Trong vụ kiện của ĐH Tôn Đức Thắng với GS Việt kiều có uy tín trong giới khoa học Nguyễn Đăng Hưng, PGS.TS Nguyễn Tiến Huy, ĐH Nagasaki Nhật Bản, đã chia sẻ nhận định với báo Một Thế Giới rằng: ĐH Tôn Đức Thắng không thể kiện GS Hưng về vấn đề tạp chí APJCEN, trừ khi chứng minh được họ đã chi trả cho Nhà xuất bản Springer mấy chục ngàn USD tiền mở tạp chí!
Vừa qua xảy ra một vụ kiện khá đặc biệt giữa trường Đại học Tôn Đức Thắng (ĐH TĐT) và một nhà khoa học Việt kiều có tiếng tăm – Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng. Đơn kiện của ĐH TĐT nêu, GS Nguyễn Đăng Hưng đã không hoàn thành hợp đồng là xây dựng cho trường một tạp chí khoa học quốc tế, đồng thời có dấu hiệu gian dối nhằm gạt bỏ vai trò sáng lập của ĐH TĐT với tạp chí Asia Pacific Journal on Computational Engineering (APJCEN) – mà trường đã có công thuyết phục Nhà xuất bản (NXB) Springer đồng ý thành lập; cũng như chủ động thỏa thuận với Springer rằng Springer là chủ của tạp chí.
PGS.TS Nguyễn Tiến Huy hiện đang làm nghiên cứu tại viện Y Học Bệnh truyền nhiễm và Y học Nhiệt đới, trực thuộc khoa Y, ĐH Nagasaki Nhật Bản. Ông có kinh nghiệm trong nhóm quản lý và ban biên tập nội dung cho tạp chí Tropical Medicine and Health (TMH) của Nhật Bản từ năm 2007 đến nay. |
Tôi cho rằng đây này là một sự cố. Theo thông tin đăng tải trên Facebook của GS Hưng, ĐH TĐT đã đề nghị GS Hưng làm việc với chức vụ cố vấn và mức lương 15 triệu/tháng. Trong hợp đồng, GS có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện chứ không chỉ việc thành lập một tạp chí khoa học. ĐH TĐT cũng đã cử ông Lê Văn Út (quyền trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ, ĐH TĐT) phụ việc cho GS Hưng để mở tạp chí, nhưng tôi cho rằng GS chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc này, nên đã mở “nhầm” một tạp chí khoa học cho Springer, một nhà NXB có tiếng tăm, chứ không phải cho trường.
Tuy nhiên, điều này cũng bình thường. Hầu hết nhà khoa học chẳng bao giờ để ý tới những chuyện như thế! Ngay cả các GS ở Nhật cũng vậy, nếu họ không tham gia vào việc thành lập và quản lý một tạp chí khoa học. Vả lại, theo tôi suy đoán, trường TĐT cũng chưa mất mát gì, vì Springer chắc hẳn không dám lừa gạt cái xứ nghèo như Việt Nam. Chi phí để nuôi một tạp chí hàng năm và thuê Springer làm NXB cũng phải hơn vài chục ngàn USD, ĐH TĐT có biên lai nào ghi ra đã chi cho Springer số tiền lớn như thế và liệu có thể chi trả nổi hay không?
Trong đơn kiện của ĐH TĐT với GS Nguyễn Đăng Hưng nêu, tạp chí APJCEN ra đời là nhờ ĐH TĐT đã cử ông Lê Văn Út thúc đẩy thành lập tạp chí, và đến cuối năm 2012, ông Út đã thuyết phục được NXB Springer đồng ý xuất bản tạp chí quốc tế của trường. Tuy nhiên, GS Hưng “đã có dấu hiệu gian dối khi tự ý thỏa thuận về việc NXB Springer và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tạp chí, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của ĐH TĐT; cũng như chủ động thỏa thuận với Springer rằng Springer là chủ của tạp chí”. Theo ông, trong vụ kiện này, ai thật sự là chủ của APJCEN?
