Tôi phải kêu lên như thế cho đỡ ấm ức sau khi đọc thông tin về sự ngược đãi những người Thầy. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Không có nghề nào hèn cả, chỉ có người hèn” nói lên sự bình đẳng trong phân công xã hội.

Thầy ơi là thầy

13/03/2018, 06:55

Tôi phải kêu lên như thế cho đỡ ấm ức sau khi đọc thông tin về sự ngược đãi những người Thầy. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Không có nghề nào hèn cả, chỉ có người hèn” nói lên sự bình đẳng trong phân công xã hội.

Minh họa: Báo Tuổi Trẻ

Nghề nào cũng quan trọng, cũng vinh quang vì góp phần cho cuộc sống phát triển tốt đẹp. Chọn nghề, quan trọng là sở trường, đam mê và nhu cầu xã hội chứ không phải vì mốt hay thu nhập. Xã hội Việt Nam có những đặc thù riêng. Dẫu xác định “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng vẫn có cách nhìn thiên vị về nghề nghiệp. Đặc biệt là những nghề liên quan trực tiếp đến Con Người.

Không phải tự nhiên mà người Việt gọi những người làm nghề dạy học và chữa bệnh là Thầy. Thầy giáo và Thầy thuốc. Có vài nghề cũng được gọi là thầy nhưng không được trân quý như thầy bói, thầy tướng số, thầy địa lý, thầy thông, thầy phán hoặc mỉa mai như thầy dùi. Nghề nào cũng cao quý nhưng với người Việt nghề dạy học và nghề chữa bệnh được kính trọng hơn cả. Thầy khác với thợ, phải học giỏi hơn người và không phải ai cũng làm được. Chữ Thầy có cái gì thiêng liêng cao cả, nhất là thầy giáo. Đạo đức xã hội phong kiến dựa trên nền tảng của quan hệ “Quân - Sư - Phụ”.

Xã hội Việt Nam trước 1975, dù không còn vua nhưng người Thầy ở miền Nam vẫn giữ vị trí cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự trưởng thành của mỗi người vì “Lương Sư Hưng Quốc”. Người Việt bảo nhau “Muốn sang thì bắc cầu kiều…” và dạy con cháu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cha mẹ có công sinh thành, nuôi dưỡng; thầy cô có công dưỡng dục, dạy dỗ ta nên người. Thầy cô chỉ đứng sau cha mẹ “Mồng 1 tết cha, mồng 3 tết thầy…”. “Trời cao, biển rộng, đất dầy. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy khắc ghi”.

Nghề làm thầy buộc mình phải tốt hơn và không ngừng nỗ lực. Từng làm thầy giáo, tôi càng nghiệm ra điều đó. Nghề giáo nhắc mình phải sống tốt hơn để làm gương cho học trò và để được phụ huynh quý mến, tin cậy. Vì sợ phụ huynh chê cười và học trò xem thường nên buộc mình không được làm bậy.

Nghề thuốc cũng vậy. “Lương y như từ mẫu”. Đây là nghề phải học lâu nhất, sau 4 năm đại học phải mấy năm thực tập mới được hành nghề. Ngành Y là ngành luôn có tỉ lệ cạnh tranh quyết liệt nhất. “Nhất Y, nhì Dược”. Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Ngay nay, các trường sĩ quan quân đội và công an có tỉ lệ đầu vào khó nhất. Có năm thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn rớt vì thua các điểm cộng ưu tiên và lý lịch. Điều này chỉ có ở Việt Nam. Người Việt gọi bệnh viện là Nhà Thương, một cách gọi hình tượng và nhân văn. Thầy thuốc được mọi người trân quý như Thầy giáo vì cả hai ngành đều liên quan đến con người, cả sức khỏe lẫn trí tuệ và nhân cách.

Không biết chính xác tự bao giờ, trật tự xã hội nhiễu nhương và đảo lộn. Trước 1975, ở miền Nam, Sư Phạm song hành với Y Khoa, là hai ngành khó vào nhất. Còn bây giờ, người ta bảo nhau: “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư Phạm”. Thầy dốt, nên khó có trò giỏi. Trò không giỏi vào Sư Phạm… Cứ một vòng luẩn quẩn và giáo dục ngày càng xuống cấp. Khi máy cái của xã hội lạc hậu và hỏng hóc thì cuộc sống đảo điên là tất yếu.

