Hiện tại, số vốn của Chính phủ phân bổ cho tuyến metro số 1 không đáp ứng nhu cầu. Do đó, dự án sẽ khó hoàn thành vào năm 2020 như dự kiến nếu không được bố trí vốn.
Vốn phân bổ không theo tiến độ
Theo Trưởng ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang, nguồn vốn thực hiện tuyến metro số 1 có 2 phần gồm: phần vốn vay ODA của Nhật Bản và phần vốn đối ứng của TP.HCM.
Trong đó, phần vốn đối ứng của TP luôn luôn sẵn sàng; còn phần vốn ODA lại phân bổtrễ so với yêu cầu. Nguyên nhân do vào cuối năm 2015 và 2016, vốn ODA phải thực hiện theo kế hoạch ngân sách trung hạn và dài hạnnên có sự chậm trễ.
Đáng chú ý, Văn phòng Chính phủ cuối tháng 4 mới có ý kiến chấp thuận theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phân bổ nguồn vốn trong năm 2017 cho dự án; sau đó Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới phân bổ vốn cho TP.HCM. Như vậy, quá trình phân bổ vốn năm 2017 đã chậm mất 1 quý.
Mặt khácđến năm 2017, giá trị thi công dự án đã đạt khoảng 5.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 28.4, Chính phủ mới phân bổ cho dự án hơn 2.100 tỉ đồng. Giá trị vốn được phân bổ cũng không đáp ứng nhu cầu.
Với số vốn này, Ban quản lý dự kiến sẽ dùng 600 tỉ đồng để trả nợ đã đối ứng từ ngân sách thành phố vào năm 2016 và 1.400 tỉ đồng trả nợ nhà thầu phát sinh trong 4 tháng qua. Như vậy, số tiền Chính phủ rót xuống không đủ để tiếp tục thi công, thế nên dự án này đang gặp khó khăn về vốn.
Theo ông Quang, hiện nay, một số nhà thầu đã có thư thông báo sẽ cắt giảm tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công nếu không có tiền thanh toán cho họ. Đặc biệt, nếu không được bố trí vốn, các nhà thầu sẽ không có tiền trả cho các chuyên gia và họ phải về nước, khi họ đã đi thì mời trở lại rất khó. Tiếp đến, nếu thanh toán chậm, TP.HCM phải trả lãi và bồi thường thiệt hại theo hợp đồng với một khoản tiền khá lớn.Vì vậy, dự án sẽ khó hoàn thành vào năm 2020 như dự kiến nếu không được bố trí vốn.
Ông Quang cũng cho biết hiện tại, Nhật Bản đặt vấn đề tiến độ dự án rất nghiêm túc và gay gắt. Bởi lẽ, nguồn vốn Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn cho dự án, có chương trình vay và có tiến độ giải ngân nhưng do đây là phía nội bộ Việt Nam nên cần phải giải quyết vấn đề này.
Để giải quyết vấn đề nguồn vốn, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPnói rằng ngay từ đầu đã báo cáo UBND TP làm việc với các vụ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư để chuẩn bị đề nghị sắp xếp vốn thực hiện cho các bước tiếp theo. Đến nay, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP và Ban Quản lý Công trình giao thông đô thị TP là những đơn vị có nhu cầu vốn ODA lớn đề xuất giải pháp để làm việc với các Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để chuẩn bị phân bổ vốn.
Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này và có những động thái đưa ra các giải pháp, thế nhưng đến nay tiến độ giải ngân dự án chưa được sự đồng thuận của các bộ có liên quan.
Các tuyến metro khác cùng chung cảnh ngộ
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, không chỉ tuyến metro số 1 đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ mà các dự án khác cũng đã chậm từ nhiều năm nay.
Trong đó, tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài hơn 11 km đã được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Đầu tư châu Âu tài trợ, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Mặc dù vậy, đến nay, tuyến metro số 2 chỉ mới trình hồ sơ điều chỉnh và đang chờ Chính phủ xem xét. Các quận huyện có dự án đi qua đang tiến hành giải phóng mặt bằng, dự kiến cuối năm mới phát hồ sơ mời thầu.
Ông Quang nói rằng nguyên nhân là do giai đoạn đầu, các chuyên gia trong nước thực hiện dự án nhưng không đủ khả năng, sau đó mời chuyên gia tư vấn nước ngoài vào cuộc nên dự án phải điều chỉnh lại.
Đối với tuyến số 5 đoạn từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn có tổng chiều dài 8,89 km cũng đã được Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 1,565 tỉ EUR. Dự kiến, tuyến metro số 5 sẽ hoàn thành vào năm 2024. Tuy nhiên, dự án này cũng đang tiến hành mời thầu. Đối với các dự án khác như tuyến 3a, tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến số 5 (giai đoạn 2)… đang trình hồ sơ dự án.
Phan Diệu