Câu chuyện nóng nhất và được thảo luận nhiều nhất trong nền kinh tế Việt Nam những ngày vừa qua là tính khả thi và mức độ hữu dụng của đề xuất huy động vàng trong xã hội, và hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi lớn.

Tăng trưởng tín dụng có kéo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

Nhàn Đàm | 18/07/2016, 11:08

Câu chuyện nóng nhất và được thảo luận nhiều nhất trong nền kinh tế Việt Nam những ngày vừa qua là tính khả thi và mức độ hữu dụng của đề xuất huy động vàng trong xã hội, và hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi lớn.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơnthì đề xuất huy động vàng đó mới chỉ là một phần của một câu chuyện còn lớn hơn: tìm kiếm nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm của Việt Nam. Chính phủ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa chấp nhận thay đổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực đối với vấn đề tăng trưởng tín dụng đang trở nên lớn hơn bao giờ hết, khi đây vẫn được xem là cây đũa thần có thể vực dậy tăng trưởng kinh tế một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2016, thì việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lại chưa chắc đã kéo theo sự tăng trưởng về kinh tế như kỳ vọng, mà lại đang đi kèm với khá nhiều nguy cơ và rủi ro về mặt kinh tế vĩ mô.

Một trong những nghiên cứu có hệ thống nhất về vấn đề tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm là báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II.2016 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học quốc gia công bố hôm 14.7 vừa qua. Trong đó, báo cáo nêu rõ dựa vào tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không thể đạt được trong cả năm 2016;đồng thời báo cáo của VEPR cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ chỉ đạt khoảng 6% hoặc thấp hơn.

Một trong những điểm quan trọng nhất lý giải cho nhận định kinh tế Việt Nam khó có thể đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 là tình hình trong nước và quốc tế ở thời điểm hiện tại không thuận lợi để tiến hành kế hoạch tăng trưởng tín dụng như một biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, báo cáo của VEPR cho biết khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là điều không thể tránh khỏi, khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới đang phục hồi kết hợp với điều chỉnh giá trong nước. Vì vậy, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm 2016 có thể tạo ra nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong những năm trước đây.

Nghiên cứu của VEPR có thể đang là một hồi chuông cảnh báo cho những nguy cơ tiềm ẩn và rủi ro rất lớn đối với kế hoạch tăng trưởng tín dụng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 của Chính phủ. Qua các động thái gần nhất, có thể thấy Chính phủ đang đặt cược khá nhiều vào kế hoạch tăng trưởng tín dụng của mình. Điển hình là việc Chính phủyêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh cung tiền cho nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời không hút về thông qua việc phát hành tín phiếu trên thị trường mở như một biện pháp để kích thích tăng trưởng. Cụ thể, tính từ đầu năm nay đến hết tháng 6, NHNN đã mua vào khoảng 8 tỉUSD. Theo số liệu của Tổng cục Thống kêthì hầu hết các chỉ số tài chính vĩ mô đều đã tăng khá mạnh;như tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với cuối năm 2015, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23%. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế vẫn mới chỉ đạt khoảng 6,2%.

Về lý thuyết, khi Chính phủ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế thì có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế. Đây vẫn là biện pháp được khá nhiều chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng mỗi khi cảm thấy cần thiết phải kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại vốn khá bấp bênh thì giải pháp này chưa hẳn đã đem lại hiệu quả. Trước hết vì nó đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, mà một trong số đó là lạm phát như báo cáocủa VEPR đã chỉ ra. Ngoài ra, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở thời điểm hiện tại có thể sẽ không đồng nghĩa với tăng trưởng về kinh tế của Việt Nam, khi mà khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là không lớn.

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, thì tăng vốn đầu tư tính đến thời điểm hiện tại tính cả yếu tố giá thì đang tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế, nên nếu kịch bản đẩy thêm vốn đầu tư nhà nước thì sẽ chỉ khiến đầu cơ tăng vọt trong khi tăng trưởng không theo kịp và Việt Nam sẽ phải trả giá do bất ổn vĩ mô. Các báo cáo của hệ thống ngân hàng về nguồn vốn cũng đang ủng hộ lập luận này.

Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn hiện đang cao hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay và khiến cho thanh khoản của toàn hệ thống đang ở trạng thái dư thừa. Nguyên nhânchính của tình trạng này, là do bên cạnh số tiền được NHNN bơm thông qua việc mua ngoại tệ thì với việc tăng trưởng huy động cao hơn tốc độ tăng trưởng cung tiền đang cho thấy một tình trạng, trong đó một lượng lớn tiền trước đây lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng thì hiện đã được chuyển vào hệ thống ngân hàng thông qua hình thức tiền gửi.

Điều này có thể lý giải bởi nguyên nhân tình trạng đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên chuyển sang kênh tiền gửi tiết kiệm. Nó cho thấy một thực tế rằngkhả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế từ nỗ lực tăng trưởng tín dụng của Chính phủ hiện đang có nhiều hạn chế, và không phải NHNN cứ tăng trưởng tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng là có thể kích thích được tăng trưởng nền kinh tế. Nếu cứ cố gắng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá,thì nhiều khả năng lĩnh vực nhận được phần lớn nguốn vốn sẽ là khu vực đầu tư công vốn đang bị đặt rất nhiều dấu hỏi về mức độ hiệu quả và tình trạng thất thoát lãng phí. Tăng trưởng tín dụng nhưng không chú ý đến chất lượng tăng trưởng sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng lạm phát, nợ công cùng các bất ổn vĩ mô khác.

Báo cáo của VEPR đã chỉ ranguồn vốn sẽ chỉ được hấp thụ tốt trong nền kinh tế và kích thích tăng trưởng nếu như môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thuận lợi. Nhưng ở thời điểm hiện tại của nền kinh tế Việt Nam thì rõ ràng là chưa, khi mà Nghị quyết 35 của Chính phủ chưa đủ chi tiết và khi triển khai sâu hơn trong thực tế cần có thời gian và sự phối hợp của các bộ ngành. Nói cách khác, một mảnh đất chưa được vun xới kỹ lưỡng sẽ không thể trở nên màu mỡ dù có bón bao nhiêu phân chăng nữa. Và có lẽ, Chính phủ nên dành khoảng thời gian 6 tháng còn lại của năm 2016 để vun xới thật kỹ mảnh đất nền kinh tế như một sự đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong những năm sắp tới. Đầu tư cho lợi ích lâu dài bao giờ cũng quan trọng hơn là chạy theo những lợi ích ngắn hạn trước mắt.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau): Kinh tế phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng tín dụng có kéo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế?