Ngày 27 nêu cửa, cũng là lúc các bá, các mế, các ún ra suối rửa lá dong, chuẩn bị gói bánh chưng đón Tết. Trên nhà, thầy mo cũng soạn sửa xong đồ nghề, chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho những ngày “chạy sô” khắp các Mường. Trong âm vang vui vầy của ngày xuân ở khắp 4 Mường, thầy mo đang lặng lẽ thực hiện “thiên chức” cao cả của mình.
Kết nối giữa con cháu với tổ tiên
Trước khi tìm về các xã vùng cao Tân Lạc, chúng tôi dừng chân ở xã Phong Phú - cái nôi đậm đà bản sắc của người Mường Bi. Cùng với thầy mo Bùi Văn Lựng, thầy mo Bùi Văn ểu, xóm Lầm cũng là một trong những hậu duệ được thừa hưởng những áng mo bất hủ của người Mường Bi. Theo ông ểu, đối với người Mường, khấn năm mới (cúng năm mới) là nghi lễ được duy trì từ bao đời nay. Mục đích nhằm báo cáo tổ tiên những thành quả đã đạt được trong năm cũ, tri ân tổ tiên đã phù hộ, độ trì cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn tiến tới. Đồng thời, mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu: “Trong lời khấn Tết, thầy mo thay mặt cho chủ nhà bày tỏ sự biết ơn đối với tổ tiên và mong được tổ tiên tiếp tục phù hộ cho con cháu được an lành, mạnh khỏe trong năm mới”, thầy ểu cho hay.
Chia tay thầy ểu, chúng tôi ngược đèo Quyết Chiến, “xé” những màn sương đục quánh lên các xã vùng cao Tân Lạc. Nụ đào rừng trên con đèo uốn lượn này đã hé nở, khoe sắc hồng phớt thật an nhiên. “Hầu như dòng họ nào cũng có một người biết khấn năm mới, nhưng được gọi là thầy mo thì Quyết Chiến chỉ có 2 người. Thầy mo Đinh Công ạch, xóm Cá là một trong số đó, bận rộn nhất trong những ngày Tết”, đồng chí Bùi Quang Đạo, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho hay.
Từ xóm Biệng, đi theo con đường cấp phối hơn 5 km, xóm Cá hiện ra với những mái nhà sàn dựa lưng vào núi. Xóm có 97 hộ dân, theo chia sẻ của bà con: “Ngày Tết, thầy ạch sẽ khấn cho tất cả các hộ trong xóm”. Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy (78 tuổi) nhưng nhìn nước da đỏ au, chúng tôi cũng lý giải được vì sao ông vẫn “chạy sô” được khắp mường trong ngày Tết. Nhấp chén nước lá, đôi ngụm rượu ngô, cái lạnh ở nơi lưng chừng núi đã dịu đi nhiều. Thầy ạch cởi mở chia sẻ: “Từ năm 20 tuổi, tôi bắt đầu học mo và các bài cúng. Đến năm 23 tuổi thì bắt đầu đi cúng năm mới và duy trì đến giờ. Năm nào cũng vậy, từ ngày 7 nêu cửa (27 Tết) đến ngày 7 khai hạ, phục vụ hết trong xóm, tôi lại đi khấn ở các xóm lân cận, cả bên huyện Mai Châu cũng có bà con đến nhờ”.
Theo chia sẻ của ông ạch, cúng năm mới là nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Tết của bà con người Mường, bởi lẽ: “Phong tục mời tổ tiên về ăn Tết thể hiện cho truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Mường. Chỉ sau khi thầy mo làm lễ dâng thịt, rượu mà con cháu chuẩn bị thì người Mường mới bắt đầu ăn Tết. Họ hàng, bạn bè mới đến chúc tụng gia chủ”. “Chính vì vai trò rất quan trọng nên bà con chúng tôi luôn tin tưởng thầy ạch, dù có phải đợi cả ngày cũng phải chờ bằng được thầy ạch đến làm lễ cho”, ông Đinh Công Mai, người dân xóm Cá chia sẻ.
