Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục chiến dịch "thanh trừng" sau cuộc đảo chính quân sự bất thành diễn ra hôm 15.7.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 6.000 người đã bị bắt giữ trong chiến dịch "thanh trừng" nhắm vào các cá nhân tham gia đảo chính và thuộc phe đối lập với chính phủ.
Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdağ nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng chiến dịch "thanh trừng vẫn đang tiếp tục diễn ra. Hơn6.000 vụ bắt giữ đã được tiến hành. Số lượng bị bắt nhiều hơn 6.000 người".
Trước đó, vào lúc 12 giờ (giờ địa phương) ngày 17.7, hàng loạt thẩm phán, công tố viên và sĩ quan quân đội đã bị bắt, theo truyền thông địa phương cho biết.
Theo tin mới nhất, 3 tướng lĩnh hàng đầu cùng hàng trăm sĩ quan đã bị bắt. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng sa thải 3.000 thẩm phán và công tố viên, số người này có thể sẽ bị bắt trong thời gian tới nếu bị khép tội âm mưu lật đổ chính phủ.
Ông Bozdağ cũng nói rằng ông tin phía Mỹ sẽ trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania.
Trong khi đó, Thủ tướng Binali Yildirim tái khẳng định lực lượng đảo chính sẽ "bị trừng trị thích đáng" và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện các thủ tục để dẫn độ ông Gulen.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho Gulen và những người ủng hộ ông là thủ phạm tổ chức cuộc đảo chính quân sự bất thành đêm 15.7, nhưng ông Gulen phủ nhận sự tham gia của mình trong vụ đảo chính cũng như việcbiết thông tin về vụ đảo chính lần này.
Tổng thống Erdogan thậm chí còn điện đàm trực tiếp tới Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu người đồng cấp Mỹ nhanh chóng dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ.
Đáp lại, phía Mỹ nhấn mạnh nước này sẽ chỉ xem xét việc dẫn độ ông Gulen nếu được Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp bằng chứng xác đáng cho cáo buộc của mình.
"Chúng tôi hoàn toàn biết sẽ có chất vấn về ông Gulen. Và rõ ràng là chúng tôi sẽ nhờ chính phủ Thổ NhĩKỳ... trình cho chúng tôi bằng chứng hợp pháp", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ ýmuốn dẫn độ Gulen của Tổng thống Erdogan.
Ông Bozdağ chỉ trích "Mỹ đang tự làm tổn hại mình bằng cách bảo vệ ông ta (Gulen), điều này làm tổn hại danh tiếng của họ. Tôi không nghĩ là vào giờ phút này, Mỹ lại bảo vệ những người đã thực hiện hành vi này (tổ chức đảo chính) với Thổ Nhĩ Kỳ".
Vào lúc 12 giờ 35(giờ địa phương) ngày 17.7, lời cầu nguyện đã đồng thời được phát đi từ 85.000 thánh đường Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ để tôn vinh những người đã chết vì bảo vệ nền dân chủ của đất nước trong thời điểm xảy ra đảo chính.
Lời cầu nguyện Sela theo truyền thống là lời cầu nguyện được phát đi từ thánh đường Hồi giáo trong tang lễ, dù lời cầu nguyện này đôi khi cũng được dùng để tập hợp người dân. Trong đêm 15.7, các thánh đường Hồi giáo trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lời cầu nguyện Sela để tập hợp người dân xuống đường chống đảo chính.
Gozde Kurt, một học sinh 16 tuổi sống ở Istanbul nói với báo chí quốc tế trong cuộc biểu tình ăn mừng chiến thắng rằng "chỉ một nhóm nhỏ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng lên chống lại chính phủ của chúng tôi... Nhưng chúng tôi, những công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng nhau đẩy lùi vụ đảo chính".
Theo thống kê chính thức, 265 người từ cả hai phía đảo chính và ủng hộ chính phủ đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính và hơn 1.440 người bị thương trongcác sự kiện đêm 15 - sáng 16.7 tại Istanbul và Ankara.
Thiên Hà (theo Daily Mail)