Người đứng đầu trung tâm phân tích quân sự Nga khẳng định, bất chấp những thách thức mới trong thời điểm hiện tại, Nga vẫn nắm giữ nhiều lợi thế trong ngành công nghiệp quốc phòng trước đối thủ Mỹ, đặc biệt là giá cả và tính hiệu quả của khí tài quân sự.
Ruslan Pukhov, thành viên Hội đồng tư vấn thuộc Bộ Quốc phòng Nga, đồng thời là một trong những người sáng lập Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moscow, đã tiến hành những hoạt động theo dõi ngành công nghiệp quốc phòng Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Ông Pukhov nhận định, những thách thức chính là động lực cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, và đang tiến hành một chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn. Kế hoạch tái vũ trang của Tổng thống Putin có chi phí hơn 350 triệu USD, và có thể coi là một thành tích tuyệt vời, nhà phân tích cho biết.
“Nga có những lợi thế đáng kể trong ngành công nghiệp quốc phòng đối với Mỹ,” ông Pukhov nói, và dẫn chứng rằng cường quốc này có một số công nghệ quân sự độc quyền mà nhiều nước “thèm muốn”. Ngoài ra, thị trường mua bán vũ khí của Moscow cũng rộng khắp, với kế hoạch hợp tác cùng nhiều quốc gia.
Hơn nữa, các khí tài quân sự của Nga cũng không “đắt đỏ” như phía Mỹ. Vũ khí Nga được chế tạo ít phức tạp nên rẻ hơn so với thiết bị quân sự của Mỹ, tuy nhiên, các tính năng và sự hiệu quả là không hề thua kém. Cuối cùng, nhà phân tích tuyên bố, khí tài quân sự do Nga sản xuất là “rất dễ sử dụng”, cho phép những quân nhân chưa qua đào tạo vẫn có thể dùng trong trường hợp cần thiết.
“Máy bay chiến đấu của Mỹ trông giống như đồng hồ Thụy Sĩ, nhưng máy bay chiến đấu của Nga lại giống xe tăng. Bạn muốn chiến đấu bằng một cỗ máy hay đồng hồ Thụy Sĩ?”, ông Pukhov nói đùa với cánh phóng viên.
Sau tất cả những phân tích và dẫn chứng của mình, ông Pukhov tuyên bố ngành công nghiệp quân sự Nga có khá nhiều ưu điểm theo những khía cạnh khác nhau, giúp Moscow giành “thế thượng phong” trong một cuộc chiến tranh hiện đại.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa các bên cho đến nay vẫn bị đình trệ. Điều này đã thúc đẩy Moscow bắt tay thực hiện một kế hoạch mới, thay thế hoạt động nhập khẩu.
Kế hoạch thay thế nhập khẩu thiết bị quân sự và vũ khí đã hoàn thành vào tháng 12.2014. Và Nga hiện đang trải qua chương trình tái vũ trang mới, với mục tiêu thay mới 70% khí tài quân sự cho lực lượng vũ trang, kéo dài đến cuối năm 2020.
Hàn Giang (Theo Sputnik News)