Câu chuyện chờ thầy đến cúng từ sáng đến tối không chỉ diễn ra ở gia đình ông Mai và người dân xóm Cá mà chúng tôi cũng ghi nhận được ở các xã khác của huyện Tân Lạc, kể cả bà con người Mường ở xã Ba Khan (Mai Châu) cũng vậy. Theo lý giải của bà con, họ quan niệm, tổ tiên đã quen tiếng, quen lời của ông thầy này rồi, nếu nhờ thầy khác thì sẽ không “được cảo” (Cảo là dụng cụ làm bằng tre, sau khi cúng xong, thầy mo sẽ xin cảo với tổ tiên, nếu tổ tiên đồng ý thì sẽ cho cảo như thầy mo mong muốn - PV).
“Mỗi gia đình sẽ cúng số lượng mâm cỗ khác nhau, tùy thuộc vào số lượng những người đã về với tổ tiên, gia đình con trai cả thường có nhiều mâm hơn. Trong bài cúng, ngoài những nội dung cơ bản đòi hỏi thầy cúng phải nhớ tên tất cả những người đã khuất của gia chủ để mời họ về ăn Tết. Do đó, với những người trẻ tuổi thì không thể nắm rõ hết được, chỉ có thầy mo là người nắm rõ lai lịch của từng nhà, từng dòng họ”, ông Mai, xóm Cá cho hay.
Sẽ không quá khi nói rằng, thầy mo không chỉ là người có sức khỏe tốt, mà còn có trí nhớ tốt. Ví như thầy ạch, ông phải nhớ tên “các cụ” của 97 hộ dân trong xóm và của hàng chục hộ ở các xóm khác, tính ra, mỗi hộ, sẽ có ít nhất 4 cái tên mà ông phải nhớ.
Thầy mo thời “di động số”
Với một xóm không có thầy mo như xóm Bương, xã Nam Sơn (Tân Lạc), điện thoại di động ra đời có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi trước đây, họ rất vất vả trong việc đi mời thầy mo về cúng Tết. ông Bùi Hồng Min, Trưởng xóm Bương chia sẻ: “Trước đấy, mỗi dịp Tết đến là phải xuống đặt lịch hẹn trước với các thầy ở xóm Bái, không thì người khác mời trước, mình lại phải đợi. Vì chưa có điện thoại, mỗi nhà lại nằm cách xa nhau nên chẳng biết thầy đang ở nhà nào, có khi mất cả buổi tìm thầy ấy chứ. Bây giờ, có điện thoại di động rồi, đường đi lại cũng thuận tiện nên cả chủ nhà và các thầy đều chủ động hơn”.
Ông Cao Viết Lực, thầy mo nổi tiếng ở xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) cũng bận rộn không kém thầy ạch trong những ngày Tết. “Ngoài gia đình anh em, con cháu trong xóm, họ hàng ở các xóm Bo, xóm Trang, xóm Đừng, tận dưới xã Phú Lương (Lạc Sơn) cũng gọi điện thoại đợi xuống cúng. Nhờ có điện thoại, xe máy nên giúp được nhiều nhà hơn. Ngày trước, do không sắp xếp được lịch, có nhà làm cỗ từ sáng, chờ đến nửa đêm nên dù mệt vẫn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho chủ nhà”, thầy Lực chia sẻ.
Được biết, sau khi hoàn thành “thiên chức” của mình, theo phong tục của người Mường, gia chủ sẽ đem “quà lá” (thịt gói trong lá chuối, rượu, mứt) đến nhà thầy mo để cảm ơn. Ngày nay, phong tục này đã thay đổi nhiều, hầu hết, “quà lá” được thay bằng tiền mừng tuổi, số tiền tùy tâm gia chủ. Trong thời buổi xã hội ngày một phát triển, nhiều thứ đã thay đổi theo hướng thuận lợi hơn nhưng trên hết, thầy mo vẫn sẽ cúng bằng hết cái tâm của mình để xứng đáng là cầu nối giữa chủ nhà với tiên tổ
“Mỗi nhà sẽ cúng từ 1 - 2 tiếng đồng hồ, quãng thời gian như lời thủ thỉ giữa con cháu với tổ tiên. Có nhiều người vì cái lợi trước mắt mà cúng qua loa, chạy theo số lượng, như thế là thất đức. Mình là người được bà con tin tưởng thì phải nói hết lời, khi nào tổ tiên hài lòng, đồng ý phù hộ cho cháu con thì mới thôi”, thầy mo Đinh Công ạch chia sẻ.