Những năm gần đây, ngành khoa học máy tính là một trong những ngành học quan trọng tại các trường ĐH đào tạo về công nghệ thông tin cũng như kỹ thuật.

Ngành khoa học máy tính - mấu chốt sự phát triển công nghệ

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 25/05/2022, 10:48

Những năm gần đây, ngành khoa học máy tính là một trong những ngành học quan trọng tại các trường ĐH đào tạo về công nghệ thông tin cũng như kỹ thuật.

Hiện ngành khoa học máy tính được đánh giá là một trong số ngành học "hot" nhất những năm gần đây, với tỷ lệ cạnh tranh và điểm chuẩn đều ở ngưỡng rất cao.

Công nghệ bứt phá trong kỷ nguyên số

Ngành khoa học máy tính (Computer science) được xem là "động cơ" chủ lực tạo ra các bứt phá về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0. Những tiến bộ của ngành này liên quan tới các hệ thống tính toán, thuật toán, giao tiếp máy tính và con người, kết nối, và đã có những phát triển vượt bậc trong thời gian qua.

Sự bùng nổ trong phát triển công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), quản lý dữ liệu, học máy, điện toán đám mây trong lĩnh vực khoa học máy tính đã tạo ra sự phát triển vượt bậc trong ứng dụng vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, giúp các công nghệ này trở thành xu hướng dẫn dắt sự phát triển công nghệ hiện nay. Những ứng dụng công nghệ đã đi vào cuộc sống như xe tự hành, giao thông thông minh, chăm sóc y tế thông minh, cửa hàng, siêu thị thông minh, kết nối metaverse... đã và đang trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới.

khoa-hoc-may-tinh-4.jpg
Sinh viên, học sinh rất quan tâm đến ngành khoa học máy tính

Chia sẻ kỹ hơn về ngành học khá mới mẻ này, trong buổi hội thảo về "Công nghệ mới trong ngành khoa học máy tính" mới được tổ chức trong ngày 24.5, TS Lê Anh Ngọc - Giám đốc Swinburne Innovation Space cho biết hiện nay chúng ta đang nói về những công nghệ lõi để tạo ra một bức tranh hội tụ và sáng tạo. Sự thật là cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh, không một quốc gia nào bỏ qua cơ hội này. Với Việt Nam - một nước đang phát triển, đây có lẽ là cơ hội tốt nhất để vượt lên. Việc ứng dụng công nghệ số sẽ làm thay đổi giá trị, tạo ra lợi nhuận, làm cho mọi thứ trở nên tối ưu. Báo cáo việc làm của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2022 cho thấy công nghệ số được áp dụng cho tất cả nền công nghiệp và quốc gia khác nhau, đặc biệt các công nghệ lõi nổi bật như Cloud, Big Data, IoT, AI…

Hơn thế nữa, vai trò của hạ tầng và công nghệ số càng được thể hiện rõ hơn trong đại dịch COVID-19, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ mới tạo ra cơ hội việc làm rất lớn và đây là dịp tốt dành cho những người sở hữu những kiến thức và kỹ năng về các công nghệ mới. Ngay tại các nước phát triển, việc đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu này vẫn đang thiếu hụt rất lớn, việc săn lùng “nhân sự” đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.

khoa-hoc-may-tinh-2.jpg
TS Lê Anh Ngọc – Giám đốc Swinburne Innovation Space chia sẻ về ngành khoa học máy tính 

Đồng quan điểm trên, TS Alex Stojcevski - Trưởng khoa Khoa học, điện toán và kỹ thuật (Đại học Công nghệ Swinburne) cho biết ở Úc sinh viên học ngành này đều có cơ hội việc làm rất tốt và hầu hết đã có việc làm từ trước khi ra trường.

Học ngành khoa học máy tính cần những tố chất gì?

Theo TS Alex Stojcevski, ngành khoa học máy tính được xem là “lá cờ đầu” trong lĩnh vực đào tạo về công nghệ. Đại học Công nghệ Swinburne (Úc) đang triển khai chiến lược “Moon Shots”. Theo đó, việc đào tạo theo phương pháp đem lại nhiều trải nghiệm thực tế cho sinh viên và giúp họ có cơ hội việc làm được xem là rất quan trọng. Ngoài kiến thức, họ được tiếp xúc và trải nghiệm các dự án thực tế trong ngành từ sớm qua mỗi kỳ học, ngoài ra họ còn được thực tập và tham gia vào các dự án thực tế. Do vậy sinh viên có khả năng có việc làm tốt ngay khi chưa tốt nghiệp.

khoa-hoc-may-tinh.jpg
Buổi giới thiệu về ngành khoa học máy tính

Lâu nay, quan điểm cho rằng học các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin như khoa học máy tính thì "chẳng lo thất nghiệp" thật ra cũng không sai. Sinh viên theo học ngành này rất dễ xin việc khi các công ty, đơn vị đều hòa mình vào việc "chuyển đổi số" của thời đại 4.0. Khi học khoa học máy tính, sinh viên sẽ được học phát triển và thiết kế các chương trình, các ứng dụng và phần mềm. Ở ngành này, học viên sẽ được học cách sử dụng máy tính giải quyết một vấn đề, một bài toán và cách để máy tính tiếp nhận vấn đề hay bài toán đó. Học viên phải luôn không ngừng nâng cao khả năng tư duy logic. Học toán giỏi sẽ là một tiền đề tốt để sinh viên ngành khoa học máy tính tư duy phát triển hơn khi tốt nghiệp và bắt đầu làm công việc của mình.

hoc-sinh-online.jpg
Hiện nay nhiều trường tiểu học tại Việt Nam cũng bắt đầu chú trọng dạy học công nghệ thông tin, cho học sinh tiếp xúc sớm với máy tính

Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nhóm ngành công nghệ thông tin gồm khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và công nghệ thông tin truyền thống luôn "hot", thu hút sự quan tâm của thí sinh. Nhân lực tay nghề cao, chuyên gia của ngành này luôn cần thiết cho xã hội.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng việc chọn ngành về công nghệ thông tin hay khoa học máy tính nên dựa vào năng lực, sở trường của thí sinh. Có những bạn thấy khoa học máy tính dường như khó hơn vì nhiều vấn đề lý thuyết. Trong khi đó, có những bạn thấy rất khó khăn khi phải thường xuyên thích ứng và làm chủ các công nghệ mới, hay phải giao tiếp với khách hàng để hiểu nhu cầu và cung cấp giải pháp thì cũng nên cân nhắc. Theo đánh giá từ các chuyên gia giáo dục, những năm gần đây Việt Nam đã trở thành điểm đến thu hút các doanh nghiệp công nghệ quốc tế và họ rất cần những nhân lực chất lượng cao, thậm chí tìm kiếm mua lại các doanh nghiệp công nghệ. Rõ ràng cơ hội nghề nghiệp của khối ngành công nghệ là rất lớn, đòi hỏi sinh viên cần chuẩn bị đủ kiến thức và năng lực để theo đuổi ngành học đang được chú trọng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành khoa học máy tính - mấu chốt sự phát triển công nghệ