Theo kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan đến Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT mà thanh tra Bộ vừa nêu, việc tổ chức kỳ thi HS giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017 có nhiều bất cập, sai phạm.
Sau khi rà soát lại đề thi và quá trình chấm thi kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia (HSGQG), thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra hàng loạt bất cập, sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi HS giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017.
Cụ thể, bài thi mã phách 04363402 của thí sinh Thanh Hoá từ không có giải, sau khi chấm phúc khảo đã được giải Ba, từ 11,5 tăng lên 12,5 điểm. Trong biên bản chấm phúc khảo, nguyên nhân tăng điểm được cho là cộng nhầm điểm, nhưng khi kiểm tra thì không phải cộng nhầm mà giám khảo cho thêm điểm thành phần vào bài thi bằng mực tím. Riêng câu 6 tăng 0,5 điểm mà không rõ phần nào.
Một bài thi khác có mã phách 04400325 của thí sinh tại Hà Nộitừ 9,25 lên 10,5 điểm với lý do là cộng nhầm. Bộ GD - ĐT đang nghiên cứu, xem xét các khía cạnh của kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia để đổi mới kỳ thi này.
Trên đây chỉ là 2 trường hợp cụ thể mà Thanh tra Bộ GD-ĐT chỉ ra trongkết luận thanh tra liên quan đến Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ÐT), ngoài ra còn hàng loạt sai phạm khác...
Kết quả thi học sinh giỏi quốc tế từ năm 2007 đến năm 2018. - Nguồn: Bộ GD - ĐT
Cụ thể, tại một số địa phương, người ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố.
Trong đó, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình)năm 2017 có 12 người; Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), năm 2017 có 21 người; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), năm 2016 có 7 người... là thành viên ra đề đề xuất, hội đồng ra đề thi tham gia tập huấn, ôn luyện học sinh giỏi.
Trong khi đó, số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi HSGQG khá ít nên dễ thiếu khách quan và có thể lộ đề.
Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ÐT cũng chỉ rõ, danh sách người ra đề đề xuất không ghi ngày, tháng ban hành; người ký không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức sao chụp, nhân bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật...
Kết quả việc kiểm tra xác suất chấm lần một của 27 bài thi HSGQG năm 2017 cho thấy, giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng. Như bài thi số phách 4114 (môn Sinh học), điểm câu 1 ghi không đúng, khiến cho tổng điểm bài thi thực tế là 18,75 điểm nhưng được ghi là 19 điểm; bài thi số phách 5606 (môn Lịch sử) câu 6 được ghi là 2,5 điểm nhưng điểm thực tế chỉ là 2,25 điểm.
Ở môn Lịch sử, số phách 5209 và số phách 5325 có phiếu điểm thống nhất cùng là 13,75 nhưng in từ máy tính ra lại là 14 điểm...
Qua kiểm tra xác suất bốn bài thi có điểm thay đổi sau khi phúc khảo (hai bài môn Hóa học, hai bài môn Sinh học) cho thấy, không có biên bản mở, kiểm tra túi bài thi theo quy định; biên bản tổ chấm ghi không đúng với thực tế của việc tăng điểm bài thi.
Trong khi đó, phát biểu trên các phương tiện truyền thông, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho rằng trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn HSG quốc gia, dự thi Olympic khu vực quốc tế được Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan hơn.
Đặc biệt, trong 5 năm liên tục từ 2014 - 2018, các đoàn HSG Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế có những tiến bộ vượt bậc, cả về số lượng và chất lượng huy chương, theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Học sinh có mặt trong đội tuyển quốc gia và lập thành tích xuất sắc tại các Olympic khu vực và quốc tế được rải đều ra trên phạm vi toàn quốc, không chỉ tập trung ở các trường chuyên thuộc trường đại học ở đô thị lớn hoặc các một vài trường THPT chuyên có bề dày thành tích như nhiều năm trước đây.Trong đó, có nhiều em đoạt giải cao là học sinh nghèo vượt khó, có bố mẹ là người lao động bình thường, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, trong tổ chức thivẫn còn có hạn chếnhư một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc hoặc băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện các giải pháp đổi mới trong tổ chức thi nhiều năm qua, nhất là ở các năm 2017, 2018, 2019 như tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai các công đoạn của quy trình chấm thi theo quy định của Quy chế. Bộ sẽ mời các chuyên gia, nhà giáo giỏi có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan.
Đồng thời, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Tú Viên (tổng hợp)