Đành rằng do biến đổi khí hậu nhưng nếu như việc bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả thì chắc chắn sẽ giảm thiểu rất nhiều độ tàn phá của mưa lũ.
Với miền Trung, bão lũ là chuyện hằng năm, cứ đến hẹn lại lên. Chỉ khác nhau tần suất và mức độ. Nhưng chưa có năm nào khốc liệt như năm nay. Đặc biệt là thương vong về người với những vụ sạt lở kinh hoàng, xóa sổ hàng trăm ngôi nhà, vùi lấp hàng chục nhân mạng. Đại dịch COVID 19 chưa qua, bão lũ ập tới như hiểm họa kép. Khó khăn chồng chất.
Không ít người thắc mắc là tại sao thiên tai cứ ngày càng dữ dội, thiệt hại ngày càng năng nề, dù khoa học tiến bộ, phương tiện cứu hộ hiện đại, dự báo chính xác hơn? Đành rằng do biến đổi khí hậu nhưng nếu như việc bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả thì chắc chắn sẽ giảm thiểu rất nhiều độ tàn phá của mưa lũ.
Thiếu rừng giống như thiếu một bức bình phong chống lũ, chống sạt lở. Không cần nhìn ảnh chụp từ vệ tinh, chỉ cần đi máy bay vào ngày trời quang mây tạnh; là mục sở thị. Nhìn qua khu vực dãy Trường Sơn và ngã ba Đông Dương là thấy sự khác biệt.
Phía lãnh thổ Lào và Campuchia, rừng xanh mượt mà, dù bị khai thác trộm. Bên Việt Nam, rừng loang lổ, màu xanh đan xen màu đất đá như vải hoa Còn thủy điện vừa và nhỏ thì tứ giăng, không có nước nào theo kịp. Việc tích nước và xả lũ cũng lắm bất cập, báo chí đã nhiều lần phản ánh.
Kèm với mưa lớn, lũ dâng, chưa có năm nào sạt lở trầm trọng như năm nay, Từ đường sá, cầu cống đến nhà dân, công sở. Những cơ sở này thường được bạt núi, san đồi để xây dựng. Nhỏ thì nhờ máy xúc, máy cạp. Lớn thì nổ mìn. Tất cả đều gây dư chấn đến kết cấu tự nhiên. Bình thường, tưởng không ảnh hưởng gì. Nhưng thực tế là khi môi trường bị tàn phá, hệ sinh thái đảo lộn; những dư chấn nhân tạo, tưởng vô hại nhưng cứ tích tụ, chờ thời cơ bùng phát thảm họa.
Một thời, bằng vô số việc làm bất chấp qui luật cuộc sống, chúng ta từng tư duy “Thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”. Công bằng đánh giá, rất nhiều công trình, dự án đã cải thiện cuộc sống người dân, góp phần phát triển đất nước. Tuy nhiên, mặt trái rất ít khi được nhắc đến, nói chi phân tích; dù mọi vấn đề của cuộc sống luôn có hai mặt.
Khá nhiều dự án “Lợi bất cập hại”, bỏ ngoài tai mọi phản biện và cảnh báo của các nhà khoa học thực tiễn. Khi sự cố xảy ra, chưa thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm. Nếu cứ tiếp tục hành xử như hiện nay, sự trả giá sau này còn nặng nề hơn.
COVID 19 gây tổn thất quá lớn, làm đảo lộn trật tư thế giới nhưng cũng buộc con người nhìn lại minh, để điều chỉnh hành vi và có những ứng xử thích nghi mới. Thiên tai của miền Trung năm 2020 cũng vậy. Thiệt hại nặng nề chính là sự cảnh tỉnh những hành vi đi ngược lại thiên nhiên môi trường của các nhà đầu tư cũng như cho các nhà quản lý.
Xin đừng tiếp tục bạc đãi mẹ thiên nhiên.