Nhìn vào trang giới thiệu của tạp chí, tôi cho rằng Springer mới là ông chủ vì họ không ghi thông tin cơ quan chủ quản hay ông chủ nào cả (Hình 2). Trong khi đó, một tạp chí khác của Hàn Quốc cũng trên nền của Springer nhưng lại ghi rất cụ thể ông chủ của nó (Hình 1).
Hình 1: Một viện khoa học của Hàn Quốc đã mở một tạp chí đúng cách bằng cách thuê dịch vụ “gửi bài báo” và cả xuất bản bài báo của Springer. Ngay trang đầu tiên ta có thể thấy họ ghi “ông chủ” bỏ tiền ra ở 2 nơi khác nhau (trong khung màu đỏ). |
Hình 2: Ở trang chủ của APJCEN, ta không thấy họ ghi “ông chủ” bỏ tiền ra như ở Hình 1 |
Ngược lại, với tạp chí Tropical Medicine and Health (TMH) của Hiệp hội bệnh nhiệt đới Nhật Bản, bài báo được gửi qua hệ thống Ban biên tập (Editorial Manager), được xuất bản bởi một NXB chuyên nghiệp khác là J-STAGE. Mỗi hệ thống, TMH phải thuê riêng và mỗi cái đều có phí dịch vụ riêng. Trong trang chủ của tạp chí có ghi “ông chủ” là Hiệp hội bệnh nhiệt đới Nhật Bản.
Còn lý do Springer dễ dàng giúp GS Hưng mở tạp chí thì rất dễ hiểu. Họ chỉ cần tạo thêm một tạp chí online cùng mô tuýp hoạt động trong hàng trăm tạp chí sẵn có thì chẳng tốn kém gì! Ngoài ra, Ban biên tập (BBT) do GS Hưng tìm về và làm việc hoàn toàn tự nguyện. Đã vậy, đây còn là một tạp chí online nên rất ít tốn kém. Cũng cùng các lý do trên mà họ có thể miễn phí công bố cho tác giả thuộc các nước nghèo. Thực tế, không chỉ có Springer có chính sách này, các NXB khác như Plos, BMC,… cũng làm thế, khi tác giả từ các nước đang phát triển hoàn thành thủ tục xin miễn phí mà họ yêu cầu.
Vậy ai có thể can thiệp công việc của tổng biên tập và ban biên tập, thưa ông?
Năm rồi có một NXB mời tôi làm TBT cho một tạp chí của họ khi tôi đang nhận vai trò trong BBT của tạp chí đó. Tất nhiên tôi biết lượng sức mình và biết mình đang ở đâu trong lĩnh vực mình theo đuổi. Việc được mời làm TBT là khá kì quặc trong khi danh sách BBT có tên của một số cây đại thụ. Chính vì động thái này mà tôi đã chủ động tìm hiểu và biết được vấn đề tạp chí “tàng hình”. Các tạp chí “tàng hình” như thế bị qui kết là không có TBT nên họ mới gấp rút tìm một người làm TBT bù nhìn, do vậy họ mới cần tìm đến tôi. Vì sự kiện này mà tôi đã tẩy chay các tạp chí của các NXB tàng hình hay các NXB mới thành lập, thông tin và uy tín không rõ ràng.
Câu chuyện trên ý muốn nói rằng ông chủ của tạp chí là người quyết định lớn nhất trong việc bổ nhiệm TBTvà BBT. Như tạp chí TMH tôi đề cập ở trên, tiền do Hiệp hội tài trợ, và nó là tổ chức phi lợi nhuận.Việc sáng lập một tạp chí khoa học, do vậy không phải là để thu lời từ tác giả, vì số lượng bài báo ít (20-30 bài/năm) và mỗi bài chỉ vài trăm USD. Số tiền thu được thậm chí còn không đủ trả tiền lương cho một cô thư ký của tạp chí! Do vậy, tiền duy trì tạp chí trích từ nguồn quĩ của Hiệp hội qua lệ phí hàng năm cùng lệ phí dự hội nghị của các hội viên. Vì thế, tiếng nói quan trọng nhất là của ông Hội trưởng. Ông có quyền gây áp lực thay đổi TBT và các BBT. Nói cho dễ hiểu, TBT cũng có thể được xem là giám đốc điều hành của tạp chí, và ông chủ có thể xem như là chủ tịch hội đồng quản trị, TBT làm có nhiệm kỳ hay không tùy theo thỏa thuận của hai bên.
