Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó chỉ ra hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính

Trí Lâm | 23/05/2017, 16:26

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó chỉ ra hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính.

Nợ công hơn 2,5 triệu tỉ, chi thường xuyên chiếm 62,3% tổng chi

Theo Báo cáo của Chính phủ, nợ công tính đến 31.12.2015 là 2.608.421 tỉ đồng, bằng 62,2%GDP. Còn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định nợ công đến 31.12.2015 theo Luật Quản lý nợ công 2.556.039 tỉ đồng, bằng 61% GDP, giảm 52.382 tỉ đồng so với số báo cáo của Chính phủ.

Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỉ đồng và 8.171 tỉ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công 2.589.429 tỉ đồng, bằng 61,8% GDP, nợ Chính phủ 2.098.022 tỉ đồng, bằng 50% GDP.

Qua báo cáo của mình, KTNN cũng chỉ ra hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính như chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công; quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu; theo dõi, thống kê, tổng hợp và báo cáo số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định…

Vì vậy, việc Bộ Tài chính tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, chính quyền địa phương. Hơn nữa, mặc dù nợ doanh nghiệp nhà nước không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công nhưng nguy cơ tiềm tàng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không trả được nợ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính áp dụng mức phí tạm ứng tồn ngân (0,15%/tháng) đối với các khoản vay tồn ngân để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) không đúng đối tượng quy định. Vay các quỹ ngoài ngân sách không được hạch toán chi tiết theo đối tượng. Nợ nước ngoài của Chính phủ được theo dõi tại Cục Quản lý nợ và Kho bạc Nhà nướcnhưng không phù hợp về tiêu thức và số liệu.

Về chi thường xuyên, dự toán 777.000 tỉ đồng, quyết toán 788.500 tỉ đồng (chiếm 62,3% tổng chi NSNN), tăng 1,5% (11.500 tỉ đồng) dự toán. Trong đó, quyết toán chi ngân sách trung ương vượt 2,5% (8.821 tỉ đồng), ngân sách địa phươngvượt 0,6% (2.679 tỉ đồng) dự toán.

Kết quả kiểm toán cho thấy, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN 116,8 tỉ đồng; 33/46 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.382 tỉ đồng, trong đó bổ sung chi thường xuyên sai quy định 265 tỉ đồng.

Theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 Chính phủ trình Quốc hội, kết dư ngân sách địa phương là 52.288 tỉ đồng; bội chi NSNN 263.135 tỉ đồng, bằng 6,28% GDP thực tế, vượt 7.135 tỉ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định (256.000 tỉ đồng, tương ứng 5,71% GDP kế hoạch). Trong đó, nguồn bù đắp bội chi gồm: Vay trong nước 195.900 tỉ đồng, vay ngoài nước 67.235 tỉ đồng.

Báo cáo chỉ ra, 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31.12.2015 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; một số khoản vay trong năm của địa phương nhưng đến hết năm 2015 không giải ngân hết, cá biệt, tỉnh Quảng Ninh phát hành trái phiếu nhưng phân bổ, sử dụng không kịp thời làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Hàng loạt sai phạm ở các dự án Chính phủ bảo lãnh,BOT, BT và ODA

KTNN cho biết, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể:

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT: Chưa có tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT; hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu; xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót; xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế GTGT được Nhà nước hoàn lại; xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế...

Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu, thanh toán còn sai sót; góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày.

Với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN chỉ ra: chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án không đúng quy định; ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hợp đồng BT chưa quy định cụ thể việc thanh toán; xác định giá trị hợp đồng còn sai sót; không lập phương án tài chính; Nhà đầu tư tính chi phí lãi vay không phù hợp với quy định; công tác lập dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế - dự toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành; còn nhiều sai sót; góp vốn chủ sở hữu không đạt yêu cầu…

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, chưa bố trí đầy đủ, kịp thời theo cơ cấu vốn trong quyết định đầu tư được phê duyệt; sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng hoặc chưa phù hợp với điều khoản hợp đồng; vi phạm quy định của nhà tài trợ dẫn đến việc dừng cấp vốn gây lãng phí nguồn vốn đã đầu tư… công tác ghi thu - ghi chi chưa kịp thời số liệu ghi thu - ghi chi chưa chính xác …

Theo KTNN, nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại.

Cụ thể, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỉ đồng (55 dự án 5.641 tỉđồng và Vinashin 22.393 tỉ đồng), chiếm 9,1% tổng dư nợ. Trong đó, các khoản nợ quá hạn tương đương 9.730 tỉ đồng (Vinashin 6.562,8 tỉ đồng; 8 dự án đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy 1.402 tỉ đồng; Dự án Xi măng Hạ Long 268 tỉ đồng; Dự án Thiết bị thi công công trình - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là 185 tỉ đồng; Dự án Thủy điện Nậm Chiến 129,5 tỉ đồng…).

5 dự án cho vay lại có nợ ứng vốn từ Quỹ tích lũy 1.217 tỉ đồng (Xi măng Hải Phòng: 39,6 tỉ đồng; Xi măng Thái Nguyên: 575,2 tỉ đồng (quá hạn 411 tỉ đồng); Thủy điện ĐakMi4: 13,3 tỉ đồng; Chính phủ Lào: 68,9 tỉ đồng; Vinashin: 520,5 tỉ đồng (được khoanh nợ từ 2015)

10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ 199,02 triệu USD (7 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ 105,95 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ Tích lũy). Trong đó Dự án Nhà máy sản xuất bột Giấy Phương Nam 60,42 triệu Eur(quá hạn 41,9 triệu Eur, khoanh nợ từ năm 2014); Dự án Xi măng Hạ Long 52,21 triệu Eur (quá hạn 23,51 triệu Eur); Dự án Xi măng Thái Nguyên 30,79 triệu Eur (nợ quá hạn 14,27 triệu Eur).

Báo cáo của KTNN cho biết, những khoản này đã làm gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính