Ông Lê Văn Đốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đã dừng xây dựng đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Theo ông Đốc, các ngành chức năng và các địa phương chỉ trồng khảo nghiệm để xác định khu vực có diện tích đất đai, khí hậu thích hợp với loại cây này, tuyệt đối không được trồng rộng rãi ở những diện tích chưa qua khảo nghiệm.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai trồng cây mắc ca ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, cây cho năng suất quả rất khác nhau bởi loại cây này yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới có Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành có trồng khảo nghiệm 500 cây mắc ca trên diện tích khoảng 2 ha và đã có sản phẩm được 2 năm nay.
Qua khảo nghiệm, việc trồng cây mắc ca cùng ngày, cùng cách trồng, cùng kỹ thuật nhưng cây trồng ở dưới chân đồi cho năng suất trên 3 tấn/ha, trồng ở lưng đồi và đỉnh đồi chỉ cho năng suất 6-7 tạ/ha.
Thực tế này cho thấy, việc xây dựng đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca cần có thêm thời gian mới có cơ sở khoa học để xây dựng quy hoạch diện tích trồng. Hơn nữa, việc đầu tư trồng loại cây này cũng tương đối cao, dao động từ 80-100 triệu đồng/ha, đây là số tiền không hề nhỏ đối với nông dân nên cũng cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng mới cho áp dụng rộng rãi.