Có người cho rằng, theo luật của Việt Nam, tạp chí phải có cơ quan chủ quản trong khi quốc tế thì không…
Theo tôi thì luật nào cũng có nguyên tắc như nhau, vì mỗi tạp chí luôn có một ông chủ (sponsor). Ông chủ đó có thể là một Hiệp hội khoa học chẳng hạn, như Hội Y tế công cộng Việt Nam làm chủ của tạp chí Y tế công cộng, Hiệp hội Y khoa của Hoa Kì có tạp chí JAMA. Ông chủ cũng có thể là một trường Đại học, như Đại học Y Dược TP.HCM có tạp chí Y học TP.HCM, hay Mayo Clinic có tạp chí Mayo Clinic Proceedings rất có uy tín.
Các ông chủ này có thể tự mình làm hết mọi khâu, từ trang gửi báo cho tới khâu xuất bản, hoặc chủ động thuê một NXB chuyên nghiệp. Ví dụ, “The Journal of Infectious Diseases” danh tiếng là tạp chí của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kì nhưng lại có NXB là Oxford của vương quốc Anh.
Tuy nhiên, trong các hình thức sở hữu, hình thức sở hữu phổ biến nhất là NXB cũng chính là ông chủ của tạp chí khoa học, điển hình như NXB Springer trong vụ kiện lần này. Ngoài ra còn có nhiều NXB lớn khác nữa như Elservier, Wiley, Oxford, Plos,…
Tất nhiên thuê các NXB càng nổi tiếng thì càng tốn tiền, nhưng ích lợi là dễ xin gia nhập vào các nguồn cơ sở dữ liệu khoa học có uy tín hơn.
Cũng cần lưu ý đến các NXB “tàng hình”, chuyên lập ra các tạp chí “tàng hình” để thu lợi từ các nhà khoa học “ngây thơ”. Họ hoạt động bằng cách cho ra đời cả ngàn tạp chí bao phủ mọi lĩnh vực, trong đó có tới cả trăm tạp chí không có nổi một công trình để đăng. Hơn nữa, họ cũng tùy tiện đặt ra và thu lệ phí để đăng một công trình rất cao (hơn 3000 USD, nếu có người khiếu nại họ có thể sẽ giảm xuống!), và họ thậm chí còn đăng bài ngay cả khi tác giả đã rút lại bài.
Các bạn có thể tưởng tượng rằng các NXB này có một ông chủ, ông ấy đang sống tại một nước đang phát triển, nhưng triển khai hàng ngàn tạp chí đăng ký trụ sở tại Hoa Kỳ, và thuê mỗi một nhân viên thư ký để quản lý cả trăm tạp chí khác nhau. Tất cả các bài gửi tới, họ có thể phù phép để đăng bài trong vòng 2 tuần (với lệ phí cao như đã đề cập ở trên). Mỗi năm chỉ cần 1.000 bài báo đăng trong vài trăm tạp chí, họ đã có cả triệu USD.
Nếu vậy, APJCEN sẽ còn phải đi một hành trình rất dài để có thể chứng minh và được công nhận là một tạp chí khoa học uy tín thật sự?
Vâng. Theo thông lệ quốc tế, một tạp chí khoa học đúng nghĩa phải là một tạp chí có hệ thống bình duyệt (peer review) với nhiều công đoạn khác nhau và được thực hiện rất công phu.
người làm khoa học để có một bài báo được đăng trên tạp chí uy tín là cả một nỗ lực phấn đấu dài - Ảnh minh họa |
Khi một tác giả gửi công trình dưới dạng bài báo của mình về tạp chí, các thành viên trong ban thư kí sẽ kiểm duyệt hình thức, hình ảnh và các vấn đề Đạo đức (hay Y đức),… Nếu những điều trên thỏa mãn tiêu chuẩn, họ sẽ gửi bài báo đến Tổng biên tập của tạp chí (TBT, Chief Editor), sau đó TBT sẽ chuyển bài cho một thành viên của Ban biên tập (BBT, Managing Editors hay có khi gọi Associate Editor) – phụ trách tìm người phù hợp để thực hiện quá trình bình duyệt (review).
