Việc thí điểm cơ chế đối tác công- tư trong khoa học công nghệ kỳ vọng giải quyết một số vấn đề lớn của ngành, lĩnh vực, thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư khoa học công nghệ.

Thí điểm việc 'bắt tay' công – tư trong tài trợ các nhiệm vụ KH-CN

10/10/2016, 18:32

Việc thí điểm cơ chế đối tác công- tư trong khoa học công nghệ kỳ vọng giải quyết một số vấn đề lớn của ngành, lĩnh vực, thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư khoa học công nghệ.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo thẩm tra kết quả giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc hội cho biết, hiện nay khả năng cân đối của ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu vốn về phát triển khoa học và công nghệ. Cùng với đó, chưa thực sự huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.

Điều đó dẫn đến việc hình thành và sử dụng các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ còn chậm và gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy tốt vai trò của các Quỹ khoa học công nghệ, nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa hình thành và sử dụng được các quỹ này.

Tuy nhiên, có một giải pháp tích cực cho vấn đề này khi mới đây, đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và thí điểm cơ chế đối tác công tư, đồng tài trợ một số chương trình khoa học công nghệ theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau. Điều này kỳ vọng giải quyết một số vấn đề lớn của ngành, lĩnh vực, thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư khoa học công nghệ.

Theo đề án này, các đối tác đóng góp nguồn lực thực hiện chương trình bao gồm: Đối tác công là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương); các định chế tài chính hoạt động chủ yếu bằng ngân sách nhà nước; đối tác tư là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.

Phần đóng góp của đối tác tư chiếm không dưới 40% tổng nguồn lực thực hiện Chương trình; các tổ chức hợp tác phát triển song phương và đa phương, các quỹ và các tổ chức, cá nhân khác tham gia đóng góp nguồn lực thực hiện. Chương trình được tính vào phần đóng góp của đối tác công hoặc đối tác tư tùy từng trường hợp cụ thể.

Nguồn lực đóng góp của đối tác công được ưu tiên dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực hiện các đề tài, dự án của chương trình.

Về huy động nguồn lực thực hiện, chương trình khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế đóng góp. Phần đóng góp tham gia chương trình bằng tiền, tài sản hoặc dịch vụ được tính là khoản đầu tư cho khoa học và công nghệ và hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là tập trung, lồng ghép kinh phí ngân sách nhà nước từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các chương trình, dự án khác nhau có mục tiêu phù hợp đóng góp thực hiện chương trình.

Về chế độ tài chính trong việc thực hiện đề tài, dự án của chương trình và các hoạt động khác của đề án, áp dụng nội dung, định mức và phương thức chi thuận lợi nhất được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc đã được áp dụng đối với những nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc thù khác; các nhóm chủ trì thực hiện đề tài, dự án của chương trình được chủ động điều chỉnh dự toán, áp dụng chế độ thực thanh, thực chi trong giới hạn được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực thực hiện các đề tài, dự án của chương trình được ưu tiên sử dụng kết quả tạo ra phù hợp với các quy định pháp luật; kết quả thực hiện đề tài, dự án của chương trình được ưu tiên lựa chọn trong hoạt động đầu tư mua sắm công; được ưu tiên sử dụng làm tiêu chuẩn quốc gia trong những lĩnh vực phù hợp.

Tại hội thảo "Cơ chế quan hệ hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN" do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, PPP trong thực hiện nhiệm vụ KHCN sẽ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, thu hút vốn đầu tư, chia sẻ rủi ro đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học…

Sự ra đời của PPP cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm một đơn vị trung gian, nắm bắt được doanh nghiệp cần những gì, hay phải tìm ở đâu để đáp ứng nhu cầu, kết nối họ lại với các trường đại học hay viện nghiên cứu. Đây sẽ là cơ chế tạo ra sự tương tác, ưu đãi giúp doanh nghiệp và nhà khoa học cùng ngồi lại với nhau và thực hiện các dự án.

Nói tại hội thảo, ông Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Đổi mới công nghệ - Viện Chiến lược chính sách KHCN, PPP sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với tính chất nhỏ lẻ, tản mạn thì để đáp ứng được yêu cầu của thị trường sẽ rất khó khăn.

Không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động, PPP còn là công cụ để giúp Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tụ hợp mọi nguồn lực giải quyết vấn đề KHCN trung và dài hạn mang tính chiến lược then chốt, cốt lõi của ngành, quốc gia. Bởi thực tế cho thấy, nhiều hoạt động nghiên cứu, nhiệm vụ về KHCN hiện nay thường bị phân tán và xé lẻ không tạo được nguồn đầu tư tới ngưỡng cho phép.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
22 phút trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí điểm việc 'bắt tay' công – tư trong tài trợ các nhiệm vụ KH-CN