Cho đến sáng ngày 1.8, đã có tới hơn 100 trường ĐH công bố điểm chuẩn vào các ngành, khoa của trường, thậm chí các trường ĐH top đầu công bố điểm chuẩn cao chót vót khiến không ít thí sinh ngỡ ngàng.
Năm 2017, với kỳ thi trắc nghiệm tổ hợp đầu tiên, không ít các thí sinh đã đạt điểm rất cao ở kỳ thi này. Thậm chí có hàng loạt “cơn mưa điểm 10” ở các tỉnh, thế nhưng không vì thế mà các thí sinh yên lòng với điểm số cao của mình. Không ít thí sinh khóc tức tưởi khi đạt điểm thi ĐH cao chót vót, 26, 27, thậm chí 28 vẫn trượt ĐH vì chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vì sự chủ quan, không lường trước được sự biến động điểm chuẩn của kỳ thi năm nay.
Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Hữu Ánh (Hà Nội) bật khóc khi biết mình 29 điểm nhưng vẫn trượt trường ĐH Y mà em và gia đình yêu thích. “Năm ngoái, em thấy trường ĐH có khoa đã hạ xuống dưới 20 điểm, năm nay em đạt 29 điểm em thấy khá tự tin nên chỉ đăng ký mỗi khoa Y đa khoa, cuối cùng là không đạt. Đành ôn thi một năm nữa nhưng em thấy buồn vì em biết có những bạn thí sinh điểm chỉ có 26, 27 điểm nhưng được cộng điểm ưu tiên vùng nên vẫn đỗ. Điều đó mới khiến em cảm thấy buồn”,em Ánh cho hay.
Với số điểm 28, thí sinh Hà Minh (Thanh Hoá) cũng trượt nguyện vọng 1 tại trường ĐH Ngoại thương. “Em đã quá tin tưởng vào tư vấn của các thầy cô giáo tại các trường ĐH nói rằng điểm thi năm nay không biến động nhiều so với năm 2016, tuy nhiên khi nhà trường công bố điểm chuẩn thì em mới thật sự sốc nặng khi điểm chuẩn năm 2017 lệch so với các năm từ 4 - 5 điểm.”
Trao đổi về điểm chuẩn tăng vọt trong năm 2017, thầy giáoNguyễn Thành Công, giáo viên Sinh học Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhận định, điểm trúng tuyển vào các trường xét tuyển năm nay sẽ cao hơn so với các năm rất nhiều. “Thậm chí điểm chuẩn của các trường khối quân đội sẽ tăng cao, tôi đã chia sẻ ý kiến của mình với báo chí cũng như các em trước đó, nếu các em không nắm bắt tình hình thực tế cũng như dự đoán được số điểm năm nay từ các học sinh đều cao thì dù điểm ở mức 27,28 điểm vẫn trượt ĐH như thường”,thầy Công khẳng định.
Do quá tin tưởng vào đợt tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH mà giờ đây nhiều thí sinh, phụ huynh đã “chết đứng” khi thấy với số điểm cao mà con mình vẫn trượt ĐH. Thậm chí có nhiều phụ huynh vẫn hy vọng các trường ĐH tốp đầu có thể hạ điểm chuẩn trong thời gian tới để con mình có cơ hội đỗ cao hơn.
Vào sáng ngày 1.8, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT đã có hơn 100 trường ĐH công bố điểm trúng tuyển và nhiều trường đã tuyển đủ lượng thí sinh yêu cầu, ở các khoa, ngành "hot" tại các trường ĐH tốp đầu, hầu hết điểm chuẩn đều tăng cao hơn so với dự kiến. Ba nhóm “đầu bảng” có điểm chuẩn cao là các nhóm trường khối công an, quân đội, Y - Dược. Xếp thứ tư là khối các trường ĐH khối kinh tế. ĐH Ngoại thương đã công bố điểm chuẩn đại học 2017 cho cả 3 cơ sở Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM. Điểm trúng tuyển cao nhất tại cơ sở Hà Nội là 28,25 (ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Luật, khối A00), tăng 2,25 điểm so với năm ngoái.
Đặc biệt, nhóm ngành KHXH&NV năm nay cũng có điểm chuẩn cao bất ngờ. Trường KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) có điểm chuẩn cao nhất là ngành Đông phương với 28,5 điểm. Tiếp đến là ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành lấy 27,75 điểm.
Chia sẻ với phóng viên, GS Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết: “Chúng tôi rất tiếc cho nhiều trường hợp các em đạt điểm cao nhưng vẫn trượt vì những điểm ưu tiên dành cho thí sinh các tỉnh. Thậm chí, điểm chuẩn tăng các em phải có những thông tin trước đó để chuẩn bị cho mình. Ngành Y đa khoa là một trong những ngành hot nhất của trường ĐH Y Hà Nội với mức điểm chuẩn là 29,25. Điều này chứng tỏ là sự thay đổi trong thi cử phù hợp khiến các em có mức điểm cao hơn so với mọi năm chứ không phải là do các em học giỏi lên một cách xuất sắc sau 1 năm ôn tập. Tiêu chí phụ được nhà trường xây dựng theo quy chế của Bộ GD-ĐT để việc xét tuyển được đảm bảo thuận lợi. Nếu không có tiêu chí phụ, trường không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao. Cộng điểm ưu tiên cũng là quy chế của Bộ GD-ĐT. Với ĐH Y Hà Nội, số thí sinh được cộng điểm chiếm đa số, số thí sinh không được cộng điểm là thiểu số. Theo quy định chung, học sinh ở Hà Nội đương nhiên không được cộng điểm”,ông Tú cho hay.
Thậm chí với các thí sinh dự thi vào trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, khối A đạt ngưỡng 30,25 điểm và đáp ứng đủ tiêu chí phụ mới đỗ được vào trường. Ví dụ, điểm chuẩn khối A, phía Bắc của trường ĐH Phòng cháy chữa cháy là 30,25 điểm. Trong 4 thí sinh đạt cùng mới 30,25 điểm thì nhà trường chỉ lấy 3 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn cao nhất là từ 28,25 điểm, thí sinh còn lại dù đạt điểm tổng rất cao nhưng vẫn không đỗ vì không đáp ứng đủ tiêu chí phụ (điểm cộng ưu tiên vùng).
Liên quan đến việc lựa chọn nguyện vọng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định, phân bố phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống cho thấy khối A và B có đông thí sinh nhất, hầu như không khác biệt nhiều so với năm 2016.“Đặc biệt, đường cong phổ điểm về phía bên phải - điểm cao thoải hơn. Do vậy, các trường top trên có điểm chuẩn cao sẽ không gặp khó khăn trong việc xét tuyển và không cần phải sử dụng nhiều đến tiêu chí phụ” - ông Ga cho hay.
Ngày 1.8 chính là hạn cuối cùng công bố điểm chuẩn xét tuyển của các trường ĐH. Bên cạnh hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia, nhiều trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển dựa trên điểm học bạ bậc trung học phổ thông hoặc điểm năm học lớp 12 của thí sinh. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi trường công bố điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển sẽ phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi về trường trước 17 giờ ngày 7.8 để khẳng định việc nhập học.Sau thời điểm trên, nếu thí sinh không gửi giấy chứng nhận kết quả thi đồng nghĩa với việc từ chối nhập học và trường có quyền gỡ tên thí sinh khỏi danh sách trúng tuyển.
Dạ Thảo