Số người tối thiểu cần có để thực hiện bình duyệt phụ thuộc vào uy tín của tạp chí (được đánh giá qua hệ số ảnh hưởng – Impact factor, IF), thường thì sẽ có từ 2 chuyên gia cùng lĩnh vực tham gia nhận xét, đánh giá công trình theo nhiều tiêu chí khác nhau. Ngoài ra, cũng tùy vào IF của tạp chí mà tỉ lệ chấp nhận có thể rất thấp <1% cho="" tới="" rất="" cao="" (gần="" 100%).="" khi="" công="" trình="" bị="" từ="" chối,="" các="" tác="" giả="" sẽ="" phải="" thực="" hiện="" quá="" trình="" sửa="" chữa="" (ít="" nhất="" là="" về="" hình="" thức),="" rồi="" gửi="" cho="" một="" tạp="" chí="" khoa="" học="" khác="" (thường="" có="" if="" thấp="" hơn),="" và="" công="" trình="" của="" họ="" cũng="" sẽ="" lại="" phải="" trải="" qua="" một="" quá="" trình="" bình="" duyệt="" như="">1%>
Trong trường hợp một công trình khoa học được BBT chấp nhận sẽ công bố trên tạp chí của họ, thì ban thư kí sẽ gửi nó sang NXB (Publisher). Tại đây, NXB sẽ hiệu đính về hình thức và chất lượng ngôn ngữ, sau đó gửi lại cho tác giả để yêu cầu xác nhận. Khi mọi việc hoàn tất, họ sẽ đăng công trình lên tạp chí online hoặc báo giấy (hay cả hai).
Tùy thuộc vào mức độ uy tín và lĩnh vực của tạp chí, các công trình đăng tải trên tạp chí đó sẽ được xuất hiện (indexed) bởi các nguồn cơ sở dữ liệu khoa học nổi tiếng như Thomson Reuters (SCI), Scopus, hay PubMed,… Đa phần các tạp chí đều đã phải làm hồ sơ gia nhập các nguồn cơ sở dữ liệu uy tín này và đạt được các tiêu chí rất khó khăn mà họ đặt ra. Hiện nay, theo tôi biết, Việt Nam chưa có một tạp chí nào có tên trong PubMed.
Ngoài ra, hầu hết các tạp chí yêu cầu tác giả phải trả phí xuất bản từ vài chục USD cho tới vài ngàn USD. Chi phí này được sử dụng để chi trả tiền lương cho nhân viên thư kí, tiền duy trì website, hiệu đính ngôn ngữ, đôi khi còn phải trả tiền hoạt động ngoài giờ cho một số người trong BBT và một phần lớn để trả cho NXB.
Nói như vậy cũng để thấy, để hoàn thành quá trình công bố một sản phẩm khoa học ít nhất phải có các thành phần bao gồm: tác giả, tạp chí, nhà xuất bản và nguồn cơ sở dữ liệu khoa học.
Ông nhận định thế nào về việc GS Hưng khi chấm dứt hợp đồng với ĐH TĐT và mang tờ tạp chí APJCEN sang đơn vị mới mà GS Hưng làm việc?
Việc một GS đang làm chính thức hoặc hợp đồng với một trường ĐH mở tạp chí cho riêng mìnhở đâu đó là rất bình thường. Điều đó còn được trình bày trong văn bản báo công và thành tích hàng năm của GS gửi cho trường ĐH (ghi nhận anh đã làm gì ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu, và viết báo). Nếu GS là TBT của tạp chí khoa học danh tiếng thì điều đó là một vinh dự cho trường, vì vậy những hoạt động như thế rất được khuyến khích. Nhìn vào nơi làm việc của GS Hưng ghi trong tạp chí APJCEN của Springer thì vẫn là ở Bỉ (University of Liège), điều đó có nghĩa là ĐH TĐT cũng chỉ thuê GS làm ngoài giờ mà thôi.
