Trong nỗ lực tăng cường quản lý mạng Internet, quân đội Trung Quốc ngày 19.11 đã chính thức đưa vào hoạt động trang mạng cho phép người dân tố cáo “những thông tin có hại cho quân đội”.
Trang tin Bát nhấtcủa quân đội Trung Quốc cho biết trang mạng tố cáo được lập ra, để thực hiện tinh thần chỉ đạo được đưa ra trong Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 và giúp tạo ra “không gian mạng sạch sẽ”.
Người dân được khuyến khích dùng trang này để tố cáo những nội dung trực tuyến công kích vai trò lãnh đạo của quân đội, làm sai lệch lịch sử của đảng và quân đội, hành vi tiết lộ bí mật quân sự, làm lộ thân phận quân nhân.
Người dân cũng có thể tố cáo, nếuphát hiện quan chức quân đội lập tài khoản mạng xã hội - khi chưa được cấp trên cho phép - và công bố những thông tin trái phép, bí mật quân sự.
Ngoài ra, người dân còn có thể tố cáo những vụ giả mạo quan chức quân đội, đơn vị quân đội hoặc đang làm việc cho quân đội. Hình thức tố cáo có thể là công khai danh tính hoặc tố cáo nặc danh.
Trang mạng tố cáo được đưa vào hoạt động trong bối cảnh Trung Quốc đã phát hiện nhiều vụ hoạt động gián điệp trong thời gian qua, trong đó đáng chú ý là vụ hai người đàn ông Trung Quốc bị bắt giam vào năm 2015 vì tội bán bí mật quân sự cho gián điệp nước ngoài, trong đó có hình ảnh của tàu sân bay Liêu Ninh.
Vào tháng 4.2017, tờ Thời báo Hoàn cầu công bố một thống kê cho biết hiện đang có gần hơn 100.000 nhân viên tình báo của các nước đang hoạt động gián điệp tại Trung Quốc, trong đó có không ít người đã ở nước này hơn 10 năm.
Ngoài hoạt động gián điệp, nước này còn ghi nhận nhiều trường giả mạo sĩ quan quân đội để lừa đảo hay thực hiện những hành vi bôi nhọ quân đội.
Năm 2012, Binh chủng Pháo binh 2 thuộc quân đội Trung Quốc đã khởi tố một đối tượng mạo danh nữ văn công của binh chủng này. Đối tượng giả mạo đã nhiều lần đăng hình ảnh ăn chơi trên trang mạng xã hội cá nhân, làm xấu hình ảnh quân đội.
Trong một báo cáo vào tháng 10.2017, Bộ Công an Trung Quốc công bố một vụ án lừa đảo. Hai đối tượng từ đầu năm 2016 đã giả mạo sĩ quan quân đội, gạ bán quân hàm đại tá với giá 15 triệu Nhân dân tệ.
Ngoài ra, tại các tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây trong năm 2017 đã xảy ra hàng chục vụ nhắn tin tự nhận là quân nhân để lừa tiền, trang Sina cho biết.
Cẩm Bình (theo Reuters, Bát nhất)