia làm SGK, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, từ đó có thể hạ giá thành SGK.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới. Người dân rất quan tâm đến tương lai của con em nên sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, điều cần nhất chính là sự minh bạch ở các khoản thu và chi thì nhiều đơn vị giáo dục lại chưa làm được, khiến việc tăng học phí hay giá SGK đều vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng học phí và giá SGK: Cần phải có lộ trình và minh bạch