Theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Hiện nay, mức lại suất cho vay trung bình trên thị trường khoảng 8,5% trong khi lạm phát chỉ ở mức 1%, mức lãi suất cho vay thực dương là 7,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, lãi suất cao đối với một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động ở mức trung bình trên thị trường, lợi nhuận kiếm được từ các khoản vay thêm sẽ không đủ để trả nợ lãi suất và sớm hay muộn các doanh nghiệp này cũng sẽ thu hẹp quy mô sản xuất.
Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh. Đồng thời, gây khó khăn cho các con nợ trong đó có cả nợ xấu và nợ công. Các tính toán cho thấy, nếu lãi suất cho vay thực (lãi suất cho vay sau khi trừ đi lạm phát) tăng thêm 1%, tỷ lệ đầu tư/GDP sẽ giảm khoảng 0,76 điểm phần trăm.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, tình trạng lạm phát thấp không phải bây giờ mới xuất hiện, khi tốc độ lạm phát tháng 12.2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,845, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra.
Ông nói thêm, kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này khiến cho chênh lệch tổng cầu, tổng cung liên tục giảm và kéo theo lạm phát giảm theo.
“Đứng trên quan điểm tổng cầu là yếu tố tác động lâu dài và mang tính quyết định, xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên. Do đó, với mô hình dự báo lạm phát trên cơ sở chênh lệch tổng cầu – tổng cung cho kết quả là lạm phát tháng 12.2015 so với cùng kỳ năm trước sẽ ở mức 0,9%”, TS. Độ nhận định.
Hoàng Long