Xét cho đến cùng thì có ai cho không ai cái gì đâu? Doanh nghiệp người ta bỏ ra vài tỉ đến vài chục tỉ để mua xe tặng tỉnh, TP thì người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ, chứ đâu chỉ có chuyện lòng tốt mà bỏ ra ngần ấy tiền”.
Đây là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương xung quanh câu chuyện các doanh nghiệp tặng xe cho một số tỉnh, thành phố đang gây chú ý dư luận.
Nhiều doanh nghiệp tặng xế sang cho tỉnh, TP
Mới đây, dư luận tại Cà Mau bàn tán về 2 chiếc xe Lexus trị giá mỗi chiếc trên 3 tỉ đồng do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quản lý. Thông tin cho biết, vào tháng 3.2016, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tặng cho Cà Mau 2 “siêu xe” nói trên với giá xuất hóa đơn mỗi chiếc 3,1 tỉ đồng. Theo giải thích của người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau, thời điểm Công ty Công Lý tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt.
Công ty Công Lý khi tặng xe nêu rõ ràng mục đích tặng xe cho tỉnh là để phục vụ công việc như đi kiểm tra chỉ đạo đê, kè, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng..., không tặng riêng cho người nào.
Tương tự, tại Đà Nẵng, Thành ủy , Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đang quản lý 8 ô tô do doanh nghiệp tặng, hỗ trợ Đà Nẵng từ nhiều năm trước cho đến nay.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, cho biết được Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan) tự nguyện tặng cho tỉnh Ninh Bình 3 ô tô tiền tỉ. UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ Tài chính đồng ý cho xác lập quyền sở hữu nhà nước và hướng dẫn việc sử dụng đối với 3 ô tô này để phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Ninh Bình đã từ chối “món quà” mà doanh nghiệp này tặng.
Không đến mức thiếu thì không nên nhận
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, pháp luật không cấm việc tặng xe với tư cách là quà tặng, biếu, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền địa phương cũng có thể khó khăn về phương tiện đi lại. Do để giữ cho nợ công không tăng cao, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cũng yêu cầu thắt chặt mua sắm xe công nên nhiều địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, ĐB Sỹ Cương cũng nhấn mạnh “việc thiếu phương tiện đi lại đấy có đến mức làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ cũng như thực hiện chỉ đạo điều hành của các tỉnh, thành phố hay không thì cần phải xem xét kỹ. Bởi vì lãnh đạo tỉnh, TP thiếu xe để đi tuần tra, kiểm tra, chỉ đạo điều hành trong phạm vi địa phương có đến mức phải nhận xe của doanh nghiệp không? Tôi khẳng định là không. Như vậy không đến mức thiếu mà phải đi mượn hay nhận xe dưới dạng biếu, tặng… thì không nên làm”.
Không phủ nhận thiện ý tốt của doanh nghiệp đối với các địa phương trong điều kiện có khó khăn, nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương khẳng định: “Thiện ý là một phần. Vấn đề đằng sau phải chăng là để tạo mối quan hệ, tăng cường mức độ ảnh hưởng đối với chính quyền để rồi khi có đề nghị chính quyền phải tạo điều kiện trở lại cho doanh nghiệp”.
“Xét cho cùng thì có ai cho không ai cái gì đâu? Doanh nghiệp người ta cũng nghĩ bỏ ra vài tỉ đến vài chục tỉ để người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ, chứ đâu chỉ có chuyện lòng tốt không mà bỏ ra ngần ấy tiền. Đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính số tiền như thế không phải là nhỏ. Để kiếm được những khoản tiền tĩ đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính không phải dễ dàng”- ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Việc chính quyền địa phương nhận xe của doanh nghiệp theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương sẽ tạo ra suy nghĩ cho các doanh nghiệp khác về sự công bằng. Bởi họ nghĩ rằng, cho rằng, những doanh nghiệp lớn, “hữu hảo” với chính quyền tỉnh đó chắc chắn được quan tâm, được tạo điều kiện hơn những doanh nghiệp khác.
“Nhất là với những doanh nghiệp nhỏ, khó khăn, không có điều kiện để biếu tặng xe sẽ cho rằng mình bị lép vế, cũng có thể bị chính quyền quản lý chặt chẽ hơn, trong khi những doanh nghiệp kia được giải quyết thoáng hơn. Đó là chưa kể dư luận có thể nghĩ rằng doanh nghiệp đó đã được “cái gì” rồi nên họ trích một phần biếu chính quyền là lẽ đương nhiên”- ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị Chính phủ cần có văn bản quy định nên cấm các địa phương nhận xe dưới dạng biếu, tặng. Bởi việc nhận xe đắt tiền do được doanh nghiệp tặng để làm nhiệm vụ vẽ nên hình ảnh không đẹp.
“Chính phủ nên có sự chỉ đạo yêu cầu các địa phương không nên làm việc đó. Nếu địa phương thực sự khó khăn về phương tiện đi lại làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ thì Chính phủ cũng có thể lo được. Tôi tin không khó đâu, bởi vì dù nợ công cao nhưng mà để trang bị ở mức tối thiểu nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thì không đến mức mà chúng ta không lo được. Chúng ta không đến mức khó khăn như thế đâu” – ĐB Nguyễn Sỹ Cương khẳng định.
Theo N.Huyền/Infonet