Chính sách cộng điểm ưu tiên phi lý vì kiến thức không thể ban phát. Rồi đào tạo giáo viên cấp tốc kiểu mì ăn liền. Lương giáo viên ngang bằng lương bảo vệ vì xem thường lao động trí óc, buộc người Thầy phải bươn chải đủ nghề, từ thượng vàng đến hạ cám. Thầy giỏi rời ngành để kiếm sống. Thầy ở lại đa phần không dám phiêu lưu và không biết nghề gì khác ngoài dạy học. Người Thầy bị xem thường, tha hóa; được học trò gọi là “ông, bà”; thậm chí phụ huynh gọi là “thằng này, con kia”.

Ngành Y dù vẫn danh giá nhưng cách cộng điểm và đào tạo chẳng giống ai nên “Lương y như từ mẫu” ngày càng hiếm. Thay vào đó là những thầy thuốc ba rọi về chuyên môn và giỏi vòi vĩnh người nhà bệnh nhân. Thầy thuốc lại đồng hành xuống cấp cùng với thầy giáo. Cả hai Thầy - thầy giáo và thầy thuốc - nhiều người kém cả chuyên môn lẫn đạo đức, không còn là cá biệt mà xuất hiện nhan nhản trên báo chí và mạng xã hội. “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, đâu có gì khó hiểu. Khó hiểu là vấn nạn ngày càng lây lan mà chưa có cách nào giải quyết hiệu quả. Giải pháp nào cũng nửa vời kiểu “Đầu voi đuôi chuột” hoặc “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nên mọi việc ngày càng tệ hại.

Chuyện người nhà hành hung và tấn công Thầy thuốc xảy ra như cơm bữa. Đến bảo vệ bệnh viện còn bị đánh cho ngất xỉu nữa là. Có Thầy thuốc phải cấp cứu và may hàng chục mũi. Những Thầy thuốc chân chính hoang mang muốn bỏ nghề. Số đông an phận, chọn giải pháp “3 không: không nghe - không thấy - không biết”; an toàn thỏa hiệp với cái xấu. Tư lệnh ngành hô hào bảo vệ Thầy thuốc nhưng không có biện pháp cụ thể. Chưa bao giờ nghề Thầy thuốc lại nguy hiểm như hiện nay.

Thầy thuốc chỉ bị người nhà hành hung. Thầy cô mẫu giáo, nhà trẻ và tiểu học bị phụ huynh hành hung, ngược đãi vì dám xử phạt con cái họ. Còn học sinh cấp 2 cho đến sinh viên đại học là thẳng tay tấn công thầy cô nếu không vừa lòng. Một mình đánh chưa đã thì kéo cả băng đảng. Làm Thầy, cả thầy giáo và thầy thuốc giờ nguy hiểm như cảnh sát hình sự. Mầm mống mafia có mặt khắp nơi. Cả Nhà Thương và Nhà Trường đều không còn là thánh địa của đạo đức và tôn ti trật tự xã hội. Có khi hỗn độn như chợ trời với luật rừng, đụng chuyện là đua nhau “Thừa Thiên hành đạo”, bất chấp đạo lý và lễ nghĩa của cha ông.

Sau những sự kiện dồn dập đau lòng của ngành Y và Sư Phạm, nghe đâu các Trung tâm Võ thuật càng ăn nên làm ra vì sinh viên hai ngành trên rủ nhau đi học võ để phòng thân khi ra trường. Có người đề nghị bổ sung môn “Võ tự vệ” vào chương trình chính khóa bắt buộc của các Thầy tương lai. Có người còn cực đoan, không cho con chọn ngành Y và Sư Phạm vì quá nguy hiểm. Thời nay, phải học nghề gì cho nó lành. Làm Thầy thuốc hay Thầy giáo cũng được nhưng đừng dạy người. Làm “Bác sĩ thú y” và “Huấn luyện chó mèo” cho chắc ăn hơn vì loài vật không nói được tiếng người nên đỡ nguy hiểm.

Nghe thiên hạ còm loạn xạ trên mạng, tôi cũng hoang mang. Thầy tôi, một nhà giáo tận tụy, xem dạy học là một thứ tôn giáo nghề nghiệp vừa báo cho tôi hay “Thầy xin nghỉ hưu sớm” vì “Nhà trường bây giờ như chợ trời. Thầy không thể làm - con buôn chữ nghĩa - Mình ở trong đó, có ngày bị liên lụy”. Giọng Thầy nghe rất lạ, cứ như người sắp đi xa để lại di chúc. Tôi biết đằng sau quyết định đó là nỗi đau gần cả đời gắn bó với nghề. Chắc Thầy đã suy nghĩ lung lắm mới đành lòng đoạn tuyệt. Một quyết định khó khăn biết chừng nào.

Tôi đắng lòng, không nói thành lời. Chỉ biết gào trong câm lặng và nước mắt “THẦY ƠI LÀ THẦY”. Thầy bỏ dạy làm sao tụi em dám theo nghề?

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy ơi là thầy