Các hình ảnh vệ tinh trên trang mạng 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (Đại học John Hopkins) cho thấy CHDCND Triều Tiên đang đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới. Mặc dù thực lực của hải quân hai nước quá chênh lệch, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng nếu được đưa vào hoạt động sẽ đe dọa đến lợi ích an ninh của Mỹ trong khu vực, trang Newsweek cho biết.
38 North nhận định: “Triều Tiên đang đẩy nhanh lộ trình đóng và triển khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này. Chương trình này là thước đó cho tham vọng của Bình Nhưỡng và cũng là dấu hiệu cho thấy nước này sẽ không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình”.
Dựa vào những hình ảnh chụp phần thân tàu, 38 North nhận định tàu mới của Triều Tiên là SINPO-C, loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo dựa trên phiên bản thử nghiệm lớp SINPO, nặng 3.000 tấn.
Trước đó, đài CNN cũng cho biết quân đội Mỹ phát hiện Bình Nhưỡng có hoạt động liên quan đến phát triển tàu ngầm “bất thường và chưa từng có”. CNN còn dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định Washington có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang thực hiện nhiều vụ thử tàu ở xưởng đóng tàu Nam Sinpo.
Tàu ngầm Triều Tiên đe dọa lợi ích an ninh Mỹ
Theo trang Newsweek, mặc dù Triều Tiên đang có nỗ lực phát triển tàu ngầm mang được tên lửa đạn đạo, nhưng hải quân của nước này có quy mô và năng lực vẫn còn quá khiêm tốn.
Hải quân Triều Tiên (KPA) có tổng cộng 60.000 binh sĩ, là lực lượng nhỏ nhất của quân đội nước này. Trang The National Interest từng cho biết KPA có một trụ sở hải quân, hai hạm đội, 16 phi đội, hai lữ đoàn bắn tỉa hải quân và các đơn vị phòng vệ bờ biển phân bố rải rác.
Về trang bị, KPA ước tính có khoảng 900 tàu lỗi thời, đa số chỉ có thể hoạt động ở vùng biển lặng, cách bờ 50 hải lý. Ngoài ra, một báo cáo năm 2010 tiết lộ hải quân nước này còn có 70 tàu ngầm.
Ngược lại, Hải quân Mỹ thực sự là “người khổng lồ” với hơn 324.000 binh sĩ thường trực và 100.000 dự bị, có hơn 400 tàu trong đó có 279 có khả năng tham chiến. Ngoài ra, hải quân nước này còn sở hữu hàng chục tàu sân bay, trong đó có tàu sân bay lớn nhất thế giới (USS Gerald R. Ford, trọng tải lên đến 100.000 tấn), tàu đổ bộ và tàu ngầm mang được vũ khí hạt nhân.
Hải quân Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh với Mỹ hiện tại, có 250.000 binh sĩ và dự kiến đến năm 2020 sở hữu 350 tàu, Newsweek cho biết.
Tuy nhiên, dù thực lực hải quân hai nước quá chênh lệch, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nếu được đưa vào hoạt động sẽ đe dọa đến lợi ích an ninh của Mỹ tại khu vực.
Theo trang Star and Stripes: “Việc phát triển một tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa tầm xa mang một ý nghĩa quan trọng vì nó (tàu ngầm) sẽ khó bị phát hiện và hoạt động được trên các vùng biển quốc tế”.
Vào tháng 8.2016, Bình Nhưỡng đã chứng minh được khả năng phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm xa. Mới đây, cơ quan tình báo Hàn Quốc ngày 20.11 vừa cho biết Triều Tiên sau 3 tháng im hơi lặng tiếng (kể từ tháng 9.2017) có thể sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa bổ sung trong năm nay để cải tiến công nghệ tên lửa tầm xa và tăng cường sức mạnh đe dọa đối với Mỹ.
Với tình hình Triều Tiên không ngừng cải tiến tên lửa và phát triển tàu ngầmmang được tên lửa đạn đạo, lời đe dọa “đặt nước Mỹ vào tầm bắn” của nước này có nguy cơ sớm trở thành hiện thực, Newsweek cho hay.
Cẩm Bình (theo Newsweek, Deutsche Welle)