Nếu luận về thành quả khoa học thì cũng có thể nói ngay: chúng thuộc quyền sở hữu của GS, họ sang trường khác thì cũng đem theo thành quả của họ. Ví dụ, GS Ngô Bảo Châu đem theo công trình đoạt giải Field theo mình chứ trường không nhận được 1 đồng tiền thưởng nào.
Dư luận đã cho rằng, vụ kiện này đang đem lại nhiều hệ luỵ, tiếng xấu cho khoa học trong nước?
Vụ khởi kiện này có lẽ chỉ là một vụ kiện kinh tế mà thôi, cũng không đáng phải to tát hay trở thành một vụ scandal gì, vì nó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Như chia sẻ của GS Hưng, với chức vụ cố vấn và mức lương 15 triệu/tháng, có lẽ GS còn làm cố vấn nhiều nơi cùng lúc. Do đó, theo cách nhìn của một GS làm việc gần cả đời ở nước ngoài thì với số tiền trên, mỗi ngày làm việc cho ĐH TĐT 1-2 tiếng đồng hồ là đã nhiều rồi.
Hơn nữa, theo tôi, ĐH TĐT chưa mất gì đáng kể về tiền bạc và thời gian; công sức của ông Út chưa thấm vào đâu so với cái lợi thu được là kinh nghiệm mở tạp chí, cái đó mới thực sự khó có được.
Các trường ĐH nước ngoài chắc không bao giờ có vụ việc như thế, vì về tài chính thì đã có nhân viên tài chính quản lý, mọi tiền bạc đều thông qua họ. Thông thường các trường ĐH thuê người ghi hợp đồng và có tiêu chuẩn để gia hạn hợp đồng, tiêu chuẩn sa thải khi không hoàn thành công việc. Tôi chưa thấy có kiểu nào đòi bồi thường hợp đồng khi không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như liên đoàn bóng đá thuê huấn luyện viên nước ngoài với mục tiêu vô địch Seagames và họ chỉ có thể sa thải HLV, chứ không thể đòi bồi thường khi đội bóng không vô địch. Nếu việc đòi bồi thường như thế mà thành công thì điều đó cho thấy cách quản lý của mình còn kém, và sẽ không một nhà khoa học tên tuổi nào chấp nhận làm việc cho mình vì sợ phải bồi thường.
Tóm lại, như phân tích ở trên, tôi cho rằng, ĐH TĐT không thể kiện GS Hưng về vấn đề APJCEN trừ khi chứng minh được rằng họ đã chi trả cho NXB Springer mấy chục ngàn USD tiền mở tạp chí. Do vậy, chỉ có thể kiện về vấn đề “không hoàn thành nhiệm vụ được giao” mà thôi.
Nhưng nếu nhà trường kiên quyết kiện như thế thì sau này các nhà khoa học sẽ rất đắn đo khi nhận được lời đề nghị hợp tác với trường. Việc mở tạp chí với ông chủ từ Việt Nam chắc chắn là khó lòng thu hút các nhà khoa học có tiếng vào BBT, và nhiều khi còn phải tốn rất nhiều tiền mới mời được họ.
Với ông chủ là một Hội khoa học của Nhật đã hoạt động hơn 50 năm và tạp chí cũng đã tồn tại hơn 40 năm, mà trong 7 năm cố gắng chúng tôi cũng chỉ mới đưa nó vào được PubMed, và vẫn còn đang chờ được chấp nhận trở thành thành viên của Thomson Reuters, từ đó có được IF chính thức. Như vậy có thể thấy rằng, tham vọng của ĐH TĐT là rất lớn và đáng trân trọng: “Muốn cho nước nhà có được một tạp chí khoa học ở tầm mức quốc tế!”.
Dù cho rằng GS Hưng đã “không hoàn thành nhiệm vụ” thành lập ra một tạp chí khoa học cho trường, nhưng tôi hy vọng ban giám hiệu có thể hòa giải để còn tạo niềm tin cho các nhà khoa học khác đối với trường trong các cơ hội hợp tác ở tương lai.
Lê Quỳnh (